Quốc gia đối đầu Thái Lan, Ấn Độ để tranh giành ngôi vương sản xuất chip tại châu Á
“Châu Á đang trở thành chiến trường nóng bỏng trong việc thu hút các doanh nghiệp ngành bán dẫn”, giám đốc Daisuke Yokohama của KPMG thừa nhận.
Trong lễ khai mạc SemiconIndia 2023 vào cuối tháng 7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã liên tục ca ngợi về thị trường nước nhà nhằm gây ấn tượng với các nhà đầu tư.
“Quốc gia nào có thể trở thành đối tác đáng tin cậy hơn nền kinh tế dân chủ nhất thế giới?”, Thủ tướng Modi nhấn mạnh.
Tờ Nikkei cho hay cuộc xung đột Mỹ-Trung đang khiến Ấn Độ được hưởng lợi trong việc thu hút các ngành công nghệ, bán dẫn và sản xuất chip điện tử. Xu thế dịch chuyển nhà máy nhằm tái cơ cấu chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã khiến nhiều nước Châu Á, bao gồm Ấn Độ tìm thấy cơ hội.
Năm 2021, chính quyền Thủ tướng Modi đã thông qua chương trình hỗ trợ trị giá 760 tỷ Rupee, tương đương 9,14 tỷ USD cho ngành sản xuất bán dẫn và màn hình trong nước.
Những chương trình hỗ trợ này đã thu hút khá nhiều ông lớn trong ngành. Ví dụ tập đoàn sản xuất chip của Mỹ Micron Technology đã tuyên bố xây dựng nhà máy ở Ấn Độ và sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024.
Hãng Hon Hai Precision Industry và Foxconn cũng đang phối hợp với các chuyên gia của Apple để dịch chuyển dần chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Tất nhiên, Ấn Độ còn những thách thức cần giải quyết như cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu điện năng cho các nhà máy. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến hãng Foxconn từ bỏ một dự án nhà máy bán dẫn ở nền kinh tế này.
Bất chấp điều đó, Phó chủ tịch Noboru Yoshinaga của Disco cho rằng việc các tập đoàn Mỹ mở nhà máy ở Ấn Độ đang cho thấy sự thay đổi trong chuỗi cung ứng.
Chính Bộ trưởng công nghệ thông tin Ấn Độ, ông Ashwini Vaishnaw cũng đã thừa nhận về một chiến lược thu hút ngành sản xuất bán dẫn vào thị trường này để phát triển ngành công nghiệp nội địa.
“Điều quan trọng là chúng ta phải có một vài thành công ban đầu để có thể làm bài học sử dụng cho những dự án tiếp theo “, Bộ trưởng Vaishnaw nói khi liên hệ đến lợi thế đào tạo kỹ sư bán dẫn của Ấn Độ có thể tạo nên nguồn lực lao động khả dụng cho các tập đoàn nước ngoài.
Đối thủ Thái Lan
Không chịu chậm chân, Thái Lan cũng tăng cường chạy đua trong việc giành ngôi vương ngành chip Châu Á. Tổng thư ký ủy ban đầu tư Thái Lan Narit Therdsteerasukdi đã nói ngành bán dẫn là một trong những mảng quan trọng phát triển kinh tế đất nước.
Chính vì vậy, chính phủ Thái Lan đã mở rộng các chương trình hỗ trợ, miễn giảm thuế cho những công ty sản xuất chip điện tử. Ví dụ một số nhà máy sản xuất liên quan đến chuỗi cung ứng chip bán dẫn tại Thái Lan sẽ được miễn thuế doanh nghiệp đến 13 năm.
Mặc dù vậy, chính quyền Bamgkok hướng đến thu hút đầu tư có chiều sâu hơn là quy mô dàn trải, nhắm đến những mạng cao hơn trong chuỗi cung ứng như thiết kế chip điện tử và bảng mạch hơn là chỉ lắp ráp đơn thuần.
Những mảng này có sự tiên tiến hơn về kỹ thuật, đem lại nhiều giá trị dài hạn hơn cho nền kinh tế cũng như giúp Thái Lan nâng tầm trong chuỗi cung ứng hơn là chỉ đi làm thuê, phụ thuộc vào các hợp đồng lắp ráp.
Trong suốt nhiều năm, những nền kinh tế như Hàn Quốc, Nhật Bản thường được giao xử lý các quy trình ban đầu như hỗ trợ thiết kế cho ngành bán dẫn, còn Đông Nam Á và Trung Quốc phụ trách khâu lắp ráp sản phẩm và đóng gói.
Tuy nhiên dần dần ngay cả những khâu thiết kế cũng đã dần được chuyển qua Trung Quốc và giờ đây là Đông Nam Á.
Tương tự như Ấn Độ, chính phủ Thái Lan cũng nhận ra cơ hội dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang.
Tổng thư ký Narit cho hay quốc gia này được đánh giá là một nền kinh tế trung lập thích hợp cho các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện nay, qua đó thu hút hàng loạt tập đoàn từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc đến đàm phán.
Tuy nhiên ông Narit không tiết lộ thêm chi tiết cụ thể những tập đoàn nào đang định dịch chuyển nhà máy về đây.
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đang tích cực phát triển ngành công nghiệp xe điện, dựa trên những ưu thế về máy móc phương tiện trước đây. Những sản phẩm xe điện đòi hỏi nhiều thiết bị bán dẫn hơn các ô tô xăng nên việc phát triển công nghiệp xe điện sẽ giúp Thái Lan thúc đẩy được thị trường bán dẫn nội địa hơn.
Đông Nam Á
Ngoài Thái Lan, các nước Đông Nam Á cũng không chịu ngồi yên. Những nền kinh tế nổi trội như Singapore hay Malaysia đều có được lợi thế nhất định trong việc trở thành ông vua chip Châu Á.
Tại Singapore, ngành công nghiệp bán dẫn ở đây đã được manh nha từ thập niên 1960. Mới đây, tập đoàn Global Foundries của Mỹ đã quyết định khởi công xây dựng phòng thí nghiệm trị giá 4 tỷ USD vào tháng 9/2023. Chính phủ Singapore đã hỗ trợ Global trong việc thu mua bất động sản, giải phóng mặt bằng để xây nhà máy dù nền kinh tế này không có nhiều quỹ đất.
Động thái của Global được cho là sẽ kéo theo những người chơi khác như Applied Materials hay Soitec của Pháp.
Tại Malaysia, tập đoàn Infineon Technologies của Đức vào đầu tháng 8 đã tuyên bố chi 5 tỷ Euro, tương đương 5,45 tỷ USD để mở rộng nhà máy hiện có. Trong khi đó Intel đã đồng ý chi 30 tỷ Ringgit, tương đương 6,49 tỷ USD trong 10 năm để tăng cường sản xuất tại Malaysia.
Tương tự, Việt Nam cũng đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ Samsung và Intel. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã yêu cầu đào tạo khoảng 30.000-50.000 kỹ sư ngành bán dẫn và công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu sắp tới của thị trường.
“Châu Á đang trở thành chiến trường nóng bỏng trong việc thu hút các doanh nghiệp ngành bán dẫn”, giám đốc Daisuke Yokohama của KPMG thừa nhận.