Lạc tốt cho sức khỏe nhưng 'đại kỵ' với những người này
Mặc dù là loại thực phẩm bổ dưỡng nhưng những người này cần hạn chế ăn lạc.
Lạc hay còn gọi khác là đậu phộng là loại thực phẩm phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Nó có bảng thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe lại rẻ tiền, dễ kiếm. Trong lạc chứa lượng lớn steroid thực vật, chất rất có lợi cho sức khỏe.
Lạc giàu chất đạm, chất béo tốt và chất xơ. Thành phần chất béo tốt trong lạc giúp giảm mức cholesterol của cơ thể, đồng thời còn là nguồn cung cấp magie, fomat.
Theo nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một khẩu phần lạc tương đương 28g hoặc 28 hạt lạc sống có chứa hàm lượng dinh dưỡng như sau:
- Lượng calo: 161
- Chất béo: 14g
- Natri: 5,1mg
- Carbohydrate: 4,6g
- Chất xơ: 2,4g
- Đường: 1,3g
- Chất đạm: 7,3g
Tuy có bảng dinh dưỡng tốt nhưng một số người sau đây không nên sử dụng lạc hoặc cần hạn chế ăn ít lạc.
Những người cần tránh hoặc hạn chế ăn lạc
Người cơ địa dị ứng
Cần lưu ý rằng không phải ai cũng có thể ăn được lạc. Một số người có cơ địa dị ứng hoặc nhạy cảm với các loại thực phẩm cần cẩn thận khi sử dụng lạc.
Nếu có các triệu chứng như phát ban, buồn nôn hoặc bị sưng mặt sau khi sử dụng lạc nghĩa là bạn bị dị ứng với loại thực phẩm này.
Một số trường hợp dị ứng với lạc bị nặng còn xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, khó thở, nôn mửa, co giật, chóng mặt.
Nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng nêu trên bạn cần dừng sử dụng loại thực phẩm này ngay, đồng thời tới thăm khám kịp thời ở các cơ sở y tế.
Người rối loạn mỡ máu
Lạc giàu chất béo, hàm lượng calo cao nên không phù hợp với những người bị rối loạn mỡ máu. Sử dụng nhiều loại thực phẩm này có thể làm bệnh nặng hơn, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ.
Người bị bệnh gout
Người bị bệnh gout được khuyến cáo không nên ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo như lạc bởi sử dụng nhiều sản phẩm này có thể làm giảm sự bài tiết của axit uric khiến bệnh bị tái phát nặng hơn.
Hơn nữa, loại thực phẩm giàu calo này nếu ăn nhiều có thể gây tăng cân - một trong những nguyên nhân hình thành bệnh gout. Vì vậy, với những người bị bệnh gout tốt nhất chỉ nên ăn một lượng nhỏ lạc hoặc không sử dụng loại sản phẩm này là tốt nhất.
Người có làn da dầu, nhiều bã nhờn, mụn bọc
Với hàm lượng chất béo cao, ăn nhiều lạc có thể thúc đẩy bài tiết tuyễn bã nhờn, tăng tiết dầu khiến cho làn da của bạn càng bị đổ nhiều dầu và nổi mụn.
Ngoài lạc luộc, hiện lạc còn được chế biến thành nhiều món ăn khác, kết hợp với nhiều loại gia vị cay nóng như bột ớt, ngọt như đường. Trông có vẻ hấp dẫn những nếu tiêu thụ những món ăn này nhiều sẽ khiến cơ thể bạn càng bị nóng trong, da dễ kích ứng, nổi mẩn đỏ hay mụn và gây viêm chân lông. Vì vậy bạn nên hạn chế ăn lạc để bảo vệ làn da khoẻ mạnh.
Người bị rối loạn tiêu hoá
Trong lạc có dồi dào chất đạm nên nếu sử dụng nhiều có thể tạo thành gánh nặng cho đường ruột, tạo cảm giác đầy bụng khó tiêu.
Người đang giảm cân
Lượng calo cao, hàm lượng chất béo dồi dào nên nếu đang trong chế độ giảm cân bạn nên hạn chế hoặc không sử dụng lạc trong thực đơn giảm cân của mình.
Những lưu ý khi sử dụng lạc
- Không ăn lạc đang dấu hiệu mọc mầm
- Không ăn lạc đã mốc, có mùi ôi thiu
- Không ăn lạc khi đang bị ho, đau họng
- Không ăn lạc khi bụng đang đói
Trên đây là một số thông tin về lạc - món ăn quen thuộc trong cuộc sống và lưu ý những người nên hạn chế hoặc không nên ăn lạc để bảo vệ sức khoẻ.