Vụ kiện nhà băng Thụy Sỹ gây rúng động ngành quản lý gia sản thế giới
Vụ kiện mới đây của tỷ phú Bidzina Ivanishvili với công ty ủy thác Credit Suisse Trust đã khiến nhiều người phải xem xét lại về cách các công ty quản lý tài sản làm việc.
Mới đây, tỷ phú Bidzina Ivanishvili - cựu thủ tướng Cộng hòa Georgia - đã đâm đơn kiện và yêu cầu công ty ủy thác Credit Suisse Trust (thuộc tập đoàn ngân hàng Credit Suisse Group AG - Thụy Sĩ) phải bồi thường cho mình 800 triệu USD.
Theo Bloomberg, vụ kiện này đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, và còn được các chuyên gia xem như "một phép thử" đối với ngành công nghiệp quản lý gia sản trên toàn cầu. Nếu tỷ phú Ivanishvili chiến thắng trong vụ kiện, rất nhiều công ty ủy thác hay các quỹ đầu tư sẽ phải điều chỉnh lại quy định hoạt động của mình.
Ông Tang Hang Wu - giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore (SMU) - chuyên gia về lĩnh vực ủy thác và quản lý tài sản cho biết: “Những người trong ngành đều đang dõi theo vụ việc, chúng tôi muốn xem phía người thụ ủy (tức phía công ty quản lý) cần phải có những tiêu chuẩn hay nghĩa vụ gì đối với người thụ hưởng (tức khách hàng có tài sản được quản lý)”.
Tỷ phú Bidzina Ivanishvili, cựu thủ tướng Cộng hòa Georgia. Ảnh: Daro Sulakauri. |
Phát sinh tranh chấp
Bloomberg cho biết, tranh chấp gay gắt trong vụ kiện bắt nguồn từ năm 2004, khi ông Ivanishvili chọn Credit Suisse để ủy thác và giám hộ cho khối tài sản trị giá 1,1 tỷ USD.
Vào thời điểm đó, nhân viên Patrice Lescaudron phụ trách nhiều khách hàng của Credit Suisse bao gồm cả ông Ivanishvili. Tuy nhiên, năm 2015, Lescaudron đã bị sa thải, rồi sau đó bị kết án 5 năm tù vì tội gian lận và giả mạo chữ ký khách hàng vào năm 2018. Đến năm 2020, ông này đã tự tử trong tù.
Trong quá trình điều tra, Lescaudron thừa nhận mình đã bị thua lỗ khi dùng tiền của khách hàng để đầu tư. Vì quá hoảng loạn, ông ta đã làm giả chữ ký trên các lệnh giao dịch và sao chép các thông báo nhằm “câu giờ” để khắc phục thua lỗ. Những hành vi này của Lescaudron đã trót lọt cho tới tận năm 2015, tức năm ông này bị đuổi việc. Khi đó, khối tài sản của ông Ivanishvili đã bị mất 120 triệu USD.
Điều quan trọng là tỷ phú Ivanishvili cũng tới tận năm 2015 mới biết đến những hành vi gian lận đó. Lescaudron đã thay ông Ivanishvili dùng tài sản để đầu tư mà không được sự cho phép của vị tỷ phú.
Chính vì vậy, ông Ivanishvili đã kiện Credit Suisse Trust với lý do không "thực hiện các hành động thích hợp" để bảo vệ các khoản đầu tư của khách hàng. Lập luận về điều này, các luật sư phía ông Ivanishvili cho rằng bên thụ ủy kiểm soát các tài khoản nên phải có trách nhiệm bảo vệ và giám sát tài sản. Hơn nữa, bên thụ ủy lẽ ra phải can thiệp từ năm 2006, ngay khi có những dấu hiệu bất ổn về hành vi của Lescaudron.
Ông Cavinder Bull - luật sư chính của ông Ivanishvili - cho biết: “Nếu bên thụ ủy điều tra các khoản thanh toán trái phép và giám sát hoạt động ủy thác theo đúng luật pháp, họ đã có thể nhận ra tài sản ủy thác đang bị sử dụng đầu tư bởi người không có thẩm quyền”.
Logo của Credit Suisse tại trụ sở chính ở Zurich (Thụy Sĩ). Ảnh: Arnd Wiegmann. |
Về phía ngược lại, các luật sư của Credit Suisse phản đối rằng theo hợp đồng, bên thụ ủy chỉ có nhiệm vụ quản lý tài khoản ủy thác chứ không có trách nhiệm giám sát dòng tiền gửi đi. Chính vì vậy, ông Ivanishvili và cố vấn của mình mới là những người phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này.
Trả lời câu hỏi của thẩm phán rằng có nên can thiệp vào các khoản thanh toán trái phép của Lescaudron từ năm 2006 hay không, cựu giám đốc quỹ uỷ thác là ông Birri cho rằng không nên. “Chúng tôi không kiểm soát điều đó”, ông Birri nói.
Ông Birri cho biết Credit Suisse không liên hệ với ông Ivanishvili vì công ty tin rằng vị tỷ phú chỉ muốn liên hệ trực tiếp với người quản lý ủy thác của mình. Và theo ông, những khoản thanh toán như của Lescaudron "không phải là điều kỳ lạ" trong số 1.500 tài khoản ủy thác của công ty, chính vì vậy họ mới không chú ý.
Cần một chính sách rõ ràng hơn
Có thể thấy rằng vụ kiện này đã phơi bày ra nhiều mặt trái trong ngành công nghiệp quản lý gia sản.
Trên thực tế, các quỹ ủy thác đã tồn tại hàng thế kỷ và được xem như phương tiện hiệu quả để chuyển giao tài sản qua các thế hệ. Hơn nữa, theo đà phát triển thần tốc của kinh tế thế giới, càng ngày càng nhiều người tìm đến các quỹ này để quản lý tiền bạc của mình.
Chính vì vậy, số lượng các quỹ ủy thác mới thành lập mỗi năm đều tăng lên đáng kể, bất chấp những áp lực và điều kiện khó khăn khi đăng ký kinh doanh. Tại Singapore - một trong những trung tâm tài chính của châu Á - có tới 64 công ty ủy thác được cấp phép hoạt động.
Tuy nhiên, vấn đề còn tồn đọng là hiện các chứng từ ủy thác vẫn có sự mâu thuẫn về giới hạn trách nhiệm. Cụ thể hơn, các chuyên viên quản lý tài sản thường không bị ràng buộc công ty và có thể tự đưa ra quyết định của riêng mình. Do đó, các công ty thụ ủy cũng hay thờ ơ và không kiểm soát các giao dịch của tài khoản ủy thác.
Ngành công nghiệp đầu tư và quản lý tài sản cần những chính sách và điều luật cụ thể hơn. Ảnh: Forbes. |
Điều này đang đi ngược lại với những tiêu chí minh bạch và rõ ràng mà ngành công nghiệp này hướng đến, giáo sư Tang của đại học SMU nhận xét. Vị giáo sư cho rằng các công ty cần có trách nhiệm ngăn chặn khi phát hiện sai phạm nghiêm trọng, hoặc ít nhất là báo cáo cho khách hàng. "Trước những hành vi sai trái, người thụ ủy cần phải can thiệp", ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Tang cũng cho rằng các quốc gia cần xây dựng một bộ chính sách hoàn chỉnh đối với lĩnh vực đầu tư và quản lý tài sản, để tránh những thiệt hại không đáng có.
Hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn, nhưng vụ kiện có thể khiến bên Credit Suisse chịu thiệt hại. Dự kiến phán quyết về vụ việc sẽ được đưa ra vào tháng 1/2023.
Được biết, ngay vào ngày thứ hai sau khi phiên tòa diễn ra, tập đoàn ngân hàng Credit Suisse đã thông báo bán lại mảng kinh doanh ủy thác của mình.