Bác sĩ chuyên ung bướu chỉ rõ 6 triệu chứng tim mạch cảnh báo bạn bị suy giáp
Nếu không nhận biết sớm và điều trị, suy giáp có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng.
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất không đủ một số hormone. Nồng độ hormone tuyến giáp thấp có thể gây ra một loạt các dấu hiệu và triệu chứng.
Chúng ta đều biết, tuyến giáp là một tuyến nội tiết hình bướm, nằm ở vùng cổ trước. Nhiệm vụ của tuyến giáp là sản xuất các hormone tuyến giáp, được tiết vào máu và sau đó được vận chuyển đến các mô trong cơ thể. Hormone tuyến giáp giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm và giúp cho não, tim, cơ và các cơ quan khác hoạt động bình thường.
Khi nồng độ hormone tuyến giáp quá thấp, các tế bào của cơ thể không thể nhận đủ hormone tuyến giáp và các quá trình chuyển hóa của cơ thể trở nên chậm lại.
Khi cơ thể hoạt động chậm, bạn có thể nhận thấy mình lạnh hơn, dễ mệt mỏi, da khô, giảm trí nhớ, trầm cảm và bắt đầu bị táo bón.
Bởi các triệu chứng thường thay đổi và không đặc hiệu, cách duy nhất để biết chắc chắn liệu bạn có bị suy giáp hay không là xét nghiệm máu định lượng TSH.
6 triệu chứng tim mạch cảnh báo bạn bị suy giáp
ThS.BS Nguyễn Văn Thái (chuyên khoa ung bướu và phẫu thuật thẩm mỹ, làm việc tại Hà Nội) chia sẻ 6 triệu chứng tim mạch cảnh báo bạn bị suy giáp bao gồm:
1. Khó thở khi gắng sức
2. Nhịp tim chậm, nhỏ hơn 60 lần/phút
3. Đau thắt ngực
Hiện nay vẫn còn tranh cãi về suy giáp gây ra bệnh mạch vành với biểu hiện điển hình là đau vùng trước tim hay đau thắt ngực. Trong thực tế, bệnh mạch vành rất thường gặp ở bệnh nhân suy giáp.
Chuyên gia nhận định, điều này rất có thể liên quan đến tăng cholesterol toàn phần, LDL (cholesterol xấu) và những yếu tố sinh xơ vữa khác như homocystein, lipoprotein A.
4. Huyết áp tâm thu thấp, có thể tăng huyết áp tâm trương
5. Thâm nhiễm ứ dịch có thể gây tràn dịch màng tim (có thể cả màng phổi, màng bụng, khớp) nên diện đục tim to, mỏm tim đập yếu, nghe tiếng tim mờ (qua khám tim, xem phim X-quang, cắt lớp vi tính)
6. Tâm thất giảm co thắt và gia tăng kháng lực ngoại biên
Điều này dẫn đến giảm cung lượng tim. Tuy nhiên hiếm thấy suy tim sung huyết và phù phổi.
Khi nào bạn cần đi kiểm tra suy giáp sớm hơn?
BS Thái cho biết, bạn cần đi kiểm tra sớm hơn nếu có một trong những ý dưới đây:
- Các triệu chứng suy giáp xuất hiện trở lại hoặc nặng hơn.
- Bạn tăng hoặc giảm cân nhiều.
- Bạn bắt đầu sử dụng, thay đổi liều lượng hoặc ngừng dùng một loại thuốc làm giảm hấp thu thyroxine (chẳng hạn như một số loại thuốc kháng axit, thuốc bổ sung canxi và viên sắt); Thuốc có chứa estrogen (thuốc tránh thai) cũng ảnh hưởng đến liều lượng thyroxine.
- Bạn bắt đầu sử dụng hoặc ngừng dùng một số loại thuốc để kiểm soát cơn co giật (động kinh) như phenytoin hoặc tegretol, vì những loại thuốc này làm tăng tốc độ chuyển hóa thyroxine và liều lượng thyroxine của bạn có thể cần được điều chỉnh.
- Bạn uống thuốc không thường xuyên.
"Nếu nghi ngờ mình bị suy giáp, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa ung bướu để được tư vấn và chữa bệnh kịp thời. Ngoài ra, để phòng ngừa suy giáp, bạn cũng nên đi khám sức khỏe định kỳ để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như có thể phòng ngừa được nhiều bệnh lý nguy hiểm khác ở tuyến giáp cũng như những cơ quan khác", BS Thái thông tin.