Máy bay 'Made in China' sẽ sớm phá vỡ thế độc quyền của Boeing và Airbus
Theo báo cáo mới của 1 tổ chức nghiên cứu tại Berlin, máy bay chở khách thân hẹp do Trung Quốc tự sản xuất có thể phá vỡ thế độc quyền của Boeing và Airbus tại thị trường nội địa và cả các thị trường khác.
Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Merics) chỉ ra rằng, quy mô thị trường hàng không của quốc gia tỷ dân, chính sách công nghiệp thuận lợi và một lĩnh vực do các doanh nghiệp nhà nước chiếm ưu thế sẽ mang lại cho C919 lợi thế để thúc đẩy “các mục tiêu chiến lược” của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không.
C919 do Tập đoàn Máy bay Thuơng mại Trung Quốc (Comac) chế tạo để cạnh tranh với 737 của Boeing và A320 của Airbus. Hồi tháng 12, chiếc máy bay “made in China” đầu tiên đã được bàn giao cho China Eastern Airlines sau hơn 14 năm phát triển.
Merics cho biết: “Việc C919 gia nhập thị trường mang tính biểu tượng cho sự phát triển công nghệ của Trung Quốc và là sự tự hào của quốc gia này.”
Tổ chức này cho biết thêm: “Không bàn đến những trục trặc cho sản xuất hay các vấn đề an toàn, thị phần nội địa của Comac dường như sẽ tăng ổn định trong một thị trường rộng lớn và nhận được ‘sự bảo trợ’ ngày càng lớn. Công ty này sẽ đạt đến quy mô đủ lớn để dũng cảm bước vào thị trường nước ngoài và cạnh tranh với các thương hiệu trên toàn cầu.”
Trung Quốc có tham vọng mạnh mẽ trong thị trường hàng không thương mại. Chính phủ Trung Quốc cũng đã vạch ra kế hoạch để C919 nắm giữ 10% thị phần nội địa vào năm 2025.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc của Boeing đã gặp khó khăn khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington trở nên căng thẳng. Máy bay 737 Max của hãng chỉ mới được khai thác lại vào tuần trước, khi trước đó đã bị cấm hoạt động tại Trung Quốc hơn 4 năm sau 2 vụ tai nạn nghiêm trọng ở Indonesia và Ethiopia.
Merics cho biết máy bay phản lực thân hẹp là “mẫu cơ bản” đối với các nhà sản xuất máy bay, chiếm khoảng 60% tổng số máy bay được sản xuất.
Tuy nhiên, máy bay 737 của Boeing đã nhận được ít đơn đặt hàng mới ở Trung Quốc hơn so với C919. Máy bay “made in China” chỉ nhận được đơn đặt hàng chủ yếu từ các hãng hàng không và tổ chức tài chính thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc.
Theo Merics, đến cuối năm 2022, Comac đã nhận được 305 đơn đặt hàng với C919 tại Trung Quốc, trong khi Boeing chỉ nhận được 116 đơn cho mẫu 737. Airbus dẫn đầu với 565 đơn đặt hàng cho A320, cho thấy thế độc quyền của các hãng đang bị phá vỡ và gây bất lợi cho Boeing.
Dù được quảng cáo là máy bay chở khách sản xuất trong nước, nhưng động cơ, hệ thống điện tử hàng không, hệ thống điều khiển, thông tin liên lạc và thiết bị hạ cánh của C919 đều do các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu cung cấp. Comac đã nỗ lực thay thế một số bộ phận nhập khẩu được sử dụng cho C919, trong đó có việc tìm kiếm giải pháp thay thế cho động cơ LEAP do CFM International - liên doanh giữa GE Aviation của Mỹ và Safran Aircraft Engines của Pháp, sản xuất.
Merics cho biết thêm, dù có lợi thế lớn ở thị trường nội địa nhưng các hãng hàng không Trung Quốc vẫn quen với việc vận hành các máy bay chở khách của phương Tây, nên việc đưa C919 vào đội bay sẽ là một quá trình kéo dài.
3 hãng hàng không quốc doanh của Trung Quốc - China Southern, Air China, China Eastern, đã đặt tổng cộng 294 đơn đặt hàng cho máy bay A320 của Airbus và 737 của Boieng, nhưng chỉ có 20 đơn cho C919.
Tổ chức nghiên cứu nhận định, nếu C919 có thể hoạt động thuận lợi như dự đoán ở Trung Quốc trong vài năm tới, khu vực cạnh tranh tiếp theo sẽ là ở các thị trường thứ 3 bên ngoài Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Chỉ khi C919 có thể đạt được chỗ đứng ở thị trường quốc tế thì Comac mới thực sự thành công.
Theo Merics, rủi ro cũng là rất lớn, nhưng với những thành công đã đạt được trong chính sách công nghiệp của Trung Quốc ở những lĩnh vực khác, thì Airbus và Boeing nên dè chừng.