Mỹ: Lãi suất vay mua nhà cao nhất 20 năm, vượt 7%
Giống như nhiều phần khác của nền kinh tế, thị trường nhà đất Mỹ đã bị ảnh hưởng trực tiếp từ những đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed.
Trung bình mức lãi suất thế chấp ở Mỹ đã tăng lên 7,09%, cao nhất trong 20 năm trở lại đây, theo dữ liệu mới được Freddie Mac công bố.
Đây là lần đầu tiên kể từ mùa thu năm ngoái lãi suất thế chấp cố định kỳ hạn 30 năm tăng vượt 7%. Cách đây 1 năm, con số chỉ vào khoảng 5%.
Giống như nhiều phần khác của nền kinh tế, thị trường nhà đất Mỹ đã bị ảnh hưởng trực tiếp từ những đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed. Kết quả là dòng vốn sụt giảm, sức mua suy yếu, thậm chí một số công ty cho vay thế chấp phá sản khiến hàng chục nghìn người mất việc, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất thế chấp không liên quan trực tiếp đến quyết định của Fed. Tuy nhiên, chỉ số này gắn bó chặt chẽ với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn năm – chỉ số mà trong tuần trước đã đạt đỉnh cao nhất kể từ 2007. Các chuyên gia phân tích nhận định lợi suất trái phiếu 10 năm sẽ tiếp tục tăng lên vì lộ trình tăng lãi suất của Fed vẫn chưa dừng lại.
Khi Fed bắt đầu tăng mạnh lãi suất vào năm ngoái, thị trường từng dự đoán làn sóng chi phí đi vay tăng lên sẽ chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, đã 1 năm rưỡi trôi qua mà lãi suất vay mua nhà vẫn ở gần mức đỉnh, chỉ giảm xuống còn 6% trong 1 thời gian ngắn (cuối 2022, đầu 2023).
Giờ đây cả bên bán, bên mua, nhà đầu tư và các công ty bất động sản đều chấp nhận sự thật là lãi suất sẽ giữ ở mức cao trong thời gian dài, hoặc ít nhất cũng lâu hơn so với dự đoán của họ.
Trong khi nhiều người có ý định mua nhà chật vật không tìm được căn nhà có mức giá phải chăng, bên bán cũng bị mắc kẹt vì bán nhà sẽ đồng nghĩa từ bỏ khoan vay có lãi suất thấp để bước vào 1 khoản vay mới đắt đỏ hơn rất nhiều.
Lãi suất tăng ảnh hưởng rất lớn đến sức mua. Ví dụ, 1 người mua căn nhà trị giá 500.000 USD, trả trước 20% và vay 400.000 USD. Nếu lãi suất thế chấp ở mức 4%, người đó sẽ phải trả khoảng 290.000 USD tiền lãi trong 30 năm. Nếu lãi suất tăng lên 7%, số tiền phải trả lên tới 560.000 USD.
Một số người mua đã bỏ cuộc, quyết định sẽ đi thuê lâu hơn so với dự tính trước đây. Nhưng dù lượng người mua đã giảm xuống, tình trạng thiếu nguồn cung vẫn đẩy giá lên cao, thậm chí người mua còn phải tranh giành khốc liệt.
Blaine Wheeler (26 tuổi) và vợ đã mất khoảng 6 tháng để tìm mua 1 căn nhà ở Lee’s Summit. Những căn phù hợp với ngân sách của họ (từ 250.000 đến 350.000 USD) rất hiếm.
Tháng 6, trung bình giá nhà ở mức 410.000 USD, giảm nhẹ so với mức đỉnh lập 1 năm trước nhưng vẫn là mức cao thứ 2 từng được ghi nhận.
Vài năm trước, khi đại dịch lên đến đỉnh điểm, có lúc lãi suất vay mua nhà đã giảm xuống mức thấp kỷ lục dưới 3%. Lực mua được thúc đẩy mạnh, khiến giá nhà ở nhiều thành phố như Phoenix và Las Vegas tăng vọt khi trở thành điểm đến mà những người làm việc từ xa ưa chuộng.
Giờ đây, với lãi suất cao hơn nhiều và nhiều người đã quay trở lại văn phòng, cơn sốt ở những khu vực nóng nhất cũng nguội đi nhanh hơn so với cả nước. Trung bình trong quý II giá nhà ở Austin, Texas đã giảm 19% so với 1 năm trước, ở San Francisco giảm 11%.
Khi nguồn cung nhà có sẵn quá thấp, người mua quay sang các ngôi nhà mới xây, tạo nên 1 cơn sốt nhỏ cho các công ty xây dựng. Tuy nhiên, vẫn chưa thể bù đắp khoảng trống về nguồn cung.
Hiện đang sống ở New York, Karen Peterson (67 tuổi) vẫn ấp ủ kế hoạch mua 1 căn chung cư ở thành phố có chi phí sống thấp hơn sau khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, cuối cùng bà không thể tìm được căn nào nằm trong mức giá 110.000 to 120.000 USD ở Milwaukee, vì thế mùa xuân vừa qua bà đã phải ký hợp đồng thuê nhà 12 tháng. Nếu như giá nhà không sớm giảm, Peterson lo ngại mình sẽ không thể cáng đáng nổi chi phí thuê nhà được nữa.