Động đất hủy diệt và một loạt dư chấn cực mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ có phải là bất thường không?
Hai trận động đất kỷ lục, giữa đó là hàng chục dư chấn cực mạnh, đã tàn phá nhiều tỉnh thành ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các trang tin ở nước này cho rằng, số người thiệt mạng có thể lên tới 10.000, vì hiện giờ còn rất nhiều người đang mắc kẹt trong các đống đổ nát. Vậy tại sao lại có động đất mạnh đến vậy ở Thổ Nhĩ Kỳ, và việc dư chấn mà cũng mạnh đến 6,7 độ Richter có phải là bất thường hay không?
Trận động đất 7,8 độ Richter xảy ra vào sáng ngày 6/2 khiến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria rung chuyển. Nhiều dư chấn liên tiếp diễn ra sau đó, dư chấn mạnh nhất thậm chí mạnh gần bằng trận động đất chính. Vẫn chưa hết, đến chiều tối, một trận động đất nữa - có nguồn tin gọi là trận động đất thứ hai, có nguồn tin gọi là dư chấn - mạnh 7,5 độ Richter lại xảy ra.
Tại sao lại có động đất mạnh như vậy ở Thổ Nhĩ Kỳ, và những dư chấn cũng cực mạnh như vậy là bình thường hay bất thường?
Phần lớn đất nước Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên một mảng kiến tạo nhỏ, kẹp giữa hai mảng lớn đang từ từ “đụng độ”: Mảng Á - Âu rất rộng ở phía Bắc và mảng Ả Rập ở phía Nam. Khi hai mảng đó tiến về phía nhau, Thổ Nhĩ Kỳ bị “ép” lại, và nhà nghiên cứu địa chấn học Susan Hough của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) miêu tả là “như một hạt dưa hấu bị ép vỡ giữa hai ngón tay".
Toàn bộ đất nước Thổ Nhĩ Kỳ được bao quanh bởi các đứt gãy, nên đất nước này dễ có động đất. Dù vậy, trận động đất ngày 6/2 vừa rồi vẫn là trận mạnh nhất xảy ra ở đây kể từ năm 1939. Hồi ấy, một trận động đất 7,8 độ Richter đã khiến 30.000 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, bà Hough cũng cho rằng, động đất có cường độ gần 8 là không phổ biến ở đất nước có các đứt gãy kiểu như Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng vì động đất xảy ra trên đất liền, lại không sâu, nên sẽ gây rung lắc mạnh.
Khi được hỏi về những dư chấn mạnh gần ngang với trận động đất chính, bà Hough nói với trang Science News : “Như với rất nhiều việc khác, có điều được kỳ vọng ở mức trung bình, và có những điều có thể xảy ra. Trung bình thì những dư chấn lớn nhất cũng nhẹ hơn khá nhiều so với trận động đất chính. Nhưng đó là mức trung bình thôi. Chứ với bất kỳ trận động đất nào thì dư chấn cũng có thể rất đa dạng”.
Cũng có nhiều người thắc mắc về khoảng cách, khi mà một số dư chấn cách tâm chấn của trận động đất chính hơn 100km. Bà Hough giải thích: “Ngay cả các nhà địa chấn học cũng không phải luôn nắm rõ thế nào là dư chấn. Đứt gãy gây ra trận động đất chính dài đến 200km, nên nó sẽ thay đổi sức ép ở rất nhiều khu vực. Vì vậy, có thể xảy ra dư chấn dọc theo đứt gãy đó và một số dư chấn ở xa hơn. Điều này thật ra là hơi khác thường, nhưng không phải chưa từng được biết đến”.
Hiện các đội cứu hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước châu Âu đến hỗ trợ đang chạy đua với thời gian để cố gắng tìm kiếm các nạn nhân.