Làn sóng phá sản doanh nghiệp đe dọa nền kinh tế Đức
Đức đang phải đối mặt với làn sóng phá sản doanh nghiệp lớn nhất trong 10 năm qua. Giới chuyên gia dự báo làn sóng này sẽ tiếp tục lan rộng và kéo theo những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Báo cáo mới nhất từ công ty phân tích Creditreform cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã có gần 12.000 doanh nghiệp tại Đức tuyên bố phá sản, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 7.000 vụ phá sản. Tiếp đó là ngành bán lẻ (2.220 vụ) và ngành sản xuất (940 vụ). Khoảng 141.000 lao động đã bị mất việc làm. Tổng thiệt hại ước tính 33,4 tỷ euro. Những con số này phản ánh mức độ lan rộng của khủng hoảng trong các lĩnh vực chủ chốt của Đức.
![]() |
Các nhà cung cấp phụ tùng ô tô của Đức điêu đứng trước sức ép chi phí (ảnh minh họa). Ảnh: wsj.com |
Theo RT, kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái trong hai năm liên tiếp và chưa có dấu hiệu phục hồi ổn định. Dù tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý I-2025 tăng 0,2%, các nhà kinh tế cảnh báo con số này không đủ sức xoay chuyển tình hình. Đức hiện đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và nhu cầu xuất khẩu giảm. Với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhu cầu giảm đối với các sản phẩm của Đức là yếu tố quyết định tác động đến kinh tế. Ngoài ra, quốc gia này cũng đang phải đối mặt với cơ sở hạ tầng cũ kỹ, khả năng cạnh tranh chậm chạp trong ngành công nghiệp và công nghệ.
“Dù có một số dấu hiệu khả quan nhưng thực tế, Đức vẫn sa lầy trong cuộc khủng hoảng kinh tế và cơ cấu sâu sắc. Các công ty phải vật lộn với nhu cầu tiêu dùng giảm, chi phí tăng và tình trạng bất ổn kéo dài”, Chuyên gia kinh tế trưởng Patrik-Ludwig Hantzsch của Creditreform cho biết.
Giới chuyên gia dự báo trong 6 tháng tới, số lượng doanh nghiệp phá sản tại Đức có thể sẽ tiếp tục tăng do hiệu ứng dây chuyền trong hệ sinh thái kinh tế. Theo công ty bảo hiểm tín dụng Allianz Trade, số vụ phá sản doanh nghiệp tại Đức dự kiến sẽ tăng 11% lên 24.400 vụ trong năm nay và tăng 3% lên 25.050 vụ trong năm 2026. Làn sóng doanh nghiệp phá sản có thể gây ra những hệ quả lâu dài đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm, ảnh hưởng đến khoảng 210.000 lao động trên khắp nước Đức.
Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi quan hệ với Mỹ-đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong năm 2024-đang bị phủ bóng bởi đe dọa áp thuế mới. Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất tăng thuế nhập khẩu lên 50% với hàng hóa Liên minh châu Âu (EU), bắt đầu từ ngày 1-6. Dù sau đó thời hạn áp thuế đã được lùi đến ngày 9-7 để tạo điều kiện đàm phán giữa hai bên, nhưng cho đến nay, Mỹ và EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào. Do vậy, các mối đe dọa về thuế quan vẫn treo lơ lửng.
Milo Bogaerts, Tổng giám đốc điều hành của công ty bảo hiểm Allianz Trade tại Đức, Áo và Thụy Sĩ nhận định: "Với triển vọng ảm đạm ở cả nền kinh tế Đức cũng như thương mại toàn cầu, cùng nhiều bất ổn do "cơn bão" thuế quan gây ra, chúng tôi dự đoán các vụ phá sản lớn sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2025, khiến nền kinh tế Đức chịu tổn thất đáng kể". Cũng theo ông Bogaerts, những vụ phá sản quy mô lớn có khả năng gây hiệu ứng dây chuyền ảnh hưởng đến các công ty cung cấp, tạo ra những lỗ hổng tài chính lớn và tác động tới chuỗi cung ứng. Nếu xu hướng này tiếp diễn, giới chuyên gia lo ngại làn sóng phá sản tại Đức có thể trở thành dấu hiệu sớm cho một cuộc khủng hoảng lan rộng tại châu Âu.
Jürgen Philippi, một chuyên gia hỗ trợ giải quyết thủ tục cho các vụ phá sản doanh nghiệp cho hay: “Những gì đang diễn ra còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngày càng có nhiều ngành công nghiệp bị ảnh hưởng. Giới chủ doanh nghiệp không còn thiết tha vực dậy công ty bởi thuế quá cao, gánh nặng thủ tục hành chính quá nhiều”.
Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia cho rằng chìa khóa là cải cách thuế và những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. “Cần xem xét mọi biện pháp có thể để giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, giúp họ tăng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế”, Tanja Gönner, Tổng giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) nhận định.
BẢO CHÂU