"Ác mộng" cản bước nỗ lực hồi sinh ngành sản xuất trọng yếu của Mỹ
Mỹ đang cố gắng giành lại chỗ đứng trong ngành công nghiệp bán dẫn. Nguyên nhân là đề phòng sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.
Bài thử quan trọng nhất
Các nhà sản xuất chip của Mỹ chiếm 1/3 doanh thu bán dẫn toàn cầu. Họ thiết kế những bộ vi xử lý tinh vi nhất thế giới, cung cấp năng lượng cho hầu hết điện thoại thông minh, trung tâm dữ liệu và ngày càng nhiều mô hình trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhưng cả các công ty Mỹ đều không sản xuất bất kỳ con chip hàng đầu nào ở ngay chính nước Mỹ.
Do tính chất trọng yếu của chip đối với các nền kinh tế hiện đại, các nhà hoạch định chính sách ở Washington bắt đầu lo lắng. Và chất bán dẫn là bài thử quan trọng nhất cho sự hồi sinh sản xuất của Mỹ.
Câu trả lời của Mỹ là Đạo luật về chip, một gói trợ cấp trị giá 50 tỷ đô la, tín dụng thuế và các chính sách hỗ trợ khác để đưa ngành sản xuất chip tiên tiến trở lại Mỹ, đã được Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào ngày 9/8/2022.
Nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch, đến năm 2025, các nhà máy sản xuất chip của Mỹ sẽ sản xuất 18% số lượng chip hàng đầu thế giới.
TSMC, công ty sản xuất hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc), đang chi 40 tỷ đô la cho hai nhà máy ở Arizona. Samsung của Hàn Quốc đang đầu tư 17 tỷ đô la vào Texas. Intel, công ty sản xuất chip lớn nhất của Mỹ, sẽ chi 40 tỷ đô la cho bốn nhà máy ở Arizona và Ohio.
Đắt đỏ hơn sản xuất ở châu Á
Tuy nhiên, các nhà máy chip tiên tiến nhất đang được xây dựng ở Mỹ đang chậm hơn so với kế hoạch, vận hành tốn kém hơn và nhỏ hơn so với ở châu Á.
Trung tâm An ninh và Công nghệ Mới nổi, một nhóm chuyên gia cố vấn, ước tính rằng ở Trung Quốc Đại lục và đảo Đài Loan, các công ty đã xây dựng một nhà máy mới trong khoảng 650 ngày. Ở Mỹ, các nhà sản xuất phải điều chỉnh hàng loạt các quy định của liên bang, tiểu bang và chính quyền địa phương, kéo dài thời gian xây dựng trung bình lên 900 ngày. Chi phí xây dựng, chiếm khoảng một nửa vốn đầu tư cho một cơ sở sản xuất mới, có thể tốn kém hơn 40% ở Mỹ so với ở châu Á.
Một số chi phí bổ sung đó có thể được giảm nhẹ thông qua Đạo luật về chip. Nhưng điều đó vẫn khiến chi phí hoạt động hàng năm trở nên tốn kém hơn ở Mỹ, vốn cao hơn 30% so với ở châu Á, một phần là do tiền lương của công nhân Mỹ cao hơn.
Morris Chang, người sáng lập TSMC, đã cảnh báo rằng chip sản xuất tại Mỹ sẽ ngày càng đắt hơn.
"Ác mộng" của các công ty
Bên cạnh đó, với tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp nhất trong 5 thập kỷ, các công ty đang phải vật lộn để tìm nhân công.
Một ước tính cơ bản từ Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn, là vào năm 2030, lĩnh vực chip của Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu 67.000 kỹ thuật viên, nhà khoa học máy tính và kỹ sư cũng như khoảng 1,4 triệu công nhân như vậy trong toàn bộ nền kinh tế.
Nhà máy đầu tiên của TSMC dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào năm tới. Nhưng vào tháng 7, họ đã thông báo rằng việc ra mắt sẽ được lùi lại đến năm 2025 vì không thể tìm đủ công nhân có chuyên môn để lắp đặt thiết bị tại một cơ sở công nghệ cao như vậy.
Shari Liss của Semi Foundation, một nhóm vận động hành lang về vi điện tử cho biết: “Cơn ác mộng của tôi là đầu tư vào tất cả cơ sở hạ tầng này và sau đó không thể xây dựng lực lượng lao động".
Một báo cáo vào tháng 1 từ Viện Brookings cho biết Mỹ cần “tăng cường các hành động cấp quốc gia, bang và địa phương” để cung cấp đủ công nhân cho lĩnh vực chip.
Gần đây, các chương trình đào tạo đã được bắt đầu.
Một trong số đó là các chương được cung cấp bởi Maricopa Corporate College ở Arizona và Portland Community College ở Oregon.
Trường đại học Portland, được hỗ trợ bởi Intel, cung cấp cho sinh viên khoản trợ cấp 500 đô la một tuần.
Mặt khác, tờ The Economist cho rằng Mỹ đang lãng phí một nguồn tài năng rõ ràng khi lực lượng người nhập cư có tay nghề cao trong ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ phải chịu chính sách thị thực nghiêm ngặt.