Mỹ 'ngốn' cả chục tỷ USD mở rộng lệnh cấm công nghệ Trung Quốc
Mỹ sẽ phải tốn thêm hàng chục tỷ USD để mở rộng lệnh cấm sử dụng thiết bị công nghệ và dịch vụ truyền thông của Trung Quốc nhằm giảm thiểu rủi ro an ninh quốc gia.
“Thường có rất ít lựa chọn thay thế cho thiết bị công nghệ thông tin và dịch vụ truyền thông của Trung Quốc với mức giá tương đương” , Jack Corrigan, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Đại học Georgetown, nói với Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung (USCC) tại Washington.
Ủy ban này là một ban cố vấn của Mỹ về chính sách của Trung Quốc, tập trung vào các tác động an ninh quốc gia trong quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước.
"Loại bỏ tất cả các công nghệ và dịch vụ Trung Quốc được chỉ định khỏi mọi mạng lưới tại Mỹ sẽ là việc cực kỳ tốn kém, thậm chí là khó có thể thực hiện được" , ông Corrigan nhận định.
Washington đã loại bỏ cơ sở hạ tầng viễn thông được cung cấp bởi 2 ông lớn Huawei và ZTE của Trung Quốc, cáo buộc rằng những hệ thống đó có thể chứa phần mềm gián điệp để truyền dữ liệu cá nhân của Mỹ đến Bắc Kinh.
Để bù đắp chi phí cho các nhà cung cấp viễn thông địa phương, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đã khởi động sáng kiến "loại bỏ và thay thế" do Quốc hội tài trợ với quỹ 1,9 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, chi phí thay thế thực tế lại cao hơn nhiều, khiến chương trình đang phải đối mặt với khoản thiếu hụt khoảng 3,1 tỷ USD, theo thông báo của FCC.
Ông Corriga cho rằng nếu chương trình mở rộng để bao gồm các nhà cung cấp phần cứng Trung Quốc khác ngoài Huawei và ZTE, thì khoảng thiếu hụt tài chính sẽ chỉ càng tăng thêm.
"Do đó, điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách cần tập trung các lệnh cấm vào các trường hợp mà trong đó vi phạm bảo mật thực sự đặt ra rủi ro lớn nhất đối với an ninh quốc gia" , ông nói.
Bà Nazak Nikakhtar, cựu quan chức Bộ Thương mại dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, cho rằng Mỹ đang "chậm chân thay vì dứt điểm" khi đưa ra lệnh cấm hoàn toàn đối với phần cứng và phần mềm của Trung Quốc.
Bà lấy ví dụ về TikTok, nền tảng video ngắn của Trung Quốc và công ty mẹ ByteDance, để minh họa. "Tất cả mọi người đều la hét về TikTok. Nhưng chúng tôi thậm chí không sử dụng quyền hạn pháp lý chống kiện để đưa ByteDance vào danh sách thực thể, điều này sẽ khiến ứng dụng mờ nhạt theo thời gian".
Nữ quan chức nói rằng cách duy nhất để giảm thiểu chi phí kinh tế là chỉ định toàn bộ các lĩnh vực không được sử dụng linh kiện của Trung Quốc và “thực hiện theo từng giai đoạn để nền kinh tế thích nghi”.
Bà nói: “Các cơ quan pháp lý tồn tại, khả năng đó tồn tại, nhưng từ ngành công nghiệp đến chính phủ, ý chí đó không tồn tại".
Ivan Tsarynny, Giám đốc điều hành của Feroot Security, một công ty phần mềm thông minh bảo vệ dữ liệu, cho biết TikTok thu thập một lượng lớn dữ liệu người dùng ở Mỹ bằng "pixel theo dõi" - đoạn mã mà các trang web sử dụng để theo dõi các chiến dịch quảng cáo kỹ thuật số.
Ivan Tsarynny nhấn mạnh rằng TikTok bị chi phối bởi Luật An ninh mạng của Trung Quốc, quy định tất cả các công ty Trung Quốc phải chia sẻ dữ liệu với chính quyền Trung Quốc. "Do đó, dữ liệu mà TikTok và các công ty khác từ Trung Quốc thu thập có thể được chia sẻ với các tổ chức ở Trung Quốc" , ông nói.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội vào tháng 3 năm ngoái, Giám đốc điều hành của TikTok Shou Zi Chew, nói rằng dữ liệu thu thập được trên nền tảng này tại Mỹ “luôn được lưu trữ ở Virginia và Singapore”.
Nhưng chỉ vài tuần sau đó, một cuộc điều tra của tạp chí Forbes cho thấy công ty đã lưu trữ thông tin tài chính của những nhà sáng tạo Mỹ trên các máy chủ ở Trung Quốc.
“Đối với tôi, điều này có vẻ giống như khai man - nghe giống khai man” , Ủy viên hội đồng USCC Helberg nói trong phiên điều trần hôm 2/1 vừa qua.
Cả TikTok lẫn đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đều không phản hồi các yêu cầu bình luận.