Giáo hoàng Leo XIV - Hy vọng tiếp nối và đổi mới
Giáo hoàng thứ 267, có tên khai sinh là Robert Francis Prevost và đã chọn tông hiệu là Leo XIV, tuy không phải là một tu sĩ Dòng Tên đến từ Mỹ Latinh như người tiền nhiệm Giáo hoàng Francis, nhưng việc ông được bầu chọn cũng mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo hội Công giáo có Giáo hoàng người Mỹ - một khả năng từng được xem là khó xảy ra trước khi làn khói trắng bay lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine. Trong nhiều thập kỷ, Vatican luôn tỏ ra dè dặt với ý tưởng một giáo hoàng đến từ Mỹ, quốc gia vốn được xem là siêu cường chính trị và có ảnh hưởng mạnh mẽ về văn hóa cũng như thế tục. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi sau một mật nghị bất ngờ chọn một Hồng y chỉ mới đảm nhiệm chức vụ trong hơn 2 năm làm Giáo hoàng tiếp theo.
![]() |
Người dân tập trung tại Quảng trường Thánh Peter để mừng Giáo hoàng mới. |
Tông hiệu Leo mà vị tân Giáo hoàng lựa chọn từ lâu đã gắn liền với biểu tượng sức mạnh trong thời kỳ khủng hoảng. Triều đại của Giáo hoàng Leo XIV được xem như sự tiếp nối di sản của Giáo hoàng Francis, với trọng tâm đặt vào lòng thương xót, sự hòa nhập và quan tâm đến các vấn đề xã hội. Dù vậy, Giáo hoàng Leo XIV cũng mang đến một phong cách lãnh đạo mới cùng những quan điểm cải cách riêng biệt.
Dựa vào những phát biểu từ trước đến nay của Giáo hoàng Leo XIV, có thể nhận thấy một số ưu tiên trong triều đại của ông. Thứ nhất là thúc đẩy hòa bình và hòa giải, khi tân Giáo hoàng nhiều lần kêu gọi chấm dứt các cuộc xung đột toàn cầu, đồng thời thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo và các quốc gia.
Ưu tiên thứ hai của Giáo hoàng Leo XIV là bảo vệ người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Ông nhấn mạnh vai trò của Giáo hội trong việc đồng hành và phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất, đồng thời kêu gọi hành động cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề như bất bình đẳng kinh tế và biến đổi khí hậu.
Thứ ba là cải cách Giáo hội. Giáo hoàng Leo XIV cam kết tiếp tục những nỗ lực cải cách Giáo hội Công giáo, trong đó có việc cải cách Giáo triều Roma và thúc đẩy sự tham gia của giáo dân.
Thứ tư là đối thoại liên tôn. Giáo hoàng Leo XIV coi trọng việc thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa các tôn giáo khác nhau.
Giáo hoàng Leo XIV được kính trọng vì sự tận tâm đối với người nghèo và những nhóm yếu thế trong xã hội, cũng như vì những nỗ lực trong việc thúc đẩy hòa bình và hòa giải. Tại Quảng trường Thánh Peter, đông đảo tín hữu đã bày tỏ niềm vui và gửi lời chúc mừng tới vị tân Giáo hoàng trong một bầu không khí lễ hội đầy hân hoan.
Nhóm 4 bạn trẻ người Italy gồm Andrea, Matteo, Sofia và Giorgia không giấu được sự hào hứng trước sự kiện lịch sử tại Quảng trường Thánh Peter. Họ chia sẻ: “Trong khoảnh khắc lịch sử này, chúng tôi trào dâng một cảm xúc mạnh mẽ và đẹp đẽ, giống như đang ở trong một bộ phim. Bầu không khí thật tuyệt vời, đây thực sự là niềm vui chung. Chúng tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến một triều đại Giáo hoàng đổi mới”.
Nhóm 3 bạn Giulia, Ludovica và Elena cũng chia sẻ sự vui mừng khi có mặt tại Quảng trường Thánh Peter để kịp thời để chứng kiến toàn bộ bầu không khí lễ hội này. Các bạn nói: “Chúng tôi rất bất ngờ khi tân Giáo hoàng là người Mỹ. Thật khó để đến được đây sau khi khói trắng bốc lên, nhưng chúng tôi đã làm được, khi biết Giáo Hoàng mới sẽ đọc bài phát biểu. Chúng tôi hài lòng với kết quả và mong đợi một tương lai tươi sáng”.
Hòa chung vào niềm vui lan tỏa khắp quảng trường, một nhóm khách đến từ Gambia cũng bày tỏ cảm xúc đặc biệt: “Giáo hoàng Leo XIV được bầu trong một thời gian rất ngắn, chỉ sau 2 ngày mật nghị. Niềm vui của chúng tôi như nhân lên gấp bội khi Giáo hoàng mới bước ra ban công và phát biểu về hòa bình, công lý và Đức Mẹ Maria. Điều đó có nghĩa là Giáo hoàng Leo XIV đang đi đúng hướng và quay trở lại truyền thống. Chúng tôi thực sự rất ấm lòng”.
Bà Raquel Palladino, một tín hữu khác có mặt tại Quảng trường, chia sẻ những suy tư cá nhân về vị tân Giáo hoàng: “Giáo hoàng rất đặc biệt, có nhiều năm truyền giáo ở Peru, nhưng lại là người Mỹ trong bối cảnh thế giới này khiến chúng ta phải suy nghĩ”.
Giáo hoàng Leo XIV sinh ngày 14-9-1955 tại thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ. Ông gia nhập Dòng Thánh Augustino năm 1977 và được thụ phong linh mục năm 1982. Về học vấn, tân Giáo hoàng có bằng Cử nhân Toán học của Đại học Villanova, bằng Thạc sĩ Thần học của Liên minh Thần học Công giáo ở Chicago và bằng Tiến sĩ Giáo luật của Đại học Giáo hoàng Thánh Toma Aquino tại Rome.
Trước khi được bầu, Giáo hoàng đã dành phần lớn sự nghiệp của mình phục vụ tại Peru, nơi từng đảm nhận nhiều vai trò như linh mục xứ, quan chức giáo phận và giáo sư chủng viện. Giáo hoàng Leo XIV cũng từng là Bề trên Tổng quyền của Dòng Thánh Augustino từ năm 2001-2013. Năm 2023, cố Giáo hoàng Francis đã tấn phong ông làm Hồng y và bổ nhiệm ông làm Tổng trưởng Bộ Giám mục và Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về châu Mỹ Latinh.
Với kinh nghiệm làm việc ở châu Mỹ Latinh, Giáo hoàng Leo XIV được kỳ vọng sẽ quan tâm sâu sắc đến các vấn đề toàn cầu như bất bình đẳng kinh tế, biến đổi khí hậu và các thách thức mà các quốc gia đang phát triển phải đối mặt. Lòng trắc ẩn và sự khiêm nhường là những phẩm chất nổi bật, có thể giúp Giáo hoàng Leo XIV xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các tín hữu và các nhà lãnh đạo trên thế giới.
Triều đại của Giáo hoàng Leo XIV hẳn sẽ đối mặt với nhiều thách thức, từ việc giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới, cải cách Giáo hội cho đến việc duy trì sự thống nhất giữa các tín hữu. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội để vị tân Giáo hoàng tạo ra những chuyển biến tích cực và dẫn dắt Giáo hội Công giáo trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Nhiều người tin rằng, với sự khôn ngoan và lòng can đảm, Giáo hoàng Leo XIV sẽ tiếp tục lèo lái con thuyền Giáo hội, truyền cảm hứng cho hàng triệu tín hữu và góp phần xây dựng một tương lai nhân văn, công bằng hơn cho toàn nhân loại.
TTXVN