Thiếu đá hộc, thi công cảng Liên Chiểu Đà Nẵng gặp khó
BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng cho biết, tuy gặp một số khó khăn khách quan nhưng các đơn vị thi công dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung đang nỗ lực bảo đảm đúng tiến độ đề ra.
Thiếu nguồn vật liệu đá hộc gây ảnh hưởng tiến độ thi công
Theo BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng, chủ đầu tư kiêm quản lý, điều hành dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu – phần cơ sở hạ tầng dùng chung, giá trị hợp đồng thi công xây lắp dự án có tổng mức 2.945 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư 3.426,30 tỷ đồng của toàn dự án (vốn ngân sách trung ương 2.994,59 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách TP Đà Nẵng).
Ông Lê Thành Hưng báo cáo tình hình triển khai dự án Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ngày 11/11/2023.
Gói thầu được khởi công ngày 14/12/2022 với thời gian thực hiện hợp đồng 1.380 ngày. Tính đến ngày 30/10/2023, giá trị khối lượng thực hiện đạt khoảng 416 tỷ đồng, tương ứng 15,8% giá trị khối lượng hợp đồng; giá trị khối lượng nghiệm thu hơn 409 tỷ đồng.
Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng cho biết, khó khăn vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với việc thi công dự án là nguồn vật liệu đá hộc trên địa bàn TP khan hiếm do các mỏ chưa được nâng công suất khai thác, đặc biệt là thiếu nguồn đá 1÷3 tấn.
“Điều này ảnh hưởng đến tiến độ thi công hoàn thiện và bảo vệ nền đường giao thông, nhất là trong mùa mưa bão. Tuy nhiên các nhà thầu thi công gói thầu xây lắp phần cơ sở hạ tầng dùng chung đang nỗ lực vượt khó để bảo đảm tiến độ theo yêu cầu”, ông Lê Thành Hưng cho biết.
Ông Trần Văn Chung - Giám đốc Ban điều hành công trình Cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) cho biết thêm, trong 4 hạng mục đang được tập trung thi công thì đê kè chắn sóng là hạng mục phức tạp và khó khăn nhất, đặc biệt là vào mùa mưa bão.
“Vì vậy, tranh thủ những thời điểm ít mưa, chúng tôi tập trung huy động, bố trí đầy đủ máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư cùng nhân lực tăng tốc thi công hạng mục này, đặc biệt là tổ chức thi công 3 ca/ngày, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật để bảo đảm tiến độ dự án”, ông Trần Văn Chung cho biết.
Cụ thể, đến ngày 30/10, hạng mục đê kè chắn sóng đã thi công đạt 15,2% giá trị. Theo đó, đã hoàn thành trải lưới địa kỹ thuật cường độ 1.000/200KN/m; hoàn thành 300m/1.170m đê, kè chắn sóng; sản xuất 2.585/9.624 khối phủ Rakuna IV; lắp đặt 307/9.624 khối phủ Rakuna IV.
Hạng mục nạo vét luồng tàu và khu nước đã thi công đạt 4% giá trị, nạo vét hố móng đê kè chắn sóng phun lên bãi chứa đạt 210.392 m3/245.000m3. Hạng mục đường giao thông và hệ thống thoát nước đã thi công đạt 54% giá trị. Các hạng mục phụ trợ đã hoàn thành đê bao chứa vật chất nạo vét, đường tạm D1 và D2.
Toàn cảnh dự án Cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung đang được khẩn trương thi công.
Mục tiêu năm 2024 hoàn thành hơn 80% hạng mục đê, kè chắn sóng
Theo quy hoạch, dự án Bến cảng Liên Chiểu có diện tích 450ha. Gồm khu bến container (8 bến/2.750m tiếp nhận tàu 30.000 - 200.000 DWT (khoảng 18.000 Teu); khu bến tổng hợp (6 bến/1.550m, tiếp nhận tàu 30.000 - 100.000 DWT); 1.200m bến thủy nội địa, 6 bến hàng lỏng, khí. Công suất khai thác Cảng Liên Chiểu đạt 50 triệu tấn/năm vào năm 2050.
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 435/QĐ-TTg (25/3/2021), dự án Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung gồm xây dựng đê kè chắn sóng tổng chiều dài 1.170m; luồng tàu khoảng 7,3km, chiều rộng luồng tàu 160m, cao độ đáy nạo vét -14,0m (hệ Hải đồ), bố trí khu quay trở, hệ thống báo hiệu hàng hải; đường giao thông kết nối đến cổng cảng quy mô 6 làn xe, rộng 30m; hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ…
Để hoàn thành gói thầu thi công xây dựng công trình thuộc phần cơ sở hạ tầng dùng chung vào ngày 28/11/2025 theo hợp đồng, Ban điều hành công trình Cảng Liên Chiểu đã đề mục tiêu tiến độ cho các nhà thầu trong các tháng còn lại của năm 2023 và trong năm 2024.
Cụ thể, đến hết năm 2023, hạng mục đường giao thông và hệ thống thoát nước đạt 72% giá trị; hạng mục nạo vét hố móng đê, kè chắn song, luồng tàu đạt 15% giá trị. Đặc biệt, hạng mục đê, kè chắn sóng thi công hoàn thành 300m lõi đê từ km0-100 đến km0+200m, thi công hoàn thành 455m thay nền hố móng đê; đạt khoảng 30% giá trị.
Về kế hoạch thi công năm 2024, ông Trần Văn Chung cho biết, hạng mục đường giao thông và hệ thống thoát nước, cấp nước sẽ tập trung thi công hoàn thành đến lớp móng đường đối với tuyến chính A1-B và các tuyến nhánh. Thi công hoàn thành hệ thống thoát nước dọc, hệ thống cấp nước; đạt khoảng 90,2% giá trị hạng mục.
Đặc biệt, đối với hạng mục quan trọng nhất là đê, kè chắn sóng thi công hoàn thành 1.080m lõi đê đến lý trình Km0+980m; đạt khoảng 82% giá trị. Hạng mục nạo vét cơ bản thi công hoàn thành nạo vét hố móng đê và hoàn thành nạo vét luồng tàu, vũng quay tàu.