Kế hoạch xây dựng các nhà máy AI siêu khổng lồ đầy tham vọng của EU
Ủy ban châu ÂU (EC) muốn xây dựng từ 4 đến 5 nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI) siêu khổng lồ có khả năng cạnh tranh với các cơ sở AI của Mỹ hoặc Trung Quốc trong vòng 5-7 năm tới.
Chỉ có 13,5% công ty ở Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng AI. “Đây là một nghịch lý đối với một châu lục có mật độ nhà nghiên cứu AI tính theo bình quân đầu người cao nhất thế giới”, bà Henna Virkkunen, Phó chủ tịch điều hành của EC, cho biết trong buổi trình bày kế hoạch xây dựng các nhà máy AI siêu khổng lồ hôm 9-4 vừa qua.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên được bà Virkkunen chỉ ra là, nhiều nhân tài của EU đang chuyển đến Mỹ, nơi có điều kiện tài chính tốt hơn nhiều, xét về cả mức lương và khả năng huy động vốn trên thị trường cho các công ty khởi nghiệp-những công ty đã thoát khỏi tình trạng khởi nghiệp nhưng vẫn chưa đạt đến trạng thái kỳ lân.
Do vậy, để thu hẹp khoảng cách này, Brussels đang dựa vào 5 trụ cột chiến lược, bắt đầu với xây dựng cơ sở hạ tầng AI khổng lồ. Những nhà máy AI đầu tiên được xây dựng gồm: Nhà máy Lumi AIF ở Phần Lan, Pharos ở Hy Lạp, Mimer ở Thụy Điển, HammersAI ở Đức, Piast AIF ở Poznan (Ba Lan), AIF Austria ở Vienna (Áo), BSC AIF ở Tây Ban Nha, It4lia ở Italy và AI2F ở Bruyères-le-Châtel (Essonne, Pháp).
Liên minh châu Âu muốn xây dựng từ 4 đến 5 nhà máy trí tuệ nhân tạo siêu khổng lồ trong vòng 5-7 năm tới. Ảnh minh họa: Shutterstock |
Nhưng EC đang có suy nghĩ lớn hơn với các nhà máy AI siêu khổng lồ có khả năng cạnh tranh với các cơ sở của Mỹ, chẳng hạn như Colossus của tỷ phú Elon Musk, được trang bị 200.000 GPU (bộ xử lý đồ họa). Tham vọng của EC là huy động 20 tỷ euro để tài trợ cho “từ 4 đến 5 nhà máy AI siêu khổng lồ” và tăng gấp 3 lần công suất của các trung tâm dữ liệu châu Âu này trong vòng 5-7 năm tới.
Theo tính toán của EC, đây là một khoản đầu tư lớn, vì một nhà máy AI thông thường có chi phí khoảng 600 triệu euro, trong khi một nhà máy AI siêu khổng lồ cần từ 3 đến 5 tỷ euro. Một nỗ lực đáng kể, cần sự kết hợp nguồn vốn công và tư, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Đầu tư châu Âu. Dự kiến, đến cuối năm 2025, dưới sự bảo trợ của Mạng lưới siêu máy tính hiệu năng cao (High-Performance Computing - HPC) của châu Âu, EC sẽ phát động lời kêu gọi các tập đoàn công-tư nộp đơn đăng ký tham gia. Ngoài ra, Brussels sẽ ra mắt “Học viện AI” ngay trong tháng 4 và đang tìm cách thu hút nhân tài toàn cầu thông qua các chương trình học bổng và lộ trình nhập cư dễ dàng hơn cho các chuyên gia.
Theo EC, kế hoạch này cũng đơn giản hóa một số chi tiết liên quan đến đạo luật AI được thông qua vào năm 2023, mặc dù luật này vẫn chưa có hiệu lực đầy đủ. Bà Virkkunen cho biết: “Chúng tôi cam kết thực hiện các quy tắc của đạo luật AI. Chúng tôi cũng đang xem xét liệu có thêm gánh nặng hành chính hoặc yêu cầu báo cáo nào mà chúng tôi có thể giảm bớt để giúp doanh nghiệp hoạt động dễ dàng hơn hay không. EC đang xem xét việc thành lập “Văn phòng dịch vụ” để hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc áp dụng các quy tắc của đạo luật AI”.
Tuy nhiên, tham vọng xây dựng các nhà máy AI siêu khổng lồ của EU cũng đối mặt với những thách thức từ lệnh hạn chế xuất khẩu chip AI tiên tiến của Mỹ sang một số nước châu Âu. Thách thức này không phải mới nảy sinh từ thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Donad Trump mà xuất hiện từ thời chính quyền tiền nhiệm Joe Biden.
Thêm nữa, kế hoạch của châu Âu được đưa ra vào thời điểm quan trọng. Đối mặt với OpenAI, Anthropic, Google hay Baidu, liệu châu Âu vẫn có thể bắt kịp xu hướng AI tạo sinh không? Câu trả lời có lẽ nằm ở cách tiếp cận theo ngành được Brussels lựa chọn, tập trung vào các lĩnh vực mà ngành công nghiệp châu Âu đang phát triển vượt trội như ô tô, dược phẩm, năng lượng và y tế.
Cựu Thủ tướng Italy đồng thời là cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi khuyến nghị, để thực hiện kế hoạch đầy tham vọng trên, EU cần cải cách tài chính đổi mới sáng tạo để tạo điều kiện tiếp cận vốn đầu tư mạo hiểm, quy định cân bằng không cản trở đổi mới sáng tạo và các chính sách đầy tham vọng để thu hút, giữ chân nhân tài AI. Công thức “bây giờ hoặc không bao giờ” của ông Draghi tóm tắt tính cấp bách của tình hình đối với EU trước cuộc cách mạng AI.
BÌNH NGUYÊN