Tham vọng của các kiến trúc sư Dubai: Xây vòng tròn "siêu khủng" bao quanh tòa nhà cao nhất thế giới
Công ty kiến trúc ZNera Space ở Dubai đã đề xuất ý tưởng thiết kế một vòng tròn khổng lồ bao quanh lấy Burj Khalifa - tòa tháp cao nhất thế giới.
Được gọi là Downtown Circle, tòa nhà hình tròn này sẽ khiến khung cảnh, vốn đã rất hoành tráng, trở thành siêu thực. Nó khiến người ta hình dung tới một cuộc sống trong tương lai hơn là những gì vốn đã quen ở hiện tại. Tuy nhiên, vấn đề kỹ thuật và tài chính là nút thắt của siêu công trình này, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Najmus Chowdry và Nils Remess, hai kiến trúc sư chính của dự án, tín rằng công trình này là một công trình cấp tiến và đầy hấp dẫn, khiến mọi người phải suy nghĩ lại về phát triển đô thị, trong đó có tình trạng tắc nghẽn kéo dài. Tác giả của dự án cho rằng công trình có thể mang lại sự bền vững cho tương lai Dubai.
"Chúng tôi lựa chọn xây dựng công trình này xung quanh tháp Burj Khalifa vì đây là một khu vực đô thị đông đúc. Chúng tôi muốn giải quyết các vấn đề cố hữu của các đô thị, đó là chật chội và tắc nghẽn kéo dài", các kiến trúc sư cho biết.
Theo thiết kế, công trình này nằm ở độ cao 550m so với mặt đường và có chu vi hơn 3km. Vòng tròn khổng lồ này sẽ được hỗ trợ bởi 5 cây cột và có thể được tận dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Công trình này sẽ lấy điện từ năng lượng mặt trời trực tiếp hoặc qua một hệ thống lai sử dụng ánh nắng mặt trời.
Việc xây dựng một công trình đa năng còn có khả năng tạo ra một vùng khí hậu độc lập, có thể kiểm soát được nhiệt độ và khiến chúng "dễ thở" hơn giữa thời tiết nóng bức. Những cây cột trụ cũng sẽ được sử dụng làm hệ thống lọc không khí, tạo ra môi trường trong lành cho đô thị.
Ở Dubai, nhiệt độ thường vượt quá 40 độ C và các kiến truc sư mong muốn thiết kế của họ tạo ra một chuẩn mực mưới cho sự bền vững trong khu vực. Phần mái của công trình sẽ được lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời. Năng lượng mặt trời sẽ được hóa thành điện hoặc sức nóng từ mặt trời sẽ được dùng để biến nước thành hydro sau đó cung cấp năng lượng cho điều hòa không khí và các hoạt động khác của công trình. Ngoài ra, các nhà thiết kế còn muốn lắp đặt một hệ thống tàu điện treo phía dưới cùng của cấu trúc.
Xét về mặt ý tưởng, không có gì để chê ở Downtown Circle. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, những thách thức đặt ra là vô cùng lớn. Theo đó, người ta phải xây dựng được một cấu trúc đủ khỏe để nâng đỡ các tính năng bên trong nhưng lại phải đủ nhẹ để các cột trụ có thể chống đỡ được chúng.
Giải pháp cho tương lai
Trước lo ngại này, các nhà thiết kế tin rằng công trình này sẽ khá nhẹ. Họ tưởng tượng nó giống như một chiếc máy bay khổng lồ và chính vỏ bọc và phần khung sườn sẽ góp phần chống đỡ cho nó vì tất cả bên trong đều rỗng. Họ nói thêm rằng thiết kế hình tròn được lựa chọn vì đây là định dạng cấu trúc ổn định nhất.
Việc nó nằm đan xen giữa các khu dân cư và thương mại càng khiến Downtown Circle trở nên đặc biệt. Nhà thiết kế muốn tạo ra một thành phố tự duy trì các hoạt động của nó giữa một thành phố khác. Nếu sống ở đây, mọi hoạt động đều được "gói gọn" và từ nhà tới chỗ làm chỉ mất 15-20 phút, điều khó có thể xảy ra dưới mặt đất.
Tuy nhiên, bất chấp sự lạc quan của các nhà thiết kế, việc xây dựng thành phố này vẫn là dự án "viễn tưởng" ở thời điểm hiện tại. Bản thân những người tạo ra nó cũng mong đợi và một hiệu quả khác hơn là nhìn thấy nó được xây dựng trong tương lai gần.
Najmus Chowdry và Nils Remes hy vọng ý tưởng của họ sẽ khiến mọi người thực sự chú tâm vào những cách tối ưu nhất khi tiến hành xây dựng ở các khu đô thị nhằm hướng tới một tương lai lành mạnh và bền vững.
Ngoài ra, họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cây cối trong thiết kế của mình. Xương sống của công trình là một vành đai xanh được mệnh danh là Skypark. Đây là không gian xanh đa mục đích, giúp nhắc nhở con người về tầm quan trọng của cây cối cũng như gợi nhớ về vai trò phát triển của nông nghiệp trong lịch sử phát triển, đặc biệt là ở các đô thị.
"Nhìn lại lịch sử, chúng ta đều đi lên từ nông nghiệp, sau đó mới là các đô thị. Giờ đây, chúng ta đã đánh mất khái niệm này. Với vành đai xanh trong cấu trúc, chúng tôi muốn đưa nông nghiệp và sản xuất lương thực trở lại trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, giống nhiều ý tưởng đột phá khác, thiết kế này cũng đang nhận về nhiều bình luận trái chiều trên mạng xã hội. Một số người cho rằng kiến trúc kiểu này, nếu thành hiện thực, sẽ phát nát quy hoạch ở trung tâm thành phố. Trong khi đó, số khác lại nghĩ khiến trúc này khiến mọi thứ trở nên hiện đại và siêu thực hơn. Khi khoa học, công nghệ ngày càng phát triển, việc con người phải lựa chọn những thiết kế bền vững có lẽ sẽ là xu thế tất yếu. Lời giải của chúng nằm ở những tiến bộ về khoa học, công nghệ mà nhân loại đang nỗ lực đạt tới.