Làm thế nào để chấm dứt cảnh xếp hàng xuyên đêm xin học lớp 10?
Tình trạng phụ huynh xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 tại một số trường THPT ở Hà Nội là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của dư luận những ngày qua.
Những ngày qua, phụ huynh phải xếp hàng xuyên đêm, vạ vật trước các cổng Trường THCS&THPT Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), Trường THPT Phan Huy Chú, THPT Hoàng Cầu... để đăng ký tuyển sinh lớp 10 cho con. Theo báo Sức khỏe & Đời sống, các trường để xảy ra tình trạng này đều là trường tư thục hoặc trường công tự chủ.
Để cho con chắc một suất vào các trường này, mặc dù không ít trường hợp đủ hoặc vượt cả điểm chuẩn tuyển sinh vào trường nhưng lý do phụ huynh vẫn ồ ạt kéo đến cổng trường từ đêm hôm trước bởi các trường này đều có lưu ý: "Nhà trường sẽ dừng nhận hồ sơ khi tuyển đủ chỉ tiêu". Trước tình trạng này, các chuyên gia đã đưa ra giải pháp.
Chuyển sang tuyển sinh trực tuyến thay vì trực tiếp
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), trong trường hợp này, chúng ta cần đặt mình vào vị trí các phụ huynh để hiểu lý do vì sao họ phải "trắng đêm" giữ chỗ như vậy. "Con đang thiếu chỗ học thì họ phải lặn lội, phải tìm mọi cách để xử lý, giúp con có chỗ học, đó là điều rất dễ hiểu. Ai cũng sẽ hành xử như vậy khi rơi vào tình huống của họ".
Để phụ huynh không phải chịu khổ xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ cho con, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, giải pháp quan trọng nhất là Sở GD&ĐT Hà Nội cần có ý kiến nhất quán trên toàn hệ thống, để tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, thay vì nộp hồ sơ xét tuyển trực tiếp như hiện nay. Tất nhiên, vẫn có thể linh động trên từng trường, bởi không phải trường tư thục nào cũng có đông thí sinh đăng ký, có trường thậm chí còn không tuyển đủ học sinh.
Liên quan đến vấn đề này, theo Vietnam+, thông tin bên lề phiên họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội ngày hôm 5/7, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.Hà Nội cho biết để tiếp tục triển khai mạnh mẽ kế hoạch về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục, tạo điều kiện cho học sinh và phụ huynh học sinh, Hà Nội phấn đấu từ kỳ tuyển sinh năm học 2024-2025, tất cả các trường trên địa bàn triển khai đăng ký tuyển sinh trực tuyến, không còn trường nào thu hồ sơ đăng ký tuyển sinh trực tiếp.
Trước đó, bắt đầu từ năm học 2016-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có bước đột phá khi áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện tuyển sinh đầu cấp trực tuyến trên toàn thành phố với các lớp mầm non, lớp 1 và lớp 6, trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng phương thức tuyển sinh này. Năm 2019, Hà Nội tiếp tục triển khai đăng ký nhập học trực tuyến vào lớp 10, hoàn thiện quy trình tuyển sinh trực tuyến ở tất cả các cấp.
Chủ đầu tư phải xây dựng trường học mới được phép bán nhà
Thực tế, tình cảnh phụ huynh phải xếp hàng trắng đêm để nhập học cho con xảy ra ở hầu hết các bậc học trên địa bàn Thủ đô. Năm ngoái, phụ huynh phải bốc thăm may mắn để giành suất vào Trường mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) hay phụ huynh cũng phải xếp hàng xuyên đêm chờ mua hồ sơ trải nghiệm vào lớp 1 Trường Marie Curie (quận Nam Từ Liêm). Còn mới đây, hàng trăm phụ huynh chen lấn, xô đẩy để tranh suất học ở Trường tiểu học Vạn Bảo (quận Hà Đông).
Những năm qua, ở bậc học nào, Hà Nội cũng thiếu trường lớp trầm trọng. Lấy ví dụ, trường Tiểu học Trung Yên, quận Cầu Giấy là trường chuẩn quốc gia nhưng sĩ số còn lâu mới đạt chuẩn. Theo quy định, một lớp tối đa là 35 em nhưng có lớp tại đây lên đến 56. Còn tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, vì quá đông nên mỗi giờ thể dục, chỉ một nửa số em có cơ hội xuống sân trường.
Quá tải học sinh khiến áp lực lên các nhà trường càng lớn hơn khi phải thực hiện nhiều yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng đỉnh điểm của sự quá tải là Trường tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, buộc phải cho học sinh nghỉ luân phiên.
Một phụ huynh chia sẻ với VTV, nhà anh có 2 con. Cậu bé lớp 3 nghỉ ngày thứ 4, thứ 7 đến trường. Còn anh trai lớp 4 thì nghỉ ngày thứ 5, thứ 6, thứ 7 đi học. Đã 2 năm nay như thế, gia đình căng thẳng vì mọi sinh hoạt đảo lộn.
Năm nay, số học sinh thi vào lớp 10 cũng tăng thêm 1.000 em so với năm 2022. Các trường công lập chỉ có thể đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thí sinh. Số còn lại sẽ phải học các trường dân lập hoặc học nghề.
Trong khi đó, một thực tế đang tồn tại là nhiều trường vùng ngoại thành, vùng ven hằng năm không tuyển đủ học sinh, mức điểm trung bình/môn rất thấp. Ngược lại, ở các quận nội thành, học sinh đạt mức trên 8 điểm/môn, nhưng vẫn có thể trượt mất cơ hội học tập ở trường công lập.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội phải thốt lên: “Rất đau lòng và thương phụ huynh”. Họ là những người chi tiền đầu tư giáo dục, đưa đón con hằng ngày và ngay cả khi con đạt mức điểm cao, kết quả tốt vẫn phải chạy ngược chạy xuôi để lo giành được suất học ở một ngôi trường nào đó.
GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, nói rằng, rất khó hiểu ngay tại Thủ đô Hà Nội, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước lại để xảy ra tình trạng thiếu trường, lớp. Tuy bậc THPT chưa phổ cập nhưng sự phân luồng phải phù hợp, đảm bảo lợi ích học tập của học sinh. Theo ông Dong, ở các quận nội thành, số lượng trường THPT công lập rất ít nên gây áp lực học tập, thi cử rất lớn lên vai những đứa trẻ ngay từ khi bước chân vào bậc THCS.
“Chứng kiến cảnh phụ huynh chen lấn, xô đẩy để xếp hàng bốc thăm, mua hồ sơ cho con vào học từ mẫu giáo đến tiểu học, THPT tôi thấy rất đau lòng, đáng tiếc”, ông Dong nói.
Theo ông, để xảy ra tình trạng thiếu trường, lớp như hiện nay, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo các quận, huyện, thị xã mà trên hết là lãnh đạo Tp.Hà Nội. Ông lấy ví dụ, ở các phường nội đô, chung cư, nhà cao tầng mọc lên nhan nhản nhưng lại không xây trường, trong khi phải quy định bao nhiêu vạn dân phải có trường học.
“Nhà quản lý phải quyết liệt yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng trường học mới được phép bán nhà và ưu tiên quỹ đất để đầu tư xây trường, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân”, ông Dong kiến nghị.
Xây thêm trường, giảm tải nội đô
Trao đổi với Tiền Phong về thực trạng phụ huynh phải giành giật suất học cho con vào lớp 1 và lớp 10 trong nhiều năm qua tại Hà Nội, Tiến sĩ ngành Giáo dục học, Đại học Newcastle (Australia), ông Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, đó là một điều đáng buồn.
Theo ông Hiền, chúng ta cho đầu tư xây chung cư ồ ạt, tràn lan nhưng thiếu khu quy hoạch trường lớp cho thế hệ trẻ tương lai.
“Giải pháp nào để giải quyết cho sự bất cập trên là một câu hỏi khó. Với việc thiếu hụt trầm trọng trường lớp các cấp hiện nay, ông Hiền đề xuất, Hà Nội cần thực thi một số giải pháp căn cơ.
Thứ nhất, theo ông Hiền cần khảo sát lại quy hoạch các khu dân cư và bố trí mở thêm trường ở những nơi mật độ dân cư đông.
Thứ hai, thiết lập một hệ thống xe buýt chuyên biệt phục vụ đưa đón học sinh ở các tuyến trường trong và ngoại thành nhằm giảm tải học sinh nội thành.
Thứ ba, lập dự báo mật độ dân cư trong 5 và 10 năm tiếp theo ở các quận và huyện lân cận.
Thứ 4, phát triển các khu dân cư phải gắn liền quy hoạch trường học.
Bàn về vấn đề này, trao đổi với VOV, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, để giải sức nóng cho các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội, giảm tải áp lực về thiếu trường lớp, Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn nói chung cần đẩy mạnh rà soát, xác định rõ các quận huyện đang thiếu trường lớp. Đặc biệt cần kiên quyết xử lý những đơn vị, chủ đầu tư xây dựng chung cư, khu đô thị cố tình né tránh, không xây dựng đủ trường học theo đúng quy hoạch phê duyệt ban đầu.
“Nếu để xảy ra tình trạng quá tải trường lớp do mất cân bằng quy hoạch cần quy rõ trách nhiệm cho địa phương. Các dự án xây dựng chung cư nếu không có các thiết chế xã hội đi kèm thì cần kiên quyết đình chỉ, buộc dừng lại. Ở ta vẫn nói nhiều khẩu hiệu “giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”, song sự đầu tư đó chưa thực sự tương xứng. Thậm chí có thể chưa cần sân vận động, nhà hát, nhưng xây trường cần được ưu tiên trước tiên. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, vì lợi ích lâu dài, không thể vì những nguồn lợi trước mắt mà bỏ qua những giá trị bền vững”, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo nguyên Hiệu Trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bên cạnh việc phát triển hệ thống trường công, các địa phương cũng cần có chính sách thúc đẩy xã hội hóa, tạo điều kiện cho các cá nhân, đơn vị đủ điều kiện được mở trường. Nhà nước cần có cơ chế để cả doanh nghiệp, xã hội và phụ huynh cùng có lợi
Sẽ tăng tỉ lệ đỗ trường công
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, năm học 2023-2024 toàn thành phố có 129.210 học sinh hoàn thành chương trình cấp THCS. Sau khi các nhà trường tuyên truyền, phân luồng có gần 105.000 học sinh thi vào trường THPT không chuyên. Trong đó, các trường THPT công lập tuyển khoảng 72.000 học sinh, nên có khoảng 33.000 em sẽ phải đăng ký học ở trường tư thục, trung tâm GDTX- GDNN, học nghề…
Hà Nội hiện có 117 trường THPT công lập (đáp ứng được khoảng 72.000 học sinh mỗi năm học), 119 trường tư thục và trường công lập tự chủ (đáp ứng được khoảng 30.000 học sinh), 29 trung tâm GDNN-GDTX và các trường nghề đáp ứng được khoảng 30.000 học sinh.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định, thành phố Hà Nội có nhiều mô hình trường tạo cơ hội mở, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhiều đối tượng học sinh.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay toàn Tp.Hà Nội đảm bảo được khoảng 60% em vào trường THPT công lập. Thực trạng thiếu trường lớp là vấn đề khó khăn mà ngành và địa phương đang đối mặt. Thành phố đã chỉ đạo sẽ tìm kiếm nguồn xây dựng thêm trường học để tăng tỉ lệ học sinh vào trường công song song với nâng tỉ lệ trường chuẩn quốc gia và yêu cầu các khu đô thị mới phải xây dựng trường trước khi bán dự án.