Thanh Hóa: Liên tục phát hiện di tích bị xâm hại
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tiếp phát hiện nhiều di tích lịch sử - văn hóa bị xâm hại và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Liên tiếp nhiều di tích bị xâm hại
Trước đó không lâu, ngày 8/11/2022, dư luận Thanh Hóa xôn xao, bức xúc khi thông tin chùa Quan Thánh (P.An Hưng, Tp.Thanh Hóa), thuộc cụm Di tích lịch sử quốc gia về nghệ thuật điêu khắc đá núi Nhồi, bị xâm hại nghiêm trọng.
Theo ghi nhận từ cơ quan chức năng, có hơn 10 tấm bia đá khắc thơ, văn, hình tượng người và con vật ở chùa Quan Thánh đã bị tô lên nhiều màu sơn khác nhau. Nền các văn bia khắc trên vách núi bị sơn màu vàng, chữ tô màu đỏ, không còn nguyên trạng ban đầu. Đáng chú ý, trên một tấm bia còn bị khoan, đục lỗ để mấu vít thanh sắt vào tảng đá làm hư hỏng 2 chữ và nguyên bản của văn bia cổ. Hiện. Tp.Thanh Hóa đang tìm biện pháp để khôi phuc hiện trạng di tích này, tuy nhiên, để thực hiện địa phương dự kiến cũng sẽ tiêu tốn nhiều thời gian và công sức, trong khi hiệu quả khó đoán định.
Cũng trong tháng 3/2022, cơ quan chức năng đã phát hiện tại các di tích đền Nưa và đền thờ Lê Văn Hưu có dấu hiệu bị xâm hại, phá vỡ hiện trạng. Theo đó, di tích đền Nưa thuộc khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn) được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2009. Trong khi, đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu (tại thôn 3, xã Thiệu Trung, H.Thiệu Hóa) được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia từ năm 1990.
Theo ghi nhận, tại khu di tích đền Nưa đã xảy ra tình trạng người trông coi đền tự ý hạ giải nhà tiền đường bằng gỗ, thay thế bằng các công trình bằng bê tông. Ngoài ra, phía sau vườn là toàn bộ khung gỗ nhà tiền đường, mang đậm kiến trúc nghệ thuật quốc gia do thủ từ tự ý tháo dỡ, đắp bạt nằm chỏng chơ như đống gỗ mục.
Theo tìm hiểu, trước đây, di tích đền Am Tiên được ông nội ông Lê Bật Sơn trông coi và bảo vệ, sau đó đến bố ông Sơn. Khi người bố mất, ông Sơn đứng ra quản lý. Dù chính quyền địa phương đã nhiều lần làm việc với ông Sơn để chuyển di tích về cho Nhà nước quản lý nhưng ông không đồng ý.
Sự việc xảy ra tại đền Nưa đã diễn ra trong thời gian dài, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc lập biên bản, xử phạt, nhưng sau đó người dân vẫn lén lút xây dựng nhưng chính quyền địa phương cũng không có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn khắc phục.
Cũng trong thời gian trên, tại dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu giai đoạn 3 đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân khi chính quyền cho phá bỏ "giếng ngọc" để xây dựng giếng mới với diện tích nhỏ hơn.
Theo đó, giếng cũ ở đền Lê Văn Hưu có đường kính rộng hơn 10m, nhưng hiện nay đơn vị thi công làm theo thiết kế được duyệt, là phá bỏ giếng cũ để làm giếng mới đường kính chỉ rộng hơn 6m khiến nhiều người dân có ý kiến phản đối.
Nguyên nhân thu nhỏ giếng lại theo giải thích của đại diện chủ đầu tư dự án là để có diện tích làm đường lưu thông giữa chùa Hương Nghiêm với đền Lê Văn Hưu, và có diện tích để xây dựng nhà bia.
Sau khi ghi nhận tình trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu Sở VH-TT-DL, UBND huyện Thiệu Hóa kiểm tra, làm rõ và có biện pháp xử lý đảm bảo việc tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện theo đúng quy định, và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Tới nay, hạng mục thi công "giếng cổ" này đang tạm dừng để chờ Cục Di sản văn hoá, các đơn vị, tổ chức, nhà nghiên cứu khảo sát thực tế, thống nhất hướng xử lý.
Đáng chú ý, ngoài các di tích trên, nhiều công trình di tích tại tỉnh Thanh Hóa đã bị xâm hại trong quá trình trùng tu như: Nhà thờ dòng họ Lê Hữu (phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa); Chùa Bạch Tượng (xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn),... cả 2 di tích này sau đó đã bị hủy bỏ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Báo động công tác quản lý, bảo vệ di tích
Tại vụ xâm hại di tích chùa Quan Thánh, Chủ tịch UBND Tp.Thanh Hóa đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức “khiển trách” đối với 2 cán bộ UBND phường An Hưng và phê bình, rút kinh nghiệm sâu sắc 6 cán bộ khác vì để di tích Quốc gia chùa Quan Thánh bị xâm hại.
Theo báo cáo của phường An Hưng, "thủ phạm" gây ra sự việc trên chính là người trông coi chùa, bà Lê Thị T. (người địa phương). Bà T. giải trình rằng thời gian trông coi chùa Quan Thánh, thấy các tấm bia, linh vật bị mốc đen nên đã thuê thợ về sơn vẽ lại với số tiền 8 triệu đồng. Toàn bộ chi phí đều do bà T. tự bỏ ra.
Khi chia sẻ với báo giới, bà Lê Thị T. cho biết, tất cả những việc làm ở chùa Quan Thánh kể trên đều do bà tự ý làm, không xin phép hay báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Liên quan sự việc trên, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Đỗ Trọng Hưng đã có ý kiến chỉ đạo về việc kiểm tra, xử lý nghiêm việc xâm hại chùa Quan Thánh cũng như tăng cường công tác bảo vệ, bảo tồn di tích. Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Đầu Thanh Tùng đã giao Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra, làm rõ vụ xâm hại di tích chùa Quan Thánh. Việc chỉ đạo từ các cấp chính quyền là rất khẩn trương, rốt ráo.
Tuy nhiên, các văn bản chỉ đạo của tỉnh còn "chưa ráo mực", thì chỉ ít tháng sau vụ việc xâm hại tại động Hồ Công tiếp tục bị dư luận phát giác. Vẫn như các vụ việc xâm hại trước đó, sau khi chỉ đạo kiểm tra khắc phục, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng đối với bà Trịnh Thị Xứng (pháp danh Thích Đàm Hải) là trụ trì chùa Du Anh (xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc) do thực hiện hành vi vi phạm hành chính như bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh không đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, đối với hành vi vi phạm, các cá nhân, tổ chức gây ra sự việc trên đã phải chịu các hình thức xử phạt, kỷ luật. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù, hậu quả từ hoạt động xâm hại tại các di tích văn hóa lịch sử là rất khó khắc phục, có trường hợp không thể khắc phục nguyên trạng ban đầu.
Qua trao đổi với Người Đưa Tin, một lãnh đạo Sở VH-TT-DL Thanh Hóa cho biết, để xảy ra tình trạng xâm hại trên là do cả yếu khách quan và chủ quan, như số lượng các di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là rất nhiều với hơn 1.500 di tích, trong khi nhân lực hạn chế, cùng với đó là những yếu tố "lịch sử để lại" như trường hợp tại đền Nưa.
Tuy nhiên, Sở VH-TT-DL cũng đã có những phương án, hướng dẫn cụ thể phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, đẩy mạnh tuyên tuyền, tổ chức các hội nghị tập huấn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn cũng như địa phương trong công tác hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của tỉnh.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, sau khi liên tiếp phát hiện các vi phạm, xâm hại di tích ở giai đoạn đầu năm 2022, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn.
Trong đó, yêu cầu, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) khẩn trương thực hiện và hướng dẫn các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL; đồng thời trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, tham mưu về công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh, chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra các sai phạm thuộc trách nhiệm quản lý.
Giao Sở VH-TT-DL chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về Luật Di sản văn hoá, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản và Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 23-8-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tăng cường công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn để thực hiện nghiêm theo quy định… Hàng năm chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.
Văn bản cũng đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng, các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm các văn bản của Bộ, Cục và chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở VH-TT-DL, góp phần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, mặc dù tỉnh Thanh Hóa liên tiếp có các văn bản chỉ đạo sau các vụ xâm hại nhưng các văn bản này tỏ ra "vô hiệu", khi các vi phạm vẫn liên tục được phát hiện và không có dấu hiệu dừng lại. Từ thực tế đó cho thấy, công tác quản lý, bảo vệ và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mà ngành văn hóa với trách nhiệm chuyên môn chính đang có dấu hiệu "mất kiểm soát". Đồng thời, các vi phạm trên có nguy cơ sẽ tiếp diễn, lan rộng nếu không có những thay đổi, biện pháp xử lý hiệu quả trong thời gian tới.