Đối phó vấn nạn cướp biển ở khu vực Ấn Độ Dương
Ranh giới trên biển giữa các quốc gia thường kéo dài và khó giám sát, khiến khu vực này trở thành môi trường tiềm năng cho hoạt động tội phạm xuyên biên giới.
Theo Modern Diplomacy, nhiều điểm nghẽn hàng hải quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương nằm gần các khu vực bất ổn về chính trị. Điều này dẫn đến sự lan rộng các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như cướp biển, buôn người, buôn ma túy, mua bán vũ khí bất hợp pháp và khủng bố hàng hải. Các mối đe dọa an ninh này có liên quan với nhau và trở thành vấn đề nổi cộm ở khu vực Biển Đỏ và Sừng châu Phi.
Tại Ấn Độ Dương, đặc biệt là gần vùng Sừng châu Phi, cướp biển gây ra mối đe dọa lớn đối với thương mại hàng hải khu vực. Chúng thường xuất phát từ bờ biển Somalia và nhắm vào các tàu thương mại. Cách thức của chúng là sử dụng thuyền nhỏ, cơ động nhanh để áp sát các tàu lớn, khống chế thủy thủ đoàn làm con tin rồi đòi tiền chuộc. Cướp biển hoành hành buộc các công ty vận tải hàng hải phải triển khai nhiều biện pháp an ninh, hoặc thay đổi hải trình sang các tuyến đường dài hơn, khiến chi phí vận tải tăng cao. Mối đe dọa từ cướp biển đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến vận tải hàng hải từ Ấn Độ Dương qua Biển Đỏ đến Địa Trung Hải.
Tàu tuần tra xa bờ PNS Tabuk của Hải quân Pakistan. Ảnh: militaryleak.com |
Để đối phó vấn nạn này, các quốc gia đã thực hiện nhiều chương trình phối hợp nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động vận tải hàng hải toàn cầu, trong đó có việc thành lập Lực lượng đặc nhiệm liên hợp 151 (CTF-151). CTF-151 đã hoạt động hiệu quả ở vùng vịnh Aden và ngoài khơi bờ biển Somalia, giúp ngăn chặn, phá vỡ và trấn áp nạn cướp biển trong khu vực, góp phần bảo đảm an toàn cho giao thông hàng hải và bảo vệ các tuyến vận tải biển quan trọng.
CTF-151 hiện có sự tham gia của các lực lượng từ 15 quốc gia, bao gồm: Bahrain, Brazil, Đan Mạch, Nhật Bản, Jordan, Kuwait, Pakistan, Philippines, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ. Việc triển khai thành công các lực lượng đặc nhiệm hải quân và tăng cường các biện pháp an ninh của ngành vận tải biển đã góp phần giảm thiểu số vụ tấn công của cướp biển trong thời gian qua.
Modern Diplomacy dẫn số liệu cho hay, trên toàn cầu, số vụ cướp biển tấn công đã giảm dần từ 445 vụ xuống còn 115 vụ trong giai đoạn 2010-2022. Năm 2023, có 120 vụ được ghi nhận. Năm 2024, có 103 vụ cướp biển tấn công được báo cáo trên toàn thế giới, trong đó khu vực Ấn Độ Dương chỉ ghi nhận 8 vụ. Sự cải thiện đáng kể trong hoạt động phối hợp chống cướp biển là cơ sở để ngành vận tải biển thế giới đưa khu vực Ấn Độ Dương ra khỏi danh sách khu vực rủi ro hàng hải cao.
Đóng góp vào những nỗ lực chung phải kể đến sự tham gia tích cực của Hải quân Pakistan (PN). Với đường bờ biển dài 1.046km dọc theo biển Arab, có vị trí địa lý gần vịnh Ba Tư, Pakistan có tầm quan trọng đặc biệt trong vận tải hàng hải quốc tế. Quốc gia Nam Á này cũng phụ thuộc vào thương mại hàng hải, với 95% lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của nước này được thực hiện qua đường biển. Điều đó lý giải vì sao Pakistan là một trong những thành viên hoạt động tích cực trong CTF-151. Để hoàn thành tốt hơn các nghĩa vụ an ninh của mình, PN đã bổ sung vào biên chế 4 tàu tuần tra xa bờ (OPV). Các OPV cỡ trung này được trang bị cả máy bay không người lái (UAV), trực thăng và nhiều hệ thống vũ khí, chi phí vận hành thấp nên có thể tuần tra thường xuyên trên biển. Các OPV của Pakistan cũng được thiết kế để hỗ trợ tên lửa hành trình chống hạm, khiến chúng có chức năng như những tàu hộ tống và phù hợp với các nhiệm vụ ứng phó các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Thực tế cho thấy, sự tham gia chủ động cũng như sự phối hợp hiệu quả giữa lực lượng hải quân các nước trong khu vực giúp bảo vệ những tuyến vận tải biển quan trọng khỏi các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, mặt khác, góp phần củng cố quan hệ hợp tác giữa hải quân các nước trong và ngoài khu vực.
HÀ PHƯƠNG