Châu Âu “mệt mỏi” khi hạn hán đến sớm
Năm 2023, châu Âu đã khủng hoảng vì nạn hạn hán. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thoát khỏi cảnh khô hạn khi mực nước ở nhiều dòng sông đã xuống mức báo động.
Quân đội Italy gỡ một quả bom sót lại từ Thế chiến thứ hai được phát hiện khi sông Po cạn nước (vùng Borgo Virgilio). Ảnh: Flavio Lo Scalzo/Reuters.
Trong số các quốc gia châu Âu, hiện Italy đã đối mặt với tình trạng hạn hạn do thiếu mưa ở nhiều vùng trên khắp đất nước. Thiếu mưa khiến mực nước hồ chứa ở vùng Sicily giảm 23% so với mức trung bình ghi nhận trong 14 năm qua. Từ đầu tháng 2, chính quyền vùng này đã ban bố tình trạng thảm họa thiên nhiên do hạn hán.
Hạn hán khiến ô nhiễm gia tăng
Thiếu mưa đã ảnh hưởng lớn tới việc cung cấp nước cho các vườn nho, làm giảm đáng kể sản lượng rượu vang ở vùng Piedmont. Chính quyền vùng Piedmont ở (phía Tây Bắc Italy) đã đề nghị Bộ Nông nghiệp nước này tuyên bố tình trạng thảm họa thiên nhiên đối với tình trạng hạn hán trong vùng.
Thiếu mưa cũng làm tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn, do bụi không được rửa trôi một cách tự nhiên. Toàn vùng công nghiệp ở miền Bắc Italy đã từng ghi nhận tình trạng ô nhiễm hạt ở mức cao gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân. Giới chức địa phương đã phải yêu cầu các loại xe ô tô có lượng phát thải lớn gây ô nhiễm môi trường không được phép hoạt động tại thành phố Milan và 8 thành phố khác ở vùng Lombardy.
Ô nhiễm hạt ở mức cao cũng đã xảy ra tại thủ đô Rome. Còn ở miền Nam, vùng Puglia và Basilicata đối mặt với tình trạng thiếu mưa.
Đáng chú ý, lượng tuyết rơi ở cả dãy núi Alps và Apennines đều giảm. Theo tổ chức nghiên cứu về môi trường CIMA Research Foundation, tháng 2/2024, lượng nước được giải phóng khi băng tuyết tan chảy ở Italy giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, chính quyền nhiều nơi ở lưu vực sông Po cũng đã cảnh báo áp lực ngày càng tăng do hạn hán có thể sẽ kéo dài. Đặc biệt, sông Po ở vùng Piedmont và Lombardy đã cạn dòng. Liên đoàn các công ty nước, môi trường, năng lượng và khí đốt Italy (Utilitalia) dự báo 19 thành phố vùng Piedmont sẽ phải đối mặt với mức độ thiếu nước, tương tự như cao điểm hạn hán năm 2023. Còn theo Hội đồng Nghiên cứu quốc gia (CNR) Italy, lượng mưa ở miền Bắc nước này có thể giảm 40% trong năm nay (so với trung bình nhiều năm).
Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng Italy Luca Mercalli cho biết, không có gì thay đổi kể từ năm 2022. Nước sông Po vẫn cạn và đó là điều rất nguy hiểm.
Để ứng phó, Chính phủ Italy phải thành lập lực lượng đặc nhiệm trực thuộc Văn phòng Thủ tướng để giám sát việc soạn thảo kế hoạch hành động nhằm giải quyết các tác động của tình trạng hạn hán nghiêm trọng.
Nước sông Rhine ngày một xuống thấp
Không riêng gì Italy, tại thời điểm này nhiều quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với hạn hán do ít mưa và lượng nước bổ sung từ băng tuyết tan giảm sút. Đáng kể nhất là tuyến thương mại thủy nội địa quan trọng bậc nhất của châu Âu - sông Rhine bị đe dọa.
Sông Rhine dài khoảng 1.300km từ dãy Alps của Thụy Sĩ qua một số khu công nghiệp quan trọng nhất ở Áo, Pháp, Đức, Thụy Sĩ… trước khi đổ ra Biển Bắc gần Rotterdam (Hà Lan). Điều đó buộc các nhà khai thác vận tải hàng hóa phải đại tu đội tàu với sà lan có thể di chuyển trong vùng nước nông; chi phí ước tính lên tới 90 tỷ euro.
Đặc biệt với Đức - nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu, việc sông Rhine cạn nước thực sự là mối đe dọa lớn. Hiện thời mực nước sông Rhine tại Kaub (phía Tây Frankfurt) đã giảm xuống thấp, nhiều tàu hàng hiện giờ chỉ có thể chở được một nửa trọng tải thông thường. Theo giám đốc cảng Rhine, mực nước cứ giảm 10cm thì năng lực vận tải của tàu giảm đi 100 tấn.
Theo Deutsche Bank, mực nước sông Rhine xuống thấp trong thời gian dài có thể làm chậm quá trình phục hồi kinh tế Đức sau suy thoái. Vì lý do an toàn, sông Rhine cần có độ sâu ít nhất 1,32m để các tàu chở hàng đầy tải có thể di chuyển. Tuy nhiên, mực nước đã rơi xuống dưới 1m.
Trong khi đó, Viện Kinh tế Kiel cho biết, nếu mực nước của sông Rhine duy trì ở mức dưới 0,78m trong 30 ngày liên tiếp thì sản xuất công nghiệp của Đức sẽ giảm 1%. Trong trường hợp đó, ngành vận tải biển Đức sẽ phải sửa đổi giới hạn về mớn nước của tàu.
"Trong vài năm qua, chúng tôi nhận thấy khoảng cách giữa các lần mực nước sông Rhine xuống thấp đang ngắn lại. Chính phủ phải có biện pháp giải quyết vấn đề này vì sông Rhine là tuyến đường thủy quan trọng” - ông Roberto Spranzi (Viện Kinh tế Kiel) nhận định.
Điều rất đáng lo ngại khi Cục Quản lý vận tải và đường thủy Liên bang Đức đưa ra dự báo, mực nước sông Rhine sẽ tiếp tục giảm, khiến cho kinh tế Đức càng chậm phục hồi sau suy thoái.
“Theo Đài Quan sát hạn hán toàn cầu của Liên minh châu Âu (EU - GDO), ước tính 17% khu vực châu Âu nằm trong danh mục hạn hán báo động đỏ. Kể từ năm 2022, tình trạng hạn hán ở châu Âu ngày một nghiêm trọng. Hạn hán ở châu Âu thường diễn ra từ tháng 5 tới tháng 8, nhưng năm 2024 nó đã xuất hiện ngay từ giữa tháng 2. Nguy cơ hạn hán ngày càng gia tăng đối với nhiều vùng các quốc gia EU, gồm Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Ireland, Luxembourg, Romania và Hungary; cũng như các nước không thuộc EU như Anh, Serbia, Ukraine và Moldova.