Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023
Ngày 28/12, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị "Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu trung tâm và 63 điểm cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Cùng tham dự hội nghị có: ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố...
Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có: bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN; cùng Ban lãnh đạo NHNN; lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc NHNN....
Cùng tham dự có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước, ngân hàng thương mại, ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức tài chính và cơ quan, đơn vị liên quan.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự phối hợp, quyết liệt triển khai hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ đề ra và kết quả đạt được của ngành ngân hàng trong năm 2022, đóng góp tích cực và quan trọng vào những thành tựu và kết quả khá toàn diện của đất nước. “Có được thành quả chung của đất nước trong năm qua, ngành Ngân hàng đã có những đóng góp rất quan trọng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Ngành Ngân hàng đã góp phần tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội
Phát biểu khai mạc, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở phân tích, đánh giá, dự báo những khó khăn, thách thức phải đối mặt, cùng với cả hệ thống chính trị, ngay từ đầu năm 2022, ngành Ngân hàng đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao, tổ chức các Hội nghị, cuộc họp định kỳ và đột xuất để thống nhất mọi mặt hoạt động và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Các đơn vị trong hệ thống từ NHTW đến NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cùng các TCTD đã vào cuộc với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao nhất.
"Lãi suất được điều hành và điều chỉnh hợp lý, tỷ giá, tín dụng được điều hành linh hoạt, điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, các chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh được kịp thời ban hành và triển khai khẩn trương, đồng bộ…", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ và cho biết thêm: "Qua đó, ngành Ngân hàng đã góp phần tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát nhưng vẫn đảm bảo thanh khoản và sự phát triển an toàn của hệ thống các TCTD".
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị |
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, với nhiều nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và NHNN, trong kỳ báo cáo tháng 11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN.
Báo cáo về "hoạt động ngân hàng năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023" tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức và chịu nhiều áp lực từ những diễn biến nhanh, khó lường của kinh tế thế giới, song điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng đã đạt được mục tiêu đặt ra, đó là góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tích cực nguồn vốn tín dụng cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19.
Ngành Ngân hàng cũng đã nhận diện sâu sắc những khó khăn tích tụ qua nhiều năm từ nền kinh tế cũng như nội tại của hệ thống để tập trung nguồn lực xử lý từng bước; nhờ đó, hoạt động của các TCTD cơ bản an toàn, thanh khoản hệ thống được bảo đảm; năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành, các chuẩn mực, thiết chế an toàn của hệ thống TCTD từng bước được củng cố, tiệm cận thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Tiến trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng tiếp tục đạt được những kết quả tích cực; công nghệ hiện đại, an toàn được ứng dụng mạnh mẽ trong hoạt động thanh toán và dịch vụ đã mang lại nhiều trải nghiệm tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú báo cáo hoạt động ngân hàng năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 |
Số liệu được công bố tại hội nghị cho biết, đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021. Tín dụng được tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên; đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn; các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại giá rẻ hiệu quả cao, tiêu thụ tốt....
Về lãi suất,tiếp tục được điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; tỷ giá được điều hành tỷ giá linh hoạt, thực hiện các phương thức mua bán can thiệp thị trường và điều chỉnh tỷ giá mua/bán can thiệp để đáp ứng nhu cầu thanh khoản và bình ổn tâm lý thị trường.
Nhờ đó, hoạt động trên thị trường ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được các TCTD đáp ứng, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai quyết liệt; trong đó đặc biệt là đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (Quyết định 689/QĐ-TTg). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD được kiểm soát ở mức an toàn (đến cuối tháng 10/2022 là 1,92%). Trong năm qua, NHNN cũng đã tập trung chỉ đạo xây dựng phương án xử lý các TCTD yếu kém, nhất là 03 ngân hàng mua bắt buộc để từng bước ổn định hoạt động các ngân hàng này.
Hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục được tăng cường. Công tác thanh tra (với trên 900 cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm qua) đã tập trung nguồn lực vào các đối tượng, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh sai phạm,... NHNN cũng đã chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các QTDND trên địa bàn, đặc biệt là đối với các QTDND có tăng trưởng mạnh về quy mô, tăng trưởng tín dụng nóng.
Hoạt động chuyển đổi số ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được triển khai với việc tập trung xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng. Ngành ngân hàng đã tiên phong, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của CMCN 4.0 (như Điện toán đám mây, Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn, Học máy,...), nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn, nhờ đó đã tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Năm qua, NHNN tiếp tục tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và từng bước áp dụng chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt là NHNN đã hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (thay thế Luật phòng chống rửa tiền năm 2012) tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV và Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/NQ về thí điểm xử lý nợ xấu; ban hành/trình cấp có thẩm quyền ban hành 03 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 19 Thông tư liên quan đến CSTT, tín dụng, ngoại hối và công tác thanh tra, giám sát ngân hàng...
Trên cơ sở đánh giá, phân tích về tình hình kinh tế, vĩ mô, tiền tệ và bám sát Nghị quyết 68/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, năm 2023, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, phương hướng, nhiệm vụ hoạt động ngân hàng năm 2023 sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm như: điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo TCTD tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ…; triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; tăng cường công tác thanh tra và nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô. Trong đó, tập trung giám sát hoạt động cấp tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro như kinh doanh chứng khoán, bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…; Tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số để ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của CMCN 4.0 vào hoạt động ngân hàng; tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hàng chính, cải thiện môi trường kinh doanh…
Phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong năm 2023
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự phối hợp, quyết liệt triển khai hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ đề ra và kết quả đạt được của ngành ngân hàng trong năm 2022, đóng góp tích cực và quan trọng vào những thành tựu và kết quả khá toàn diện của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị |
“Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, đặc biệt là sức ép lạm phát tăng cao và sự lên giá của các đồng tiền chủ chốt, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt và phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả với chính sách tài khóa, các chính sách vĩ mô khác, góp phần kiểm soát lạm phát và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Ngành ngân hàng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh như mở rộng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, một số lĩnh vực ưu tiên có mức tăng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ; tích cực, chủ động triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các lĩnh vực gặp khó khăn.
Năm 2023, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó, Thủ tướng lưu ý, trong điều hành, NHNN cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
“Mục tiêu cao nhất với ngành Ngân hàng trong năm nay và tiếp theo là bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống; bảo đảm công khai, minh bạch, phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, bảo đảm quyền và và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể liên quan; bảo đảm thanh khoản thông suốt của hệ thống ngân hàng trong bất cứ tình huống nào, đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và lạm phát, vừa bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính, tiền tệ, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiên quyết không để thiếu vốn cho nhu cầu vốn chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường, củng cố công tác thanh tra, giám sát; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh, an toàn và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; chú trọng phát triển tín dụng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Quang cảnh hội nghị |
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ;
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ ngân hàng để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy thị trường tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, khắc phục các sơ hở, hạn chế bất cập ảnh hưởng đến an toàn hệ thống; tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ; kịp thời phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, bất cập để triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính và các chương trình mục tiêu quốc gia. Sớm hoàn thiện, trình Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP nhằm tháo gỡ các khó khăn, bất cập.
Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng các lĩnh vực rủi ro. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém trên cơ sở đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết và hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi giữa các chủ thể. Củng cố, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát. Ngành Ngân hàng cần nỗ lực giữ vững vị trí là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số đáp ứng kịp thời các nhu cầu của nền kinh tế. Ngành ngân hàng cũng cần nỗ lực tham gia thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các địa điểm này, cố gắng mỗi người dân có 1 tài khoản ngân hàng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Ngân hàng trong năm 2023 và thời gian tới là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Thủ tướng tin tưởng: “với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ban cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN xin nghiêm túc tiếp thu, quán triệt và sẽ chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả ngay sau Hội nghị này.
“Ngành Ngân hàng xin hứa với đồng chí Thủ tướng Chính phủ sẽ nỗ lực phát huy những kết quả đạt được, quyết tâm khắc phục các tồn tại, hạn chế và nỗ lực cao nhất để vượt qua các khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng Chính phủ thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2025”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Bước sang năm 2023, kinh tế thế giới và trong nước dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, để hài hòa các mục tiêu điều hành trong tổng thể chung của nền kinh tế, Thống đốc cho biết: “nhiệm vụ đặt ra cho ngành Ngân hàng trong năm 2023 được xác định là vô cùng khó khăn, nặng nề”.
Để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý:
Đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước. Thống đốc đề nghị Thủ trưởng các đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, thường xuyên theo dõi sát diễn biến, tình hình trong lĩnh vực được giao phụ trách để chủ động tham mưu, đề xuất cho Ban lãnh đạo NHNN các biện pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời nhằm hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Sớm hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của NHNN để ban hành và triển khai thực hiện ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 về các giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2023.
Đối với các tổ chức tín dụng. Thống đốc đề nghị chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc, giám đốc các TCTD nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của tổ chức mình theo đúng chủ trương của Chính phủ và định hướng điều hành của chính sách tiền tệ, đặc biệt phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đề nghị các đơn vị trong Ngành quán triệt và thực hiện nghiêm 2 nội dung trong dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán như sau: Tập trung đáp ứng tốt nhu cầu tiền mặt, thanh toán, tín dụng của người dân, doanh nghiệp trong dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán, đảm bảo mọi hoạt động ngân hàng diễn ra an toàn, thông suốt, phục vụ nhân dân đón Tết; Không tổ chức chúc tết, tặng quà các đơn vị, lãnh đạo NHNN. Ngay sau khi nghỉ Tết, các đơn vị tập trung triển khai thực hiện ngay các kế hoạch, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng ngay từ những tháng đầu năm.