Học sinh đổi môn học lớp 10: Bộ GD&ĐT nói gì?
Thực tế hiện nay có nhiều học sinh lớp 10 đã viết đơn xin hiệu trưởng được chuyển môn/ tổ hợp môn vì chọn “nhầm”. Theo đó, các cơ sở giáo dục THPT đang “đau đầu”.
Bộ nên cho học sinh lớp 10 được chuyển môn/tổ hợp môn ngay sau học kì I?
Mới đây, tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023 diễn ra mới đây, nhiều địa phương đề cập đến vấn đề chuyển trường, chuyển tổ hợp sau một thời gian học cho học sinh lớp 10. Nhiều ý kiến của lãnh đạo các Sở GD&ĐT bày tỏ sự lúng túng khi phụ huynh, học sinh THPT yêu cầu chuyển môn học.
Cụ thể năm 2018, Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, từ năm học 2019-2020 việc triển khai chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu với lớp 1, đến năm học 2022-2023 chương trình mới đang được triển khai ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10.
Theo các đại biểu, năm học 2022-2023 là năm đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT với lớp 10. Vì thời gian tìm hiểu ngắn nên nhiều phụ huynh đưa ra lý do sau một học kỳ thì thấy con không phù hợp với định hướng nghề nghiệp nên muốn chuyển tổ hợp.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, không khuyến khích học sinh chuyển tổ hợp, chuyển trường trong học kỳ một mà phải đợi hết năm học.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định bày tỏ băn khoăn việc chuyển đổi môn học và lựa chọn cụm chuyên đề của học sinh THPT cũng cần phải quan tâm. "Tình huống học sinh muốn chuyển trường thì sao, nếu sang trường khác không có môn học này, môn kia mà các em đã chọn thì xử lý thế nào. Dù trường tạo điều kiện hỗ trợ những trường hợp này nhưng vấn đề điểm, đánh giá như thế nào là vấn đề khá bất cập nên đề nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể".
Trong khi đó Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai Lê Duy Định cũng băn khoăn vấn đề chuyển tổ hợp môn ở học sinh THPT. "Bây giờ có hiện tượng sau khi học xong một học kỳ thì học sinh xin chuyển tổ hợp môn. Phụ huynh đưa ra lý do sau một học kỳ thì thấy con không phù hợp với định hướng nghề nghiệp nên muốn chuyển tổ hợp. Đồng thời, học sinh muốn chuyển trường sang vùng khác nhưng nơi chuyển cũng không dạy tổ hợp đang học thì như thế nào?".
"Đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có văn bản hướng dẫn xử lý việc chuyển môn, chuyển trường đối với học sinh học lớp 10 theo chương trình phổ thông mới. Hiện Bộ GD&ĐT cho phép các em thay đổi những điều này sẽ gây khó khăn cho các trường, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đăk Lăk nêu ý kiến.
Trước hiện tượng sau khi học xong một học kỳ thì học sinh lớp 10 muốn xin chuyển tổ hợp môn, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT chia sẻ: "Còn việc học sinh có nguyện vọng chuyển giữa hai tổ hợp trong cùng một hướng, nghĩa là chỉ chuyển 1 môn học, thì về nguyên tắc có thể thực hiện với điều kiện học sinh phải hoàn thành chương trình môn học ở lớp 10 trong hè (trên nguyên tắc tự nguyện và được thực hiện tương tự như trường hợp học sinh phải kiểm tra, đánh giá lại môn học chưa đạt yêu cầu trong hè) trước khi được học tiếp môn đó ở lớp 11.
Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện thông tư 22 hoặc bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này".
Ngày 15/11/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 6027/BGDĐT-GDTX về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập trong chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông.
Theo đó, về chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, Công văn số 6027/BGDĐT-GDTX ghi rõ:
Về chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập:
Học viên đã lựa chọn các môn học và cụm chuyên đề học tập từ lớp 10 sẽ giữ ổn định cho đến lớp 12. Trong trường hợp đặc biệt, học viên có nguyện vọng thay đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì thủ trưởng đơn vị xem xét, quyết định cho phù hợp. Việc thay đổi môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập của học viên (nếu có) chỉ thực hiện sau khi kết thúc năm học để đảm bảo các quy định về kiểm tra, đánh giá.
Khi học viên thay đổi môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập hoặc khi học viên chuyển trường và phải thay đổi môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập cho phù hợp với đơn vị tiếp nhận chuyển đến, học viên phải tự chủ động tự học bổ sung kiến thức để có thể học được các môn lựa chọn và cụm chuyên đề học tập mới. Tùy theo tình hình thực tế, đơn vị có thể có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học viên bồi dưỡng kiến thức để học những môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập mới.
Như vậy, chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập ở lớp 10, trong chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, đã được Bộ GD&ĐT tạo hướng dẫn.
Điều kiện để học sinh chọn lại tổ hợp môn học?
Việc thay đổi lựa chọn cũng tương tự như việc học sinh xin chuyển trường đến trường mới không có tổ hợp môn đã học ở trường cũ, là một thực tế.
Nếu học hết lớp 10 mà học sinh muốn đổi hẳn sang định hướng khác (chẳng hạn từ định hướng khoa học xã hội sang khoa học tự nhiên) là vô cùng khó khăn vì khi đó học sinh phải học lại hầu hết các môn học lựa chọn ở lớp 10 mà trong khoảng thời gian hè khó có thể hoàn thành.
Vì thế, tốt nhất là ngay từ đầu học sinh phải cân nhắc kỹ với sự tư vấn, hướng dẫn của nhà trường, các bậc phụ huynh.
Còn việc học sinh có nguyện vọng chuyển giữa hai tổ hợp trong cùng một hướng, nghĩa là chỉ chuyển 1 môn học, thì về nguyên tắc có thể thực hiện với điều kiện học sinh phải hoàn thành chương trình môn học ở lớp 10 trong hè (trên nguyên tắc tự nguyện và được thực hiện tương tự như trường hợp học sinh phải kiểm tra, đánh giá lại môn học chưa đạt yêu cầu trong hè) trước khi được học tiếp môn đó ở lớp 11.
Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện thông tư 22 hoặc bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này.