Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ về cuộc điều tra đối với ống thép
Mỹ đã chính thức bắt đầu điều tra chống lẩn tránh thuế đối với ống thép Việt Nam. Việt Nam khẳng định sẵn sàng và mong muốn Mỹ trao đổi về vấn đề này.
Ống thép của Việt Nam |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 11/8, để trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này.
Bà Hằng cho biết, thời gian qua, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ đạt được tiến triển trên mọi lĩnh vực, trong đó có quan hệ về kinh tế, thương mại và đầu tư. Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ ở Đông Nam Á và Mỹ cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, với tổng kim ngạch thương mại đạt hơn 110 tỷ USD trong năm 2021.
Bà Hằng khẳng định, Việt Nam hoan nghênh chủ trương thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Mỹ trên cơ sở tự do, công bằng, cùng có lợi, phù hợp với các thỏa thuận song phương và quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Việt Nam sẵn sàng và thường xuyên trao đổi với Mỹ thông qua các cơ chế hiện có như Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh và tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư song phương vì lợi ích của doanh nghiệp và người dân hai nước.
“Với tinh thần đó, chúng tôi sẵn sàng và mong muốn Mỹ trao đổi với chúng tôi về vấn đề này”, bà Hằng nói.
Trước đó, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Thương mại Mỹ thông báo mở cuộc điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép, chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30, nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong vụ việc này, nguyên đơn gồm các doanh nghiệp sản xuất ống thép lớn tại Mỹ cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng - nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép - từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ, sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất khẩu sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại mà Mỹ đang áp dụng với các nước trên.
Theo quy định pháp luật của Mỹ, các bên có liên quan có thời hạn 30 ngày kể từ ngày khởi xướng để nộp bản phản hồi tới cơ quan điều tra Mỹ. Trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng, Bộ Thương mại Mỹ phải đưa ra kết luận cuối cùng của vụ việc.