"Không cào bằng" trong thực hiện tinh giảm biên chế giáo viên
Để thực hiện đổi mới giáo dục thành công cần đảm bảo có đủ cơ sở vật chất, giáo viên mới có thể nâng cao chất lượng đào tạo.
Mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã làm việc tại tỉnh An Giang về tình hình thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Xem xét lại việc tinh giảm biên chế
Báo cáo của Tỉnh uỷ An Giang đánh giá qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 , công tác đổi mới giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến căn bản, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.
Nhằm tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh An Giang đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Cùng với đó, đề xuất Chính phủ hỗ trợ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện chương trình đảm bảo vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông; Chính phủ quan tâm hơn nữa việc tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để khuyến khích công tác xã hội hoá giáo dục; Quan tâm chưa đưa giáo viên vào diện tinh giản biên chế chung cho đến hết năm 2025 - khi ngành giáo dục hoàn thành thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Về kiến nghị liên quan đến tinh giản biên chế giáo viên, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chia sẻ quan điểm không nên giảm biên chế cào bằng 10% với những ngành đặc thù như giáo dục. Ông Bình cũng cho rằng, muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì sĩ số học sinh/lớp phải giảm nhưng nếu giảm biên chế giáo viên sẽ dẫn tới tăng sĩ số học sinh/lớp, như vậy sẽ đặt ra khó khăn cho việc từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
"Không cào bằng" chính sách
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định An Giang là tỉnh có vị trí quan trọng trong khối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với số lượng cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổthông, số người đi học thuộc nhóm đầu trong vùng. Mặc dù là địa bàn có nhiều khó khăn, thử thách, song An Giang đã có nhiều cố gắng, thể hiện sự quyết tâm đầu tư cho giáo dục, kết quả giáo dục cũng luôn trong vị trí dẫn đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Với báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của tỉnh An Giang, Bộ trưởng đề nghị cần bổ sung, phân tích làm rõ góc độ tài chính, đầu tư cho giáo dục; nhấn mạnh thêm nội dung về giáo dục dân tộc; giáo dục mầm non, đặc biệt là tỉ lệ huy động trẻ, nhà trẻ đến trường; bổ sung phù hợp các kết quả về chuyên môn giáo dục vì đây là hồn cốt đổi mới.
“Trong thời gian sắp tới, mong lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo hệ thống chính trị đã quan tâm, sẽ tiếp tục quan tâm tới giáo dục. Phát triển con người là quá trình liên tục và 10 năm qua là một chặng trong quá trình liên tục đó”, Bộ trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành giáo dục đề nghị tỉnh An Giang tập trung thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, tâm điểm là đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; quan tâm tới an toàn trường học… Đồng thời tăng cường các kiến nghị, trong đó có việc tinh giản biên chế 10% với ngành giáo dục và kiến nghị “không cào bằng” chính sách giữa các địa phương, vùng miền, đối tượng.
“Trong công cuộc đổi mới giáo dục, Bộ GD&ĐT là đơn vị đề xuất chính sách ở tầm vĩ mô, còn tác giả của đổi mới, làm nên thành công của đổi mới phụ thuộc vào cấp triển khai, đó là cấp tỉnh, thành phố. Mong rằng giáo dục An Giang tiếp tục vượt qua khó khăn, tiếp tục gặt hái thành quả tốt hơn nữa trong thời gian tới”, Bộ trưởng gửi gắm.
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GDĐT đã đến khảo sát thực tế tại Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu và Trường THCS Định Thành, huyện Thoại Sơn.
Khảo sát tại 2 trường, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã trao đổi làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan đến quá trình triển khai Nghị quyết 29 như nhận thức, tâm thế sẵn sàng của đội ngũ giáo viên khi triển khai đổi mới; việc tập huấn, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá…
Đối với đội ngũ nhà giáo, Bộ trưởng lưu ý địa phương về vấn đề tuyển dụng, tập huấn, bồi dưỡng… đặc biệt là việc hỗ trợ chuyên môn cho các thầy cô, qua đó phát huy được sự chủ động, sáng tạo theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Giáo viên trong quá trình thay đổi cần được động viên, hỗ trợ để vượt qua giai đoạn thử thách này và quan trọng là giáo viên hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau đổi mới”, Bộ trưởng chia sẻ.
Theo Bộ trưởng, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là cơ hội nhưng cũng là thách thức, do đó, các nhà trường khi thực hiện tốt từng năm học, làm tốt từng việc, ngày hôm sau tốt hơn hôm trước, năm học sau tốt hơn năm học trước chính là đã thực hiện tốt Nghị quyết 29, thực hiện tốt những vấn đề lớn của ngành, của quốc gia.