Chuyên gia: Đừng biến trường học hạnh phúc trở thành tiêu chí thi đua
Theo các chuyên gia sự thay đổi trong tư duy, hành động của chính nhà quản lý, giáo viên là yếu tố then chốt tạo môi trường học tập hạnh phúc.
Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng bộ tiêu chí trường học hạnh phúc dùng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố.
Theo đó, bộ tiêu chí (dự thảo) trường học hạnh phúc dùng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn Tp.Hà Nội gồm 3 tiêu chuẩn (về con người; về dạy học và hoạt động giáo dục; về môi trường) với tổng 15 tiêu chí.
Việc xây dựng một môi trường giáo dục hạnh phúc đã được bàn luận và nhen nhóm các mô hình từ rất lâu và đến nay cũng cho thấy những kết quả tích cực.
Trường học hạnh phúc là giải pháp, không phải là việc
Đưa ra định nghĩa về trường học hạnh phúc, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết: “Một trường học hạnh phúc là trường học tự xây dựng cho mình mục tiêu, sứ mệnh phù hợp với người dạy, người học và bối cảnh giáo dục mà nhà trường được đặt vào.
Trong đó có mục tiêu “làm cho các cá nhân, tập thể trong đó yêu trường, yêu lớp, cùng tiến bộ trên cơ sở những giá trị tốt đẹp”. "Với nhà trường hiện nay, tôi cho rằng có thể tập trung vào 3 giá trị mà Bộ GD&ĐT đã lựa chọn: An toàn, yêu thương và tôn trọng”, bà Thơ nói.
Theo vị chuyên gia, an toàn được hiểu bao gồm cả về thể chất và tinh thần. Điều kiện đủ của nó là trường học cần có tối thiểu những cơ sở vật chất, nhân lực để bảo đảm an toàn cơ bản. Tuy nhiên, điều kiện đủ lại là an toàn về tinh thần.
Điều đó chỉ có thể làm được khi quản lý nhà trường, giáo viên, nhân viên, học sinh đều có nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của bản thân; những quy định pháp lý mà họ được bảo vệ, phải tuân thủ, và nhất là có đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Một môi trường học đường chỉ có thể có hạnh phúc nếu các mối quan hệ được xây dựng và thực thi dựa trên yêu thương. Yêu thương bắt đầu từ sự thấu hiểu, chia sẻ với người khác mà không phải là sự ích kỉ, đơn phương thực hiện.
Sự tôn trọng trong mỗi nhà trường cần mỗi người thay đổi nhận thức và cách thực hiện dựa trên dân chủ trường học và cách huy động lực lượng tham gia vào các hoạt động trong nhà trường.
“Để có trường học hạnh phúc, người quản lý cần thay đổi cách điều hành, quản trị, giảm bớt áp lực, công việc không tên cho nhà giáo. Đặc biệt, giảm bệnh thành tích trong tư duy của người lãnh đạo đến giáo viên và phụ huynh. Có như vậy mới tạo ra môi trường hạnh phúc, truyền cảm hứng học tập cho học trò.
Xây dựng trường học hạnh phúc là tập trung vào trường học an toàn, giải quyết các mối quan hệ dựa trên sự thấu cảm, yêu thương và tôn trọng – những tiền đề như vậy sẽ tạo cho các em học sinh và các bên khác có động lực để phát triển bản thân mình và có sự thay đổi trong nhận thức về những giá trị trong giáo dục”, bà Chu Cẩm Thơ bày tỏ.
Cũng theo bà Thơ, người hiệu trưởng phải là người đầu tiên thay đổi, để họ biết cách tạo ra mô hình vận hành trong trường mình để hướng dẫn các giáo viên, đồng nghiệp cùng thực thi.
Thầy hạnh phúc - trò mới hạnh phúc
Là người trực tiếp xây dựng trường học hạnh phúc trong nhiều năm qua, chia sẻ với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch Hội đồng Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Tp.Hà Nội) cho rằng, trường học hạnh phúc là xu hướng phát triển không chỉ Việt Nam mà còn trên thế giới, bởi nó đem lại hạnh phúc và sự tiến bộ cho học trò, cho thế hệ tương lai, góp phần làm đổi mới giáo dục.
“Hà Nội và Tp.HCM xây dựng tiêu chí trường học hạnh phúc là đã nắm bắt được xu hướng mới của nền giáo dục thế giới và đi trước một bước thể hiện tầm nhìn của thành phố trọng điểm. Tôi hy vọng những tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc sẽ là kim chỉ nam, đường hướng giúp cho các cơ sở giáo dục biết cách vận hành nhà trường của mình để trở thành trường học hạnh phúc”, ông Hoà chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Hoà cũng mong muốn những tiêu chí này sẽ không phải là tiêu chí thi đua, xét bậc nhà trường, nếu như vậy không còn là hạnh phúc.
Chia sẻ kinh nghiệm về rào cản lớn nhất khi xây dựng một môi trường học tập hạnh phúc học sinh, ông Hoà cho biết: “Các thầy cô giáo nếu không thay đổi, nhà quản lý trường học không thay đổi, không có quan điểm mới, không có cách làm mới thì không có trường học hạnh phúc”.
Việc đầu tiên phải rà soát lại trong nhà trường có những quy chế, quy định nào làm cho học sinh “không” hạnh phúc thì phải thay đổi, cải tiến, “cởi trói” cho học sinh.
Cùng với đó, đào tạo, tập huấn lại cho thầy cô tạo ra một cuộc vận động để các nhà giáo thay đổi. Đặc biệt, trang bị cho thầy cô những kiến thức về tâm lý học, nâng cao nhận thức về tâm lý, ứng xử văn hoá vì học trò và hiểu học trò. Song hành là việc cán bộ quản lý, các tổ chuyên môn cũng cần có những kiến thức, kỹ năng khi xây dựng trường học hạnh phúc.
“Ở đây, để người thầy thay đổi thì cần một quá trình, quan trọng phải đi từ cái tâm vì học trò, thầy cô hạnh phúc thì học sinh sẽ hạnh phúc”, TS. Nguyễn Văn Hoà đưa ra quan điểm.
Cuối cùng xây dựng sự đồng lòng giữa thầy cô, nhà trường và cha mẹ học sinh, phụ huynh nếu không hiểu sẽ trở thành rào cản, vì vậy cần tạo ra một thể thống nhất để thành công.
Lấy cảm hứng từ mô hình “Happy School” của UNESCO, mô hình "Trường học hạnh phúc" được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm 2019 và nhanh chóng được nhân rộng.
Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, trường học hạnh phúc có 21 tiêu chí; trong đó có 3 tiêu chí quan trọng: Yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Cụ thể, trường học phải là môi trường của tình yêu thương, thông cảm, chia sẻ; an toàn về thể chất và tinh thần; tôn trọng sự khác biệt bởi chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới.