Lo ngại cú sốc lớn của những người sống sót sau thảm cảnh chìm ca nô-chuyên gia lên tiếng
Chứng kiến vụ tai nạn thương tâm, các nạn nhân sống sót sẽ trải qua các giai đoạn như sốc, tê liệt, và phủ nhận, từ chối chấp nhận thực tế, thậm chí tự làm hại bản thân mình.
Cú sốc tâm lý
Liên quan đến vụ chìm ca nô trên biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam ) lúc 14h ngày 26/2 làm 17 người tử vong, chuyên gia tâm lý - PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định, sự kiện này là cú sốc tâm lý với nhiều người. Trong đó chịu ảnh hưởng lớn nhất là những nạn nhân còn sống, đặc biệt là những đứa trẻ có thân nhân tử nạn.
Theo ông Nam, các nạn nhân may mắn thoát chết có thể xuất hiện những triệu chứng rối loạn stress sau sang chấn, với các biểu hiện như: ký ức hình ảnh lật ca nô , tiếng kêu cứu trở lại sống động trong lúc thức hoặc trong cơn ác mộng khiến họ hoảng loạn, bất an.
Họ có thể có những suy nghĩ lệch lạc và dai dẳng về nguyên nhân dẫn đến tai nạn và hệ quả là đổ lỗi cho bản thân. Điều này khiến cho họ rơi vào vòng xoáy cảm xúc tiêu cực.
"Họ sẽ hình thành tâm lý lo lắng, sợ hãi, né tránh những sự vật, hiện tượng gợi nhớ đến tai nạn đã xảy ra. Ví dụ như hình ảnh thuyền bè, ao hồ", ông Nam cho hay.
Một số người gặp phản ứng kích động, dễ cáu gắt, tăng cảnh giác, dễ bị giật mình, thậm chí có hành vi tự hại bản thân. Những biểu hiện này có thể xuất hiện từ sau một vài tháng nhưng cũng có thể một vài năm sau mới xuất hiện.
Ông Nam cho biết, về mặt tâm lý, những người thoát nạn, thân nhân của các nạn nhân sẽ trải qua các giai đoạn như: sốc, tê liệt, và phủ nhận, từ chối chấp nhận thực tế. Tiếp đến họ trở nên phẫn nộ, họ đổ lỗi cho bản thân, trút giận sang người khác. Rồi đi đến cảm xúc chán nản, tuyệt vọng khi biết chẳng thể nào thay đổi sự việc.
Người bị sang chấn tâm lý ở giai đoạn này có thể xuất hiện cảm giác tội lỗi, những suy nghĩ tự tử. Chỉ khi vượt qua được các giai đoạn trên, họ mới có thể tiến tới việc chấp nhận và bình thường trở lại.
Tạo cho nạn nhân không gian an toàn, được lắng nghe
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, trong giai đoạn này, gia đình cần tạo cho nạn nhân một không gian an toàn, được lắng nghe để họ an dịu lại. Cần luôn có người bên cạnh để hỗ trợ, đồng hành và điều chỉnh những nhận thức sai lầm của người bị sang chấn.
"Nhiều người sẽ có mặc cảm tội lỗi ví dụ như: vì tôi đã đưa con đi du lịch nên nó mới gặp nạn...", ông Nam chia sẻ.
Anh Đ. (Đông Anh, Hà Nội) đưa hai con đi du lịch rồi gặp nạn. Cú sốc mất hai con khiến anh ngã quỵ. Ảnh: Hoàng Hải
Với những đứa trẻ chứng kiến người thân mất trong vụ tai nạn, việc lắng nghe một cách chú tâm là điều cần thiết. Hãy lắng nghe những cảm xúc của các em, người lớn cần chu đáo và tôn trọng các em. Ở bên nhưng không ép trẻ nói. Nhẹ nhàng hỏi về những nhu cầu, những mối lo lắng của các em để giải quyết, đáp ứng trong giới hạn có thể, giúp các em bình tĩnh lại.
Theo ông, một số người lớn thường tránh né việc nói với trẻ về cái chết như một cấm kỵ. Tuy nhiên quan điểm đó không đúng, nó có thể làm cho tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng xấu hơn. Trẻ có thể tự đổ lỗi cho bản thân vì cái chết của người thân và hình dung nó như một cái gì rất xấu. Các em không dám tìm kiếm sự trợ giúp khi gặp phải khủng hoảng, sợ hãi.
Vì vậy, để giúp trẻ vượt qua được những sang chấn cần giúp trẻ thừa nhận sự qua đời của người thân. Chấp nhận sự việc đã xảy ra, cho các em sự quan tâm để trẻ hiểu rằng vẫn còn rất nhiều người yêu thương các em. Việc người thân, bố mẹ mất là sự việc không may, cuộc sống vẫn tiếp diễn, và bố mẹ thì luôn mong các con sống tốt đẹp.
Khi nào cần có sự can thiệp của chuyên gia tâm lý?
Theo ông Nam, trong trường hợp những biểu hiện đau buồn của các nạn nhân không thể nguôi ngoai từ sau 6 tuần, ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của cá nhân, hoặc xuất hiện hành vi tự làm hại bản thân, thì cần yêu cầu sự can thiệp của chuyên gia tâm lý.
Các chuyên gia sẽ có kỹ thuật để trấn an nạn nhân qua việc thấu cảm, khuyến khích họ nói về những trải nghiệm đau thương, phù hợp với khả năng chuyển hóa cảm xúc của từng cá nhân. Dừng lại những cơn ác mộng đang hành hạ họ.
Chiếc ca nô bị chìm. Ảnh: báo Biên phòng
Một trong những cách thức thường được sử dụng là yêu cầu nạn nhân tái hiện lại sự kiện sang chấn trong tưởng tượng, mô tả lại nó không chỉ là sự kiện mà còn là suy nghĩ, cảm xúc liên quan đến sự kiện, để kiểm soát những xung động, cảm xúc âm tính. Điều này khiến cho họ tiến nhanh đến giai đoạn chấp nhận hơn.
Từ đó giúp các nạn nhân nhận thức được rằng cuộc sống phải chấp nhận có những sự kiện vượt qua sự kiểm soát của chính mình. Việc tự trả thù, làm hại bản thân không làm người thân sống dậy, mà thậm chí sẽ gây thêm đau thương cho những người đang sống.
Chia sẻ về cách giúp các nạn nhân vượt qua khủng hoảng sau tai nạn kinh hoàng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh (chuyên gia tâm lý, Giảng viên Phân viện Học viện Hành chính tại TP.HCM) cho rằng, cùng trải qua một sự việc, nhưng biểu hiện tâm lý của mỗi người không giống nhau. Có người sẽ quên rất nhanh, vì họ có kinh nghiệm, năng lực khống chế thần kinh rất mạnh.
Tuy nhiên, có những người lại chìm đắm trong đau khổ, sinh ra các cảm giác lo lắng, sợ hãi, bất an, day dứt, về lâu dài nếu không được phát hiện, chia sẻ dễ dẫn đến trầm cảm, có thiên hướng tự làm hại bản thân.
Để vượt qua được khủng hoảng, theo bà Minh, bản thân người gặp nạn, người bị sang chấn tâm lý phải tự xác định lại mục tiêu cuộc sống của mình. Họ phải tự nhận thức được việc chìm đắm trong đau khổ, day dứt không làm cho người thân có thể sống dậy.
"Người mất luôn mong người thân sống hạnh phúc, vui vẻ, nên bản thân người còn sống, đặc biệt là các nạn nhân thoát chết trong vụ chìm ca nô phải nhận thức được điều đó", bà Minh nói.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh, nếu cách tự ám thị, tự nhận thức không thể giúp bản thân người bị sang chấn vượt qua được, cần phải nhờ đến những người xung quanh, đặc biệt là người thân trong cùng gia đình. Họ cần người để tâm sự, lắng nghe giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi. Gia đình nên theo dõi người thân mình, vì đứng trước mất mát họ không làm chủ được hành vi, suy sụp quá mức, không biết bấu víu vào ai.
"Nếu người xung quanh không có sự trợ giúp, họ sẽ tìm đến con đường tiêu cực, trầm cảm, tự làm hại bản thân…", bà Minh nói và cho biết, những cú sốc ban đầu lúc nào cũng để lại những sang chấn tâm lý, tuy nhiên không phải ai cũng có thể đối mặt trực tiếp vượt qua mà cần người cùng giúp sức. Bác sĩ tâm lý là lựa chọn cuối cùng, nếu người bệnh có những hành vi vượt quá kiểm soát, làm thương tổn bản thân.
Trước đó, hơn 14h ngày 26/2, ca nô mang số hiệu QNa-1152 của Công ty Phương Đông chở 39 người (gồm 36 khách du lịch đến từ Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, một lái tàu, hai phục vụ) từ đảo Cù Lao Chàm vào cảng Cửa Đại. Khi cách bờ không xa, ca nô bị chìm làm 17 người thiệt mạng, 22 người được cứu sống. Lực lượng chức năng xác định, thuyền trưởng Lê Sen và thuyền viên ca nô QNa-1152 đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ để vận hành phương tiện.