Quảng Trị: Nhiều vấn đề “nóng” được báo chí quan tâm, phản ánh
Tại buổi họp báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, các vấn đề “nóng” mà báo chí quan tâm được lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị ghi nhận và đề nghị các Sở, ngành giải trình, đưa ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức họp báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 (Ảnh Đ.Minh) |
Một số lĩnh vực ghi nhận phát triển vượt bậc
UBND tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức họp báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Buổi họp báo do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Võ Văn Hưng và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Hà Sỹ Đồng, Lê Đức Tiến chủ trì.
Báo cáo tại buổi họp báo, ông Trương Chí Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2023, tỉnh Quảng Trị có 15/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, 3/18 chỉ tiêu tiệm cận với kế hoạch đề ra.
So với năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính tăng 6,68%; GRDP bình quân đầu người tăng 9,06%, ước tính đạt 71 triệu đồng; các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ ổn định; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,41%; huy động vốn trên địa bàn tăng 11,38%, ước đạt 35.000 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 3.800 tỷ đồng, đạt 94% dự toán địa phương và 96% dự toán Trung ương.
Một số lĩnh vực ghi nhận sự phát triển vượt bậc: Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 30,6 vạn tấn, cao nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên vượt ngưỡng 30 vạn tấn. So với năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 10%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 30.534,70 tỷ đồng, tăng 14,45%. Số lượt khách lưu trú ước tính đạt 801.130 lượt, tăng 65,04%.
Công tác xây dựng Nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, với 74/101 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (chiếm tỉ lệ 73,26%), trong đó có 12 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Xúc tiến thu hút đầu tư có nhiều tiến bộ, đến hết năm 2023, đã có 52 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn 3.439,1 tỷ đồng.
Trong đó, trong khu công nghiệp, khu kinh tế có 5 dự án với số vốn đăng ký là 1.409,16 tỷ đồng và có 2 dự án FDI đăng ký đầu tư mới với vốn đăng ký 30,52 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Võ Văn Hưng nhấn mạnh, những chỉ tiêu, kết quả đạt được trong năm 2023 trên các lĩnh vực của địa phương có sự đóng góp của báo chí, kịp thời truyền tải, phản ánh trung thực tình hình đời sống, kinh tế xã hội của địa phương, tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2024 cũng là năm tăng tốc để về đích trong năm 2025 thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).
Xử lý các vấn đề “nóng” báo chí phản ánh
Tại buổi họp báo, các phóng viên đã quan tâm đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các nội dung như: Nguyên nhân thu ngân sách bị sụt giảm; việc giải ngân vốn đầu tư công chậm; các dự án triển khai chậm tiến độ quá lâu cần có giải pháp xử lý; dự án Nhà máy nhiệt điện tại Khu kinh tế Đông - Nam Quảng Trị đã có thông báo dừng triển khai thì giải pháp tiếp theo là gì?
Bên cạnh đó, báo chí cũng quan tâm tới giải pháp lâu dài trong việc bảo vệ nguồn nước trên sông Sa Lung; đẩy nhanh các khu tái định cư phục vụ cho dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ; xử lý các sai phạm trong triển khai các dự án…
Những nội dung trên được lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị ghi nhận và đề nghị các Sở, ngành giải trình, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục thiếu sót, thực hiện cụ thể trong thời gian tới.
Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị trả lời các câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo (Ảnh Đ.Minh) |
Để tăng nguồn thu trong năm 2024, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương sẽ làm việc với Trung ương để kiến nghị các giải pháp tăng nguồn thu, trong đó sẽ có cơ chế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển.
Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh hoạt động thương mại qua 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay để tăng nguồn thu thuế xuất nhập khẩu và xin được giữ lại phần vượt thu, xây dựng các giải pháp hâm nóng thị trường bất động sản.
Liên quan đến tiến độ các công trình, nguyên nhân chậm thi công có phần xuất phát từ công tác quản lý đất đai của các cấp cơ sở vẫn còn lỏng lẻo, đặc biệt là phần đất do địa phương quản lý, dẫn đến có tình trạng sử dụng đất sai mục đất dẫn đến nhiều khó khăn trong giải quyết kiến nghị, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đối với các dự án chậm triển khai, nhiều nhà đầu tư năng lực hạn chế, pháp luật về đầu tư còn bất cập. Chính vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh kiên quyết thu hồi đối với các dự án do nhà đầu tư chây ì, vi phạm pháp luật.
Ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cùng lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ (Ảnh quangtri.gov) |
Đối với việc nâng cao chỉ số PCI, UBND tỉnh Quảng Trị giao các cơ quan phụ trách lĩnh vực tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý ngành, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho nhà đầu tư.
Liên quan đến sự việc ô nhiễm nguồn nước trên sông Sa Lung, các cơ quan chức năng đã kịp thời kiểm tra, phát hiện nguyên nhân và xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư biện pháp xử lý chất thải, mặt khác đầu tư lắp đặt các thiết bị giám sát, cảnh báo thường xuyên; trường hợp tái diễn vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Ngoài ra, liên quan đến các tuabin điện gió của 2 nhà máy điện gió Hướng Linh 1 và 2 (huyện Hướng Hóa) xây dựng sai vị trí được cấp, thiếu sót của doanh nghiệp là khi có văn bản đồng ý điều chỉnh của cấp có thẩm quyền nhưng không phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan để điều chỉnh hoàn thiện thủ tục.
Hiện nay, cơ quan chức năng đang tiếp tục kiểm tra, rà soát, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị xử lý theo quy định.
Phát biểu kết luận tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Hà Sỹ Đồng đề nghị các sở, ngành tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí nhằm tạo thuận lợi đưa các chính sách của địa phương đi vào thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, tỉnh mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục ủng hộ, đồng hành, chia sẻ và có nhiều tin, bài trên tất cả các lĩnh vực, nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Hà Sỹ Đồng phát biểu kết luận buổi họp báo (Ảnh quangtri.gov) |
Trong đó, các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2024; tập trung tuyên truyền đối với các công trình, dự án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương thống nhất chủ trương và nhà đầu tư đồng thuận, ký kết, khởi động, khởi công….
Đồng thời, các cơ quan báo chí tiếp tục tập trung tuyên truyền, giới thiệu, lan tỏa mạnh mẽ những giá trị lịch sử, truyền thống, hình ảnh quê hương, con người, văn hóa, thành tựu của tỉnh nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh 25/8; 35 năm lập lại tỉnh Quảng Trị 1/7 và đặc biệt là năm đầu tổ chức Lễ hội Vì hòa bình 2024.
Đặc biệt, các cơ quan báo chí cần chú trọng công tác truyền thông nhằm thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh, để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số mang lại và không bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số; xem không gian mạng là mặt trận chính để kịp thời đưa tin, đấu tranh, phản biện với những thông tin xấu, độc...