Gần 3 triệu tỷ đồng cho chương trình nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021- 2025
Trong tổng mức phân bổ và huy động vốn gần 3 triệu tỷ đồng cho chương trình nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021- 2025, vốn tín dụng chiếm gần 74%.
Gần 3 triệu tỷ đồng cho nông thôn mới
Thông tin tại Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; định hướng thực hiện giai đoạn 2026-2030 sáng ngày 20/2, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng điều phối (VPĐP) NTM Trung ương cho biết, tổng vốn ngân sách trung ương bố trí thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt là 41.682 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư phát triển là 32.050 tỷ đồng (bao gồm: vốn trong nước: 30.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 2.050 tỷ đồng), vốn sự nghiệp là 9.632 tỷ đồng.
Kết quả phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 41.419 tỷ đồng trong đó: Vốn đầu tư phát triển là 32.050 tỷ đồng (bao gồm: vốn trong nước: 30.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 2.039 tỷ đồng), vốn sự nghiệp là 9.380 tỷ đồng; Phân bổ toàn bộ vốn đầu tư phát triển 32.050 tỷ đồng về các địa phương để các địa phương trực tiếp quản lý, thực hiện…
Về vốn phân bổ và huy động cho Chương trình, lũy kế đến 31/12/2024 là khoảng 2.919.466 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách trung ương bố trí trực tiếp để thực hiện Chương trình là 32.109,62 tỷ đồng (chiếm 1,1%); Vốn ngân sách địa phương là 265.194,36 tỷ đồng (chiếm 9,1%); Vốn lồng ghép từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 các Chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn để hỗ trợ hoàn thành các tiêu chí NTM là khoảng 204.230,7 tỷ đồng (chiếm 7%); Vốn tín dụng (Dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên toàn quốc giai đoạn 2021 - 2025, được coi là cho phát triển nông thôn, xây dựng NTM) dự kiến khoảng 2.153.719,3 tỷ đồng (chiếm 73,8%); Vốn doanh nghiệp dự kiến khoảng 151.483 tỷ đồng (chiếm 5,2%); Huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng: Dự kiến khoảng 112.729,45 tỷ đồng (chiếm 3,9%).
“Cùng với Chương trình MTQG phát triển Kinh tế Xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn: Hạ tầng KTXH tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng…”- Chánh VPĐP NTM Trung ương Ngô Trường Sơn đánh giá.
78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới
Theo Báo cáo của VPĐP NTM Trung ương, mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM tiếp tục được các địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025 và hằng năm.
Theo đó, phần lớn ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) đầu tư trên địa bàn nông thôn đều ưu tiên tập trung hỗ trợ để hoàn thành các tiêu chí NTM (cấp huyện, xã…). Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” tiếp tục tạo được sự lan tỏa rộng rãi, đi vào chiều sâu, được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia. Do đó, sau hơn 3 năm triển khai, thực hiện, cả nước đã huy động được hơn 2,9 triệu tỷ đồng đầu tư cho phát triển khu vực nông thôn, là khu vực thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Cùng với đó, cơ chế phân bổ vốn ngân sách trung ương của Chương trình theo hướng “Trung ương giao tổng mức, căn cứ điều kiện thực tế UBND cấp tỉnh xây dựng phương án cụ thể trình HĐND cùng cấp quyết định”, tiếp tục phát huy hiệu quả, phân cấp, trao quyền cho địa phương được chủ động, linh hoạt lựa chọn, quyết định mục tiêu, nội dung hỗ trợ thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được giao. Đến nay, Chương trình MTQG xây dựng NTM có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương cao nhất trong 03 chương trình mục MTQG.
Theo số liệu tổng hợp kết quả xây dựng NTM từ báo cáo của các địa phương (sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã), đến tháng 01/2025, cả nước đã có 6.250/8.014 xã (78%) đạt chuẩn NTM (đã có Quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh công nhận), tăng 9,8% so với cuối năm 2021 và đạt 97,5% mục tiêu giai đoạn 2021-2025 được giao).
Trong đó, có 2.275 xã (36,4%) đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 1.172 xã so với cuối năm 2021, đạt 91% mục tiêu giai đoạn 2021-2025 được giao) và 550 xã (8,8%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 507 xã so với cuối năm 2021, đạt 88% mục tiêu giai đoạn 2021-2025 được giao); bình quân cả nước đạt 17,5 tiêu chí/xã (tăng 0,5 tiêu chí so với cuối năm 2021);
Đặc biệt, 5 huyện (Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên; Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái; Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa; Quế Phong, tỉnh Nghệ An;; Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) đã có xã được công nhận đạt chuẩn NTM và ra khỏi danh sách huyện “trắng xã NTM”.
Cần tư duy mới, cách làm mới
Theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2026-2030, đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 90% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó khoảng 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất có 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; không còn xã dưới 15 tiêu chí.
Đã có nhiều ý kiến đặt vấn đề về tiêu chí mới trong việc thực hiện chương trình NTM cho phù hợp bối cảnh mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhất là khi quá trình triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2025 vẫn đang còn nhiều hạn chế, tồn tại.
Đó là, nguồn vốn ngân sách trung ương giao thực hiện Chương trình giải ngân rất chậm, đạt tỷ lệ thấp và phải trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện qua nhiều năm. Một số địa phương chưa chủ động thực hiện công tác rà soát, xây dựng nhu cầu vốn đầu tư và các thủ tục chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm nên mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư theo quy định.
Tiến độ triển khai các chương trình chuyên đề hỗ trợ xây dựng NTM, nhất là các mô hình thí điểm đã được Trung ương phê duyệt danh mục (các địa phương chủ động phê duyệt dự án/đề án/kế hoạch và quản lý kinh phí, thực hiện) rất chậm. Đến nay, vẫn còn 8/27 mô hình thuộc Chương trình OCOP, 4/19 mô hình thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn, 16/40 mô hình thuộc Chương trình Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, 5/15 mô hình thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh, chưa được cấp có thẩm quyền ở địa phương phê duyệt dự án/kế hoạch chi tiết để thực hiện.
Mô hình tổ chức và cơ chế làm việc của VPĐP NTM cấp tỉnh ở các địa phương có sự khác nhau, chưa có sự thống nhất (có địa phương, VPĐP NTM tỉnh trực thuộc UBND tỉnh, có địa phương trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; có địa phương thuộc Chi cục PTNT…). Cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên cũng ảnh hưởng đến việc tham mưu triển khai thực hiện cũng như theo dõi, tổng hợp thực hiện chương trình ở cơ sở.
Kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, điển hình như (Đồng bằng sông Hồng: 100%, Đông Nam Bộ: 97,8% trong khi đó Miền núi phía Bắc mới đạt 52,6%, Tây Nguyên 62,2%); vẫn còn 04 tỉnh thuộc khu vực Miền núi phía Bắc, có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30%. Đặc biệt, đến nay vẫn còn 11 huyện nghèo thuộc 8 tỉnh “trắng xã NTM”; 04 tỉnh chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
“Xây dựng NTM không phải không phải là một đích đến mà là một hành trình liên tục đổi mới, sáng tạo và phát triển. Chúng ta không chỉ cần một nông thôn “mới” về hình thức mà phải còn mới trong tư duy , mới trong cách làm mới, trong tổ chức sản xuất và phát triển cộng đồng”, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan lưu ý.
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương về lấy ý kiến người dân của 305 đơn vị cấp huyện (47,2%) thuộc 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; 18 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, thì tỷ lệ hài lòng của người dân đều đạt từ 95-99%. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước giảm rõ rệt khi số liệu điều tra cho thấy từ 80-90% số hộ dân nhận thức rõ về chủ trương, nguyên lý, cơ chế hỗ trợ và nội dung xây dựng NTM.