Họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi
Ngày 16/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại lớn trong công tác phòng, chống thiên tai và thủy lợi ở phạm vi quốc gia, mang tính liên vùng, liên tỉnh; đã nghiên cứu và đề xuất các hướng giải pháp cho các giai đoạn trung hạn (đến năm 2030), dài hạn (đến năm 2050) và xa hơn.
Quy hoạch sẽ tính toán, cập nhật các dự báo về nguồn nước và tác động của biến đổi khí hậu; dự báo dài hạn các tác động của các hoạt động khai thác nguồn nước, phát triển kinh tế - xã hội tại thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế và nội tại; kế thừa các cơ sở khoa học, kết quả nghiên cứu của các tổ chức trong nước, quốc tế liên quan đến các vấn đề lớn, phức tạp tại từng vùng.
Đồng thời đề xuất các giải pháp lớn, giải quyết triệt để hơn vấn đề về phòng, chống thiên tai và thủy lợi như các công trình khắc phục vấn đề hạ thấp mực nước trên các sông lớn, kiểm soát nguồn nước ở cửa sông, hệ thống công trình kết nối nguồn nước, chuyển nước và đưa nước đi xa, giải pháp tưới cho cây trồng cạn, nhất là các vùng khó khăn, khan hiếm nguồn nước...
Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện Quy hoạch khoảng 471.000 tỷ đồng cho các giải pháp công trình lớn, liên tỉnh và khoảng 203.000 tỷ đồng cho 3 chương trình (cấp nước sạch nông thôn; cấp nước sinh hoạt, sản xuất trên các đảo đông dân cư; phát triển hệ thống hồ chứa nhỏ, phân tán để tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, tưới cây trồng cạn).
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030
Tại cuộc họp, các chuyên gia đã cùng thảo luận, góp ý về dự thảo Quy hoạch với sự chủ trì của Cục Thủy lợi và sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, Quy hoạch sẽ được hoàn thiện theo hướng nhận diện rõ hơn những thách thức phải đối mặt; chú trọng giải quyết những vấn đề mang tính không gian và thời gian (trong đó không gian phải tính tối thiểu là vùng, còn thời gian phải xa hơn); cập nhật hơn nữa các thông số, số liệu về khí tượng thủy văn; tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ.
Quy hoạch cũng sẽ được hoàn thiện theo hướng đưa ra những giải pháp tổng thể nhưng rõ thứ tự ưu tiên, rõ nguồn vốn đầu tư, trước hết nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của từng vùng, địa phương như nâng mực nước sông Hồng, xử lý vấn đề nước mặn - nước ngọt tại đồng bằng sông Cửu Long, hay nâng cấp hệ thống hồ chứa miền Trung để cắt giảm lũ…
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ sở dữ liệu trong phòng, chống thiên tai và thủy lợi được cập nhật đầy đủ, theo thời gian thực nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và phản ứng chính sách nhanh và hiệu quả vì đây là lĩnh vực mang tính liên vùng, liên tỉnh.
Đại diện Bộ Tài chính nêu ý kiến, Quy hoạch cần nêu rõ danh mục những công trình/dự án được ngân sách Trung ương/địa phương đầu tư; công trình cần huy động nguồn vốn xã hội hóa.
Sau khi lắng nghe những ý kiến của các thành viên Hội đồng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu tối đa ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện một Quy hoạch tốt nhất có thể. Ttrong đó, cần đặc biệt lưu ý đến tính dự báo, tính định hướng, và thứ tự ưu tiên theo nguyên tắc từng nội dung của Quy hoạch phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện; trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt trong thời gian sớm nhất có thể.