Bệnh cúm ảnh hưởng đến phổi như thế nào?
Cúm gây ra nhiều rủi ro sức khỏe, đặc biệt ở những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
Bệnh cúm thường diễn ra và các tháng mùa thu và đông. Ảnh: Unsplash.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cúm là nguyên nhân gây ra tới 41 triệu trường hợp nhiễm bệnh trong thập kỷ từ 2010 đến 2020.
Health Digest đã có cuộc trò chuyện với Mandy DeVries, Giám đốc Giáo dục tại Hiệp hội Chăm sóc hô hấp Mỹ (AARC), để hiểu rõ hơn về cách cơ thể phản ứng với cúm và những rủi ro sức khỏe gây ra bởi virus này.
Cách cơ thể phản ứng với virus cúm
Để hiểu rõ hơn về cách thức nhiễm trùng gây ra tổn thương, chúng ta cần hiểu được cách hoạt động bình thường của phổi.
Khi bạn thở, không khí qua mũi hoặc miệng và đi tiếp qua dây thanh quản vào khí quản. Từ đó, không khí được chuyển qua các ống nhỏ khác nhau trong đường hô hấp.
Sau đó, nó phân nhánh thành các ống nhỏ hơn nữa được gọi là tiểu phế quản, kết thúc ở phế nang ở cấp độ nhỏ nhất. Những túi nhỏ này là nơi oxy từ không khí đi vào máu và khí CO2 từ máu được oxy hóa sẽ thoát ra khỏi cơ thể qua quá trình thở.
Các biến chứng nghiêm trọng của virus cúm như viêm phế quản và viêm phổi có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn. Ảnh: Unsplash.
Virus gây bệnh cúm xâm nhập vào cơ thể thông qua niêm mạc đường hô hấp liên kết với thành tế bào. Điều này gây ra tình trạng viêm, tạo ra lượng lớn các cytokine (những hormone gây viêm được sản xuất bởi tế bào miễn dịch).
Quá trình này thúc đẩy tiết chất nhầy dư thừa vào đường thở và có thể dẫn đến ho, khó thở, thở khò khè, đau ngực, sốt… Ngoài ra, cúm cũng có thể gây ra những rủi ro khác.
Giám đốc Mandy DeVrie cho biết: “Mọi người có nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng như viêm phế quản và viêm phổi khi bị nhiễm virus cúm. Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng cách, khả năng nhiễm trùng của bệnh nhân có thể giảm đi”.
Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của một cá nhân, chủng loại virus và những yếu tố khác, khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực lâu dài do cúm có thể khác nhau ở mỗi người. Mandy DeVries, cho biết: “Nói chung, người khỏe mạnh nhiễm virus cúm không dẫn đến các biến chứng như viêm phổi hoặc viêm phế quản, bất kỳ tác động nào đến phổi có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, những người mắc bệnh liên quan đến phổi hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu dễ bị ảnh hưởng hô hấp lâu dài hơn do cúm”.
Kết quả này có thể bao gồm tắc nghẽn phế quản do chất nhầy dư thừa, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và mức độ miễn dịch thấp hơn. Ngoài ra, những người mắc bệnh tim có thể bị tăng huyết áp phổi trầm trọng hơn từ phản ứng viêm do virus gây ra.
Điều trị đúng cách sẽ giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn. Ảnh: Shutterstock.
Làm thế nào để hỗ trợ cơ thể phục hồi nhanh chóng
Nhiều người tự hỏi liệu cơ thể có thể tự chữa khỏi cảm cúm không và câu trả lời là có. Điều này là do hệ thống miễn dịch của chính cơ thể có khả năng tự chống lại các bệnh do virus như cúm mà không cần điều trị y tế.
Mandy DeVries cho biết: “Bằng cách thực hiện một số công cụ và phương pháp cụ thể, chúng ta có thể hỗ trợ cơ thể phục hồi nhanh chóng và suôn sẻ. Đầu tiên, các tác động tổng thể phụ thuộc và một số điều, chẳng hạn liệu một người đã được tiêm vaccine chống lại chủng theo mùa hay người đó có hệ thống miễn dịch yếu hoặc tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Nhưng điều quan trọng là phải nghỉ ngơi nhiều để cơ thể bạn có thời gian tập trung nguồn lực vào việc phục hồi sau ốm”.
Bên cạnh việc nghỉ ngơi, DeVries cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bù nước và dinh dưỡng – cụ thể là thực phẩm giàu khoáng chất, vitamin. Giám đốc DeVries lưu ý một số trường hợp có thể cần phải có sự hỗ trợ của bác sĩ.
“Sau khi thực hiện các bước phục hồi này, bạn vẫn có các triệu chứng mệt mỏi giống như cảm cúm hoặc tức ngực kéo dài,việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế sẽ giúp việc quá trình phục hồi của bạn nhanh và tốt hơn”, bà nói.
Nếu triệu chứng cúm kéo dài, hãy nhờ đến sự chăm sóc y tế. Ảnh: Shutterstock.
Chăm sóc y tế khẩn cấp đối với những ảnh hưởng lâu dài do cúm
Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh cúm là sốt, đau họng, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, mệt mỏi và ho. Nếu không được điều trị đúng cách bằng cách nghỉ ngơi, uống nhiều nước và dùng thuốc cần thiết, nó có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn như viêm phế quản hoặc viêm phổi.
Các biến chứng khác bao gồm các cơn hen suyễn cấp tính được kích hoạt do tiếp xúc với hệ thống hô hấp vốn đã suy yếu hoặc tiếp xúc với các chất kích thích như khói hoặc chất gây dị ứng trong khi đối phó với tình trạng có sẵn như COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) có thể khiến bạn cần các đợt chăm sóc y tế.
Giám đốc Mandy DeVries khuyên: “Hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế bất cứ khi nào các triệu chứng cúm của bạn không thuyên giảm trong thời gian hợp lý (1-2 tuần). Các bác sĩ có thể giúp bệnh nhân kiểm soát các triệu chứng của họ bằng cách đưa ra các đánh giá về tình trạng cơ bản cũng như thực hiện các phương pháp điều trị bệnh cúm, chẳng hạn vật lý trị liệu lồng ngực để tăng khả năng thanh thải của phổi hoặc liệu pháp oxy trong những trường hợp nghiêm trọng hơn”.
Tìm kiếm sự chăm sóc y tế là chìa khóa để giúp bảo vệ và chống lại các biến chứng lâu dài do bệnh cúm. Khi làm như vậy, một chuyên gia có thể giúp điều chỉnh kế hoạch điều trị chăm sóc sức khỏe phù hợp với bạn.