Khi giáo viên là người cung cấp dịch vụ, học sinh là người sử dụng
Luật sư cho rằng nếu dạy thêm được đưa vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì đâu là thước đo để đánh giá “điều kiện” của việc dạy thêm.
Trước nhiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 về việc đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học. Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Minh Thư – Văn phòng Luật sư Vạn Bảo, Đoàn Luật sư Hà Nội để hiểu rõ hơn sự thay đổi về pháp lý nếu dạy thêm, học thêm được siết chặt quản lý.
NĐT: Thưa luật sư, “danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện” hiện nay được hiểu và quy định như thế nào?
Luật sư Nguyễn Minh Thuý: Theo quy định tại Điều 7 Luật đầu tư 2020 quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như sau:
“Điều 7.Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện:
1.Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng
2.Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV của Luật này.”
Như vậy, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là những ngành nghề được quy định tại Phụ lục IV Luật đầu tư năm 2020.
NĐT: Theo luật sư khi đưa dịch vụ dạy thêm văn hoá vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ có sự thay đổi như thế nào về vai trò, trách nhiệm của người dạy, người học và các đối tượng liên quan?
Luật sư Nguyễn Minh Thuý: Nếu đưa dịch vụ dạy thêm văn hoá vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, dưới góc độ pháp luật, nó sẽ là một hoạt động kinh doanh.
Như vậy, vai trò của người dạy không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người bán hàng - người cung cấp dịch vụ dạy học của mình và ngược lại người học không chỉ là những học sinh, sinh viên đơn thuần mà còn là những người người mua hàng- người sử dụng dịch vụ.
Trách nhiệm của người dạy, người học và các đối tượng liên quan cũng không chỉ dừng lại trong lĩnh vực giáo dục mà còn có trách nhiệm đối với pháp luật về doanh nghiệp, kinh doanh và thuế. Họ sẽ phải tuân thủ các quy định có điều kiện của pháp luật đối với hoạt động dạy thêm văn hoá này.
NĐT: Dưới góc độ pháp luật khi đưa dạy thêm vào danh mục sẽ có những ưu điểm, hạn chế gì?
Luật sư Nguyễn Minh Thuý: Khi có được hành lang pháp lý rõ ràng và cụ thể đối với hoạt động dạy thêm, học thêm. Từ đó hạn chế được tình trạng các lớp daỵ thêm, học thêm tự phát và không có cơ quan nào kiểm soát về mặt chất lượng và số lượng.
Xây dựng được chế tài xử phạt trong trường hợp người dạy, người học vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giáo dục. Điều quan trọng, giúp cho những gia đình người học có căn cứ để lựa chọn cơ sở dạy thêm uy tín, an toàn và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm soát được việc các giáo viên lợi dụng hoạt động dạy thêm để trục lợi
Tuy nhiên, vì là hoạt động đầu tư kinh doanh có điều kiện, nên nó chỉ được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của luật định. Hiện nay, việc cấp phép cho các ngành nghề kinh doanh có điều kiện của chúng ta nói chung là khá chậm và khó khăn, đòi hỏi rất gắt gao về cơ sở vật chất, phòng cháy chữa cháy. Điều này có thể dẫn đến việc người dạy tổ chức dạy thêm mà không xin cấp phép của cơ quan có thẩm quyền.
Cùng với đó, vì là hoạt động kinh doanh nên sẽ gắn liền với lợi nhuận. Như vậy, khi hợp thức hoá quy định pháp luật của hoạt động này có thể sẽ dẫn đến hệ luỵ là giáo viên sẽ tập trung cao độ vào việc dạy thêm (tìm kiếm khách hàng) và sẽ chểnh mảng việc dạy và học trên lớp, trên trường.
NĐT: Trên thực tế có nhiều quy định đưa ra nhưng khó thực thi, theo luật sư khi đưa dịch vụ dạy thêm văn hoá vào danh mục ngành, nghề kinh doanh sẽ có những lo ngại gì?
Luật sư Nguyễn Minh Thuý: Bất kể một quy định nào mới được đưa ra đều sẽ vấp phải những ý kiến trái chiều từ dư luận và xã hội. Tuy nhiên, với tôi việc quy định dạy thêm trở thành một ngành nghề kinh doanh có điều kiện là nhu cầu cần thiết của xã hội và từ đó cũng sẽ có những lo ngại nhất định.
Đã là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì cần phải xác định rất rõ vậy điều kiện của ngành nghề dạy thêm này là gì? Cơ quan nào sẽ là cơ quan đưa ra những chỉ số, thước đo để đánh giá được “điều kiện” của việc dạy thêm.
Kinh doanh thì phải gắn liền với lợi nhuận và nộp thuế. Như vậy đòi hỏi Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế phải ban hành quy định về các loại thuế đối với hoạt động dạy thêm, học thêm.
Phương thức và hình thức xử lý các sai phạm trong hoạt động dạy thêm, học thêm cũng cần được làm rõ và có sự chuẩn bị. Tránh trường hợp các cơ quan nhà nước có liên quan đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết hành vi vi phạm pháp luật của người học và người dạy.
NĐT: Xin cảm ơn sự chia sẻ của luật sư!