Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã khẳng định được vai trò, hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng "tín dụng đen"
Đây là khẳng định của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú tại Hội thảo “Tín dụng Tiêu dùng: Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế” diễn ra sáng ngày 18/10 tại Hà Nội. Hội thảo do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước tổ chức.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nêu rõ, hoạt động tài chính tiêu dùng được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: “Phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn ngừa tín dụng đen”.
“Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã coi việc phát triển tài chính tiêu dùng là một trong những chủ trương lớn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tài chính tiêu dùng. Hệ thống khuôn khổ pháp lý về cho vay tiêu dùng nói chung và tài chính tiêu dùng nói riêng được NHNN hoàn thiện, bổ sung phù hợp với đặc thù cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo |
Cũng theo Phó Thống đốc, thời gian qua, hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã khẳng định được vai trò, hiệu quả và thị phần trong sự phát triển chung của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.
Tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đã tiếp cận đến các phân khúc khách hàng hàng đại chúng chưa tiếp cận được hoặc khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng, lịch sử tín dụng hạn chế, mức thu nhập trung bình hoặc thấp, kém ổn định, không có tài sản đảm bảo…, góp phần mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi ở các địa bàn này; qua đó thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, ổn định kinh tế và công bằng xã hội.
Sự phát triển của tài chính tiêu dùng đã được ghi nhận không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế xã hội. Tính đến nay, thị trường Việt Nam đã có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.000 điểm giới thiệu dịch vụ, phục vụ khoảng 30 triệu khách hàng trên toàn quốc.
Đến ngày 30/9, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các công ty tài chính cũng gặp một số khó khăn, phạm vi và quy mô hoạt động còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dẫn đến chưa phát huy đầy đủ vai trò của loại hình tổ chức tín dụng chuyên biệt này. Bên cạnh đó, hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do NHNN cấp phép và hoạt động “tín dụng đen” đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng.
Phát triển tín dụng tiêu dùng là một xu hướng tất yếu, tuy nhiên phải đảm bảo được sự lành mạnh. Đây là hai yếu tố đi cùng với nhau. Hơn thế nữa, cần phải đảm bảo được sự công bằng, minh bạch để người vay cũng như người cho vay luôn được an toàn.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo |
Trong cuộc sống, người dân, nhất là những người yếu thế, những người có thu nhập thấp, rất cần vay vốn để phục vụ những nhu cầu rất bức thiết. Nếu những đối tượng này không có tài sản bảo đảm, không có điều kiện vật chất để thế chấp cho những khoản tiền vay, mặc những khoản tiền này là không lớn. Làm thế nào để giải quyết hài hoà vấn đề này một cách thoả đáng?. Có như vậy tài chính tiêu dùng mới phát triển một cách thực sự lành mạnh, ổn định.
Trong quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tài chính tiêu dùng được xem là một nội dung quan trọng để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Rõ ràng, đây là chủ trương, giải pháp để giải quyết bài toán xoá đói giảm nghèo của đất nước. Có thể nói, tài chính tiêu dùng có ý nghĩ nhân văn, ý nghĩa xã hội rất lớn.
Trong câu chuyện tài chính tiêu dùng, cho vay tiêu dùng này, nhất là đối với phân khúc người nghèo, người có thu nhập thấp, chúng ta có cả hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội rất lớn. Bên cạnh đó, có rất nhiều công ty tài chính vi mô, chương trình dự án tại các địa phương.
Đến nay, chính thức có 4 công ty tài chính vi mô với dư nợ hơn 10.000 tỷ đồng, 75 chương trình, dự án tín dụng vi mô ở các địa phương ở 35 tỉnh, thành phố. Tất cả những loại hình này đang là kênh cùng với các công ty tài chính tiêu dùng taọ điều kiện cho những người dân yếu thế tiếp cận được dịch vụ tài chính, tiếp cận được vốn vay để phục vụ nhu cầu cấp thiết trong cuộc sống.
Không chỉ tìm kiếm giải pháp nhằm tạo nên môi trường lành mạnh, thuận lợi, hợp lý để các công ty tài chính tiêu dùng phát triển, Phó Thống đốc nhấn mạnh: "cần quán xuyến đến cả những loại hình mà chúng ta đã, đang triển khai trong tập thể hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay; cần có hệ thống đa dạng với nhiều phân khúc khác nhau để cung ứng vốn cho các đối tượng khác nhau với các mức độ khác nhau tại nhiều địa bàn tỉnh, thành phố".
Phó Thống đốc Đào Minh tú gợi ý các đại biểu, đại diện các đơn vị thuộc NHNN, các công ty tài chính các chuyên gia, nhà khoa học… tham gia Hội thảo tập trung thảo luận một số nội dung:
Một là, làm rõ hiệu quả của tài chính tiêu dùng, cơ hội phát triển và khó khăn, thách thức cũng như xu hướng phát triển của tài chính tiêu dùng.
Hai là, phân biệt bản chất hoạt động công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, quản lý và công ty tài chính khác. Trên cơ sở đó, đánh giá làm rõ được các vần đề có thể phát sinh và đề xuất biện pháp quản lý hiệu quả, chặt chẽ hơn. Đây là một trong những giải pháp thiết thực để ngăn ngừa tín dụng đen.
Ba là, đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho hoạt động tài chính tiêu dùng, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.
Bốn là, biện pháp hỗ trợ triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho công nhân lao động theo thỏa thuận của hai công ty tài chính tiêu dùng HD Saison, FE Credit và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Gói hỗ trợ này có tính chất vừa là thử nghiệm, vừa là triển khai thí điểm, để tạo tiền đề nhân rộng mô hình này nếu có hiệu quả.
“Trong 6 tháng tới, nếu gói hỗ trợ này cho kết quả tốt, toàn bộ 16 công ty tài chính tiêu dùng cũng có thể triển khai theo mô hình trên. Có sự tham gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, rủi ro sẽ giảm đi, lãi suất cũng thấp hơn. Tôi tin chắc gói tín dụng này sẽ hiệu quả”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Xuất phát từ nội dung, mục tiêu của Hội thảo, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đánh giá cao những nỗ lực, sáng kiến của Hiệp hội Ngân hàng đã đem lại nhiều thông tin hữu ích để góp phần phát triển các công ty tài chính tiêu dùng an toàn, lành mạnh và bền vững trong thời gian tới.