Giới khoa học Trung Quốc sáng chế "chó robot cầm súng": Chê người Mỹ giờ vẫn chưa biết cách làm
Theo các nhà khoa học Trung Quốc, vũ khí này rất tiềm năng nhưng Mỹ đang có cách làm sai lầm vì không hiểu đầy đủ về hoạt động bên trong của chúng.
Chó robot thiện xạ
Quân đoàn chó robot đang được Trung Quốc sản xuất, trong đó các cỗ máy bốn chân được sử dụng làm thú cưng mới lạ hoặc thực hiện các nhiệm vụ cơ bản như mang đĩa cho vận động viên điền kinh. Nhưng công dụng của chúng không chỉ có thế.
Theo SCMP, đoạn phim do quân đội Trung Quốc công bố trên truyền thông trong những năm gần đây cho thấy một số chú chó này còn được trang bị vũ khí và đưa vào các cuộc tập trận quân sự trực tiếp.
Giới phê bình nhận định video chỉ mang tính chất quảng bá, cho rằng cấu trúc nhỏ bé của robot khiến chúng không phù hợp để xử lý độ giật của súng tiêu chuẩn, chứ đừng nói đến việc bắn với tốc độ và độ chính xác của một người lính đã được huấn luyện.
Tuy nhiên, những người khác nhìn thấy tiềm năng to lớn trong công nghệ mới nổi và cho rằng thứ này có thể cách mạng hóa tác chiến trong tương lai.
Nghiên cứu "chứng minh tính khả thi của một nền tảng tấn công có chân" do nhà khoa học Xu Cheng và nhóm của ông viết trên Tạp chí Kỹ thuật Trung Quốc vào tháng trước, chỉ ra rằng quân đội Mỹ đã không sử dụng những chó robot theo cách tốt nhất để phát huy hết tiềm năng của chúng trong trận chiến.
Là một phần trong nghiên cứu, nhóm của Xu đã lắp súng máy 7,62mm vào một con chó robot. Khẩu súng có khả năng bắn 750 viên đạn mỗi phút, mặc dù mẫu mã không được chỉ rõ. Vũ khí này còn có kính ngắm quang điện tử, giá đỡ giảm chấn và hệ thống nạp đạn tự động.
Sau đó, con chó robot bắn 10 phát đạn vào mục tiêu có kích thước bằng con người đứng cách đó 100 mét. Sau nhiều đợt bắn, khoảng cách tối đa giữa tâm mục tiêu và năm lỗ đạn gần nhất được đo là khoảng 5cm.
Nói cách khác, nếu robot nhắm vào ngực của một người, hầu hết các viên đạn sẽ rơi vào vùng tim, một thành tích rất khó đối với súng máy vốn được biết đến với hỏa lực áp chế hơn là độ chính xác.
Để so sánh, súng trường tấn công M16, được biết đến với độ chính xác, có bán kính phân tán là 12 cm ở khoảng cách 100 mét. Những tay thiện xạ lành nghề có thể giảm một nửa con số đó.
Theo các nhà nghiên cứu, công nghệ này có thể có tác động đáng kể đến tương lai của chiến tranh. Xu cho rằng tác chiến đô thị, bao gồm các hoạt động chống khủng bố, nhiệm vụ giải cứu con tin cũng như việc giải phóng đường phố và các tòa nhà, với các mê lộ phức tạp khiến các thiết kế bánh xích truyền thống trở nên không phù hợp.
Các nền tảng bốn chân, dựa trên nguyên tắc sinh học, có thể sử dụng các điểm hỗ trợ mặt đất độc lập để nâng cao tính cơ động và khả năng thích ứng trong môi trường chiến đấu đô thị.
Các quốc gia khác cũng đã thử sử dụng chó robot trong chiến đấu. Ngay từ năm 2015, Boston Dynamics đã phát triển một robot bốn chân khổng lồ cho quân đội Mỹ. Tuy nhiên, do tiếng ồn quá lớn và những hạn chế khác, công nghệ này chưa bao giờ vượt quá giai đoạn thử nghiệm.
Vào năm 2020, Boston Dynamics giới thiệu Spot, một mẫu chó robot dân dụng có giá từ 70.000 USD đến 140.000 USD.
Trong khi đó ở Trung Quốc, ban đầu chó robot của nước này tụt hậu so với các đối thủ Mỹ về tiến bộ công nghệ. Nhưng khoảng cách đó đã thu hẹp đáng kể trong những năm gần đây.
Chó robot Trung Quốc giờ đây có thể di chuyển trên cầu thang, thực hiện các động tác nhào lộn như lộn ngược, vượt qua bãi rác hoặc rừng mưa nhiệt đới và duy trì hoạt động chạy liên tục trong gần 4 giờ đồng hồ khi mang vật nặng 20kg.
Ngoài ra, nhờ ngành công nghiệp điện tử đang phát triển và chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh của Trung Quốc, giá một con chó robot của Trung Quốc đã giảm mạnh xuống mức 3.000 USD - thấp hơn cả mức giá 4.000 USD cho một bộ pin của mẫu Spot.
Nhưng điều này không có nghĩa là chó robot Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu ngay khi ra khỏi nhà máy. Từ những bức ảnh được công bố rộng rãi, quân đội Mỹ thường chỉ đơn giản là đeo vũ khí lên chó robot để thử nghiệm.
Theo các nhà khoa học Trung Quốc, cách làm này là sai lầm.
Trong bài báo, nhóm của Xu đã trình bày chi tiết về một giá treo vũ khí có cấu trúc đơn giản, tiết kiệm chi phí và có chức năng nâng cao dành cho chó robot. Giá đỡ này là điều bắt buộc vì nó cho phép súng máy hướng tự do trên lưng chó đồng thời hấp thụ độ giật một cách hiệu quả khi bắn liên tục.
Ngoài ra, vì quân đội Mỹ mua chó robot từ nước ngoài nên họ có thể không hiểu đầy đủ về hoạt động bên trong của chúng.
Tại Trung Quốc, với sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến và ngành công nghiệp máy bay không người lái, những vấn đề đầy thách thức này đã được giải quyết.
Tuy nhiên, một nhà khoa học trí tuệ nhân tạo tại Bắc Kinh cho biết thách thức lớn nhất trong việc triển khai chó robot tham gia chiến đấu không nằm ở công nghệ mà nằm ở đạo đức.
Nhà nghiên cứu giấu tên nói rằng, khi công nghệ AI phát triển nhanh chóng, khả năng hiểu thế giới và đưa ra quyết định của chó robot sẽ tăng lên lên, có khả năng vượt qua các ranh giới đạo đức.
"Chúng sẽ sớm đạt đến mức có thể độc lập quyết định xem con người là bạn hay kẻ thù. Thế lưỡng nan lúc ấy sẽ là quyết định có nên bóp cò hay không", người này nói.