Mỹ đang dành phần lớn diện tích đất làm bãi đỗ xe
Trong bối cảnh khủng hoảng nhà ở và lạm phát, nước Mỹ có tới trung bình 92 mét vuông cho một chỗ đậu xe, song chỉ có 74 mét vuông cho một ngôi nhà.
Việc Đạo luật Giảm lạm phát IRA được thông qua mới đây, bao gồm một số khoản đầu tư vào công nghệ giúp giảm ô nhiễm, là chỉ dấu dự báo một tương lai xanh hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi IRA ra đời, một vấn đề vẫn đang tồn đọng trên khắp nước Mỹ và rất khó có thể giải quyết về mặt lý thuyết: sử dụng đất đô thị.
Môi trường xây dựng đóng góp phần lớn lượng khí thải ô nhiễm, từ việc sử dụng năng lượng trong gia đình, doanh nghiệp đến hệ thống giao thông công cộng. Dù cho IRA đặt mục tiêu có thể “điện khí hóa mọi thứ”, từ xe cộ đến hệ thống sưởi và làm mát, song vẫn còn một khoảng cách khá lớn giữa tham vọng và thực tế.
Lấy câu chuyện về các bãi đỗ xe ở bang California làm ví dụ. Theo Bloomberg, Los Angeles dành hơn 50.000 ha đất cho các bãi đậu xe ô tô, gấp gần 10 lần Manhattan. Khu vực Vịnh San Francisco, nơi tập trung các tập đoàn công nghệ quyền lực nhất thế giới, có tới hơn 15 triệu điểm đỗ xe. Con số trên chưa bao gồm các nhà để xe tư nhân của các hộ gia đình Mỹ.
Chính vì vậy, California dự kiến ban hành chính sách khí hậu mới nhằm khắc phục tình trạng phân bổ lãng phí đất đô thị. Một dự luật có tên 2097 đang được Thống đốc Gavin Newsom cân nhắc thông qua để loại bỏ các quy định hiện hành về bãi đậu xe trên toàn bang.
Hiện tại, hầu hết các thành phố của California cũng như toàn nước Mỹ đều yêu cầu các nhà phát triển đảm bảo đủ chỗ đậu xe cho bất kỳ ngôi nhà mới hoặc dự án thương mại nào đang trong quá trình xây dựng, bất kể quy mô lớn nhỏ. Vì vậy, một ngôi nhà ở Costa Mesa phải có đủ 2 chỗ đậu xe. Nhà hàng hoặc quán bar rộng 92 mét vuông tại Los Angeles cũng phải cung cấp đủ 10 chỗ đỗ xe cho khách. Kết quả, nhà hàng đó chỉ có diện tích chỉ bằng một nửa diện tích cho ô tô.
Điều này khuyến khích người dân lái xe, và dĩ nhiên, càng khiến môi trường thêm khí phát thải. Năm ngoái, giáo sư thuộc Đại học UCLA Donald Shoup và Nghị sĩ bang California Laura Friedman đã lên tiếng ủng hộ dự luật của Friedman nhằm loại bỏ số điểm đỗ xe tối thiểu. Dự luật 2097 cũng tương tự, song bổ sung thêm điều khoản giải phóng các bất động sản thương mại khỏi áp lực đảm bảo đủ chỗ đậu xe.
Nhiều năm qua, California đã chứng kiến một cuộc khủng hoảng thiếu nhà ở trầm trọng. Nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, với 10% dân số Mỹ, cũng là nơi có tỷ lệ cao dân nghèo đói và vô gia cư. Các yêu cầu tối thiểu bắt buộc đối với bãi đậu xe góp phần trầm trọng thêm vấn đề.
Bất chấp sự thúc đẩy tích cực của chính phủ đối với xe điện, phần lớn người dân California vẫn sử dụng ô tô và xe tải chạy xăng. Chi phí nhà ở tăng cao khiến họ buộc phải chuyển tới các vùng ngoại ô giá rẻ và điều này đồng nghĩa với việc phải đi quãng đường xa hơn mỗi ngày.
Ngành giao thông vận tải hiện chiếm hơn 50% lượng khí thải carbon của California. Nếu bang này muốn đáp ứng các mục tiêu về khí hậu, cuộc cách mạng điện khí hóa phải đi đôi với nỗ lực giảm 25% tổng số km xe xăng đã đi.
Tuy nhiên, các quy định đỗ xe tại hầu hết các thành phố của California lại là một rào cản. Việc dư thừa chỗ đậu xe tạo động lực cho người dân lái xe đi làm, đi ăn, từ đó thải ra một lượng lớn khí thải gây ô nhiễm. Ước tính nước Mỹ có khoảng 2 tỷ điểm đỗ cho 280 triệu chiếc ô tô. Như vậy, trong bối cảnh khủng hoảng nhà ở và lạm phát, chúng ta có tới trung bình 92 mét vuông cho một chỗ đậu xe, song chỉ có 74 mét vuông cho một ngôi nhà.
Sau IRA, một số thành phố trên khắp nước Mỹ dần có động thái tích cực, trong đó có Buffalo, New York; Hartford, Connecticut; Santa Monica, California; Fayetteville, Arkansas, Raleigh North…Tất cả đều đã đạt được bước tiến nhảy vọt. Một số thành phố, chẳng hạn như Branson, Missouri và San Francisco, California, thậm chí còn áp dụng mức trần đối với số lượng các điểm đậu xe.