Tuân thủ nhận thức “lưng tựa Ba Vì, mặt hướng sông Hồng”
PGS. TS Lưu Ngọc Hà phân tích, Hà Nội có nhiều điều kiện để phát triển, trong đó có nguồn lực về vị trí tự nhiên, văn hóa, con người. TP cần tuân thủ nhận thức “Lưng tựa Ba Vì, mặt hướng sông Hồng”. Trong xu thế chung của thế giới khi biển ngày càng có ý nghĩa quan trọng, thế tựa núi, hướng biển của Thủ đô sẽ nâng thế và lực của quốc gia lên tầm cao mới.
Sáng 21/11, tại Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, PGS. TS Lưu Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã làm rõ tầm nhìn và khát vọng trong quy hoạch Thủ đô.
Quan điểm mới đi trước cả nước
PGS. TS Lưu Ngọc Hà tham luận tại hội thảo |
PGS. TS Lưu Ngọc Hà chia sẻ, Hà Nội đã là TP duy nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình. Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 15/12/2000, của Bộ Chính trị, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thu đô Hà Nội trong thời kỳ 2001 - 2010 xác định Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
Trong 10 năm tới, phải phát triển kinh tế - khoa học công nghệ - văn hoá - xã hội toàn diện, bền vững; bảo đảm xây dựng về cơ bản nền tảng vật chất - kỹ thuật và xã hội của Thủ đô xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc ngàn năm văn hiến, năng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; phấn đấu trở thành một trung tâm ngày càng có uy tín ở khu vực, xứng đáng với danh hiệu "Thủ đô Anh hùng”.
Với vị thế đó, Nghị quyết đặt ra cho Hà Nội những yêu cầu mới, có tính vượt trội; cũng là những quan điểm mới, đi trước so với cả nước, như: “Nông nghiệp đô thị, sinh thái”, “công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn”, “xây dựng Nông thôn mới theo hướng văn hoá, sinh thái”, “nguồn nhân lực có chất lượng cao”, “phát triển công nghệ cao”, “xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại, tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và phong cách lao động sáng tạo của con người Việt Nam”, “chủ động hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế”.
PGS. TS Lưu Ngọc Hà phân tích, Hà Nội có nhiều điều kiện để phát triển, trong đó có nguồn lực về vị trí tự nhiên, văn hóa, con người. Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm: Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; kết hợp hài hoà phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hoá với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa. Trong đó, văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Đại biểu tham dự hội thảo |
Nhất quán về trục phát triển sông Hồng
Hiện, Hà Nội đang triển khai đồng thời lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2013 để trình Quốc hội vào năm 2024. Đây là thời cơ nhưng cũng là thách thức đối với công tác quy hoạch cho phát triển Thủ đô.
Trên cơ sở đó, PGS. TS Lưu Ngọc Hà lưu ý Hà Nội cần tuân thủ nhận thức “Lưng tựa Ba Vì, mặt hướng sông Hồng”. Trong xu thế chung của thế giới khi biển ngày càng có ý nghĩa quan trọng, thế tựa núi, hướng biển của Thủ đô sẽ nâng thế và lực của quốc gia lên tầm cao mới.
Về trục phát triển, quy hoạch Hà Nội sẽ có nhiều trục phát triển nhưng cần nhấn mạnh hơn với một tinh thần nhất quán về trục phát triển sông Hồng: Tâm linh, môi trường, giao thông, cây xanh, mật độ xây dựng và kiến trúc, văn hóa...
Theo PGS. TS Lưu Ngọc Hà, trong số các trục phát triển của Hà Nội thì trục sông Hồng có tính kết nối cao, rộng nhất, trên nhiều phương diện. Từ trục phát triển sông Hồng, quy hoạch chi tiết của các quận, huyện sẽ lưu ý thêm tới những chi lưu của sông Hồng (sông Cà Lồ, sông Ngũ Huyện Khê, sông Đuống ở tả ngạn; sông Đáy (sông Hát), sông Nhuệ, sông Tô Lịch ở hữu ngạn).
Về tương quan giữa các TP phát triển, PGS. TS Lưu Ngọc Hà cho rằng, cần quan tâm hàng đầu đến yếu tố văn hóa. Theo đó, quy hoạch Hà Nội theo hướng là TP di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến. Hà Nội là thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hóa phát triển, thành phố thông minh; là điểm đến của du lịch văn hóa, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao.
Hà Nội là thành phố của các sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế thường niên; TP hiện đại nhưng thanh bình với con người hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam...