Lý do vì sao giới trẻ hiện nay thích đi siêu thị hơn là đi chợ truyền thống
Đi siêu thị có nhiều ưu điểm mà thế hệ trẻ cho rằng 'được lợi' từ nền công nghiệp phát triển. Nhưng xét theo khía cạnh khác thì nhiều văn hóa của người Việt phải ra chợ mới cảm nhận được sâu sắc.
1 thế hệ trẻ thích đi siêu thị mua sắm
Chưa đầy 4 năm nữa, những bạn trẻ ở độ tuổi từ 6-25 sẽ chiếm 25% lực lượng lao động quốc gia, trở thành 15 triệu người tiêu dùng tiềm năng cho các kênh mua sắm. Và có một điều khá thú vị là 1 bộ phận người trẻ thích thú mua sắm tại các siêu thị hơn chợ. Bởi siêu thị có những đặc trưng nổi bật, chẳng hạn cho thanh toán bằng tiền mặt hay thẻ ngân hàng, ví điện tử với rất nhiều ưu đãi hoàn tiền. Điều này ít chợ dân sinh có.
Hà Trang (sinh năm 2000, quê ở Thạch Thất, Hà Nội) sau khi ra trường, có cuộc sống độc lập hơn thì việc mua sắm chi tiêu cho cuộc sống cũng khác. Trang chọn cách "xách làn đi siêu thị", vì thấy an toàn về chất lượng, giá cả cũng phù hợp với mình. "Em thường đi siêu thị với bạn cùng phòng, khi có tiền mặt thì thanh toán, còn không có thì quẹt thẻ cũng rất tiện. Chúng em sẽ giữ bill mang về rồi chia đều, sòng phẳng mà lại tiện nữa", Trang chia sẻ.
Hà Trang là 1 người trẻ thích đi siêu thị hơn đi chợ. Ảnh: NVCC.
Đứng bên quầy thu ngân của một siêu thị lớn, Đức Anh (19 tuổi, sinh viên năm 2 của trường ĐH Mỏ địa chất) nhanh chóng đưa các sản phẩm đã mua lên quầy để tính tiền. "Dạ em trả bằng Momo", Đức Anh trả lời rồi đưa màn hình điện thoại có hiện mã QR cho nhân viên thu ngân quét mã, thao tác thanh toán xong trong chớp nhoáng.
Anh chàng chia sẻ: "Em mang theo rất ít tiền mặt, chủ yếu dành để gửi xe hoặc mua đồ đột xuất. Còn lại tiền để trong thẻ và ví điện tử để mua đồ ăn, đồ thiết yếu. Ở thành phố mà chị, đi ra đường không mang tiền vẫn sống khoẻ. Như hôm nay đi mua đồ ở siêu thị đều trả bằng ví điện tử, tiện lợi. Em ít khi đi chợ lắm, vì thấy bất tiện hơn".
Không chỉ có Trang hay Đức Anh mà rất nhiều người trẻ khác cũng có xu hướng chọn siêu thị là kênh mua sắm chính. Có thể nhận thấy ngay 3 điều mà người trẻ đánh giá cao:
Siêu thị ở Việt Nam luôn sáng choang đèn điện với những lối đi mát rượi, sạch sẽ và vô số quầy hàng trưng bày hàng hóa phong phú. Nhân viên bảo vệ và nhân viên hướng dẫn luôn sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào một cách tận tình.
Siêu thị sạch sẽ, đó là một lợi thế khiến họ thích bước vào. Trong khi ở chợ hàng hóa được bày bán khá hỗn loạn, thịt treo trong nhiệt độ ngoài trời, ruồi nhiều, chuột cống cũng có. Ngược lại, siêu thị có những tiện ích bảo quản, máy lạnh cỡ lớn và bán sản phẩm cũng ở một quy mô lớn.
- Thứ hai: Tính đa dạng của các mặt hàng
- Thứ ba: Biết được giá ngay lập tức
Thế nhưng có những "nét văn hóa" mua bán đậm chất Việt chỉ tìm thấy khi đi chợ dân sinh
Đứng chờ thanh toán trong siêu thị đầy ắp người mua hàng vào dịp cuối tuần, cô Thanh Huyền (45 tuổi) sốt ruột vì phải nhanh chóng về nhà bế cháu. Cô cho biết lựa chọn hôm nay vào siêu thị mua hàng là chưa đúng vì những ngày cuối tuần, giờ cao điểm, tại các siêu thị lớn sẽ có tình trạng chờ thanh toán khá phiền phức và mất thời gian.
"Mua nhỏ lẻ cô thường chạy ù ra chợ cho nhanh. Có không ít thứ mua ngoài chợ tươi và ngon hơn so với siêu thị, ví dụ như hải sản. Giá cũng thường rẻ hơn trong siêu thị khá nhiều. Nếu mua rau thơm, dưa leo, khổ qua, cà chua, các loại củ thì cô vào siêu thị vì rẻ hơn mua ngoài chợ. Nhưng các loại rau ăn lá như rau muống, dền, cải... thì ra chợ lại rẻ và tươi ngon hơn", cô Huyền phân tích.
Các loại rau ăn lá như rau muống, dền, cải... thì ra chợ lại rẻ và tươi ngon hơn siêu thị.
Nhìn chung, chợ truyền thống hàng hóa vùng miền sẽ đa dạng, giá cả phải chăng phù hợp với tất cả mọi người, mua bán nhanh gọn dễ đến, dễ về và môi trường thân thiện.
"Chị thích đi chợ đầu mối, vì có thể nghe người ta mời chào, rao bán hàng trong không khí nhộn nhịp. Nó mới đúng là không khí khi đi chợ. Người ở chợ lao động để bán sản phẩm, nhưng tại siêu thị thì lạnh tanh. Ở chợ cũng mua được giảm giá, mà theo kiểu sạp rau tặng rau, thịt tặng thịt… Đó cũng là nét thú vị của chợ truyền thống.
Mà ở chợ sẽ có hàng hoá độc đáo, hiếm lạ và có những sản vật vùng miền mà ở siêu thị sẽ không có. Mua sắm nhanh chóng, tiện lợi hơn là vào siêu thị đi mỏi chân rồi đứng chờ quẹt thẻ chỉ để lấy mớ rau, con cá, tép tỏi", chị Phương Mai (36 tuổi ở Hoàng Mai) chia sẻ.
365 ngày trong năm chị Phương Mai đều mua nguyên liệu nấu ăn tại chợ dân sinh gần nhà. Ảnh: NVCC.
Theo chị Mai thì thực phẩm để ngoài trời dễ hư hơn trong siêu thị nên khi được mang ra bán ở chợ cần phải tươi và mới mỗi ngày. Thức dậy lúc ba rưỡi, bốn giờ sáng để đi chợ đầu mối sẽ thấy rất nhiều xe ba gác, xe gắn máy kéo theo những trái cây, rau tươi, mì, bún và nhiều thứ khác. Đó là nét văn hóa chỉ khi ra chợ mới thấy được.
"Trả giá ở chợ cũng là một kỹ năng xã hội mà nhiều người mua hàng như cô sẽ cảm thấy trống vắng nếu thiếu đi. Đó là 1 cơ hội để mình chứng tỏ kỹ năng mua bán của bản thân. Đầy tính tương tác, cạnh tranh! Xét về khía cạnh này, siêu thị kém xa. Khách hàng ở siêu thị không cần phải nói, cứ đúng giá mà mua. Nó đi ngược với truyền thống thích trả giá, mặc cả qua lại của người Việt. Đối với những thế hệ như cô thì là thiếu đi một niềm vui khi đi mua hàng rồi.
Quát sát sẽ thấy ngay chợ có nhiều thứ chưa ổn, môi trường ẩm thấp, có kiểu chèo kéo, chất lượng hàng không ổn định, hình thức sạp hàng nhếch nhác có thể không phù hợp với các bạn trẻ. Nhưng cô nghĩ nếu khắc phục nhược điểm và tập trung ưu điểm thì chợ truyền thống sẽ không bao giờ biến mất", cô Huyền chia sẻ thêm.
Chợ truyền thống khó mở rộng không gian, nâng cấp để áp dụng các công nghệ hiện đại như diện tích bãi đỗ xe, hiện đại hóa hệ thống quầy kệ, thanh toán thông minh hay làm cho nó sạch sẽ hơn.
Thế nhưng không thể phủ nhận ngay cả ở thời hiện đại, chợ truyền thống vẫn đang đảm nhiệm 70% hàng hóa, bữa ăn ở đô thị (và tới 90% ở những vùng nông thôn). Sau dịch bệnh cũng đã có nhiều khu chợ bắt đầu áp dụng công nghệ thông minh trong việc bán hàng để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người trẻ, xu hướng mua hàng online hiện nay.