Hội nghị Bộ trưởng G7 về khí hậu, năng lượng và môi trường
Trong các lĩnh vực bảo vệ khí hậu và năng lượng, các bộ trưởng sẽ thảo luận một loạt chủ đề như hành động chung của G7 thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trong 2 ngày 26 - 27/5, Hội nghị Bộ trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) về bảo vệ khí hậu, năng lượng và môi trường nhóm họp tại thủ đô Berlin (Đức) để thảo luận cách thức đối phó với khủng hoảng khí hậu, ô nhiễm môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học.
Trong các lĩnh vực bảo vệ khí hậu và năng lượng, các bộ trưởng sẽ thảo luận một loạt chủ đề như hành động chung của G7 thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Hiệp ước khí hậu Glasgow, tài chính khí hậu, cách thức đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và mở rộng năng lượng tái tạo, khử CO2 trong các lĩnh vực điện, giao thông, công nghiệp và xây dựng, phát triển hydro xanh và bền vững; hợp tác quốc tế ngoài G7...
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các chủ đề thảo luận gồm khuôn khổ toàn cầu mới để bảo vệ đa dạng sinh học, đa dạng sinh học biển (BBNJ) và bảo tồn tài nguyên sinh vật biển Nam Cực, thiết lập thêm các khu bảo tồn biển và các tiêu chuẩn môi trường trong khai thác dưới đáy biển, thỏa thuận toàn cầu về chất thải nhựa, thỏa thuận quản lý hóa chất ở các nước G7 và một số nội dung khác.
Các bộ trưởng G7 cùng thảo luận về bảo vệ khí hậu, năng lượng và môi trường
Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức ông Robert Habeck, G7 ngày càng thể hiện tầm quan trọng lớn trên thế giới.
Do đó, G7 cần tìm ra câu trả lời hiệu quả cho những thách thức lớn mà người dân và doanh nghiệp đang đối mặt, đặc biệt là tác động của cuộc xung đột tại Ukraine đối với giá năng lượng và an ninh nguồn cung năng lượng, lương thực.
Hơn bao giờ hết, G7 phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu và bảo vệ khí hậu, đồng thời nhanh chóng mở rộng năng lượng tái tạo, khử CO2 trong các lĩnh vực tiêu dùng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.
Bảo vệ khí hậu và mở rộng năng lượng tái tạo là những vấn đề về chủ quyền năng lượng, do đó cũng là vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, châu Âu và quốc tế.
Vấn đề khí hậu cũng cần được liên kết chặt chẽ hơn với cách tiếp cận chính sách an ninh, vì việc đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ đồng thời giúp loại bỏ các nguyên nhân gây ra đói nghèo và xung đột.
Về phần mình, Bộ trưởng Môi trường và Bảo vệ người tiêu dùng Đức Steffi Lemke khẳng định G7 cần đưa ra tín hiệu quan trọng nhất là các quốc gia đang cùng nhau giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu, G7 cùng nhau hành động như những đối tác mạnh mẽ, thống nhất.
Vì lý do đó, cuộc họp lần này bao gồm cả các Bộ trưởng Khí hậu, năng lượng và Bộ trưởng Môi trường G7. Bộ trưởng Lemke cam kết hoàn tất nhanh chóng và thành công các cuộc đàm phán về một khuôn khổ toàn cầu mới để bảo vệ đa dạng sinh học. Khuôn khổ tài chính cho các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học cũng phải được tăng cường.
Ngoài ra, G7 cần một thỏa thuận trong các cuộc đàm phán về đa dạng sinh học ở các vùng biển và nên cam kết thiết lập thêm các khu bảo tồn biển, hạn chế xả rác thải.
Dự kiến sau cuộc họp, các bộ trưởng sẽ ra một tuyên bố chung về các vấn đề bảo vệ khí hậu, năng lượng và môi trường.