Nâng cao vị thế Quốc hội Việt Nam trong diễn đàn nghị viện đa phương
Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150); thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia đã thành công tốt đẹp. Nhân dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội.
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Đại hội đồng IPU-150?
Đồng chí Lê Quang Tùng: Đây là chuyến công tác đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội trong năm 2025. Điều này gửi đi một thông điệp hết sức rõ ràng về sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương nói chung, hợp tác đa phương nghị viện và vai trò của IPU nói riêng. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh quốc tế hiện có những bất ổn, thách thức như cạnh tranh nước lớn, xung đột, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, suy giảm cam kết chính trị, nguồn lực cho các mục tiêu đa phương, nhất là về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và trợ giúp các nước đang phát triển.
![]() |
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng. |
Chủ tịch Quốc hội có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể của Đại hội đồng IPU-150 với những đánh giá sâu sắc về tình hình thế giới hiện nay, cùng những đề xuất cụ thể, kêu gọi nghị viện các quốc gia đồng hành, tăng cường hợp tác liên nghị viện, phát huy vai trò của IPU và các nghị viện thành viên trong điều phối các nỗ lực chung để giải quyết những thách thức hiện nay, nhằm thực hiện thành công những mục tiêu đề ra, đặc biệt là các mục tiêu về phát triển xã hội.
Lãnh đạo IPU và các nước đánh giá cao thông điệp của trưởng đoàn Việt Nam phù hợp với chủ đề của Đại hội đồng là “Hành động của nghị viện vì phát triển và công bằng xã hội”, góp phần định hướng sự phối hợp hành động của nghị viện hướng tới hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển xã hội vào cuối năm nay. Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội cũng nêu bật nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam về phát triển kinh tế-xã hội, lấy người dân làm trung tâm và không ai bị bỏ lại phía sau.
Nhân dịp dự Đại hội đồng IPU-150, Chủ tịch Quốc hội có các cuộc tiếp xúc song phương với Chủ tịch và Tổng thư ký IPU, Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện các nước (gặp, tiếp xúc với trưởng đoàn các nước: Lào, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Cuba-Chủ tịch Liên minh Nghị viện Mỹ Latin, Bỉ, Thụy Điển, Kazakhstan) nhằm trao đổi các biện pháp để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với IPU và với các nước, các nghị viện thành viên IPU; phát huy tốt hơn vai trò của Quốc hội/Nghị viện mỗi nước trong việc mở rộng và làm sâu sắc quan hệ hợp tác/đối tác trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị-đối ngoại, kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, khoa học-công nghệ và chuyển đổi số, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân...; đôn đốc, giám sát và thúc đẩy triển khai các cơ chế hợp tác và các hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành của Việt Nam với các đối tác; cũng như trao đổi kinh nghiệm hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo các khuôn khổ pháp lý thuận lợi về lâu dài cho hợp tác của Việt Nam với các đối tác.
Trong các cuộc trao đổi, tiếp xúc, các lãnh đạo Quốc hội cũng đã trao đổi về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có việc đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế về duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong một môi trường quốc tế ngày càng bất định, khó lường và diễn biến phức tạp.
Trong khuôn khổ của Đại hội đồng IPU-150, đoàn Việt Nam đã tham gia các phiên họp của các ủy ban. Phát biểu của đoàn ta thể hiện rõ lập trường, quan điểm của Việt Nam về tuân thủ luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc; đồng thời khẳng định sự ủng hộ và sẵn sàng tham gia các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế thúc đẩy đối thoại, hỗ trợ nhân đạo; kêu gọi xây dựng môi trường pháp lý, cải cách thể chế, bảo vệ quyền con người, các chính sách ổn định, công bằng và hòa bình để khôi phục phát triển bền vững đối với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột...
Sự tham gia chủ động, tích cực và nội dung phát biểu có chiều sâu của đoàn Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của Quốc hội Việt Nam trong diễn đàn nghị viện đa phương.
PV: Thưa đồng chí, thời gian tới, Việt Nam và các nước sẽ tiến hành những biện pháp cụ thể nào tiếp tục đóng góp vào mục tiêu “Hành động của nghị viện vì phát triển và công bằng xã hội” như chủ đề Đại hội đồng IPU-150 đang thúc đẩy?
Đồng chí Lê Quang Tùng: Chủ đề Đại hội đồng IPU-150 là “Hành động nghị viện vì phát triển và công bằng xã hội”; thể hiện sự đồng hành, đóng góp thiết thực của IPU và các nghị viện thành viên hướng tới hội nghị thượng đỉnh về phát triển xã hội của Liên hợp quốc vào tháng 11-2025. Đảng và Nhà nước ta có chủ trương, chính sách hết sức tiến bộ, ưu việt về phát triển và công bằng xã hội. Các chỉ số phát triển con người của Việt Nam liên tục tăng những năm qua và ở mức cao hơn trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam, cũng như mặt bằng chung ở khu vực Đông Nam Á.
Với chức năng lập pháp và giám sát, Quốc hội sẽ tiếp tục hoàn thiện các thể chế, cơ chế pháp lý tạo khuôn khổ chặt chẽ, đồng bộ, thuận lợi cho việc triển khai các chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch, thực thi các văn bản quy phạm pháp luật và có sự giám sát hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu đề ra; lồng ghép các khuyến nghị trong những nghị quyết của IPU về phát triển và công bằng xã hội trong quá trình lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia.
Cùng với đó, các hoạt động ngoại giao nghị viện song phương và đa phương phong phú, nhất là ở cấp cao sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nghị viện và tại các khuôn khổ liên nghị viện vì lợi ích chung của các quốc gia và người dân trên toàn thế giới.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
VŨ DUNG (lược ghi)