Đằng sau cuộc hội đàm giữa ông Tập Cận Bình và ông Macron ở Quảng Châu
Hiếm khi ông Tập gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước ngoài bên ngoài thủ đô Bắc Kinh. Do đó, cuộc hội đàm không chính thức với ông Macron ở Quảng Châu có ý nghĩa nhất định.
Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày vào ngày 7/4, chính phủ hai nước đã đưa ra một tuyên bố chung ủng hộ các nỗ lực hòa bình và phản đối các cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân ở Ukraine.
Tuyên bố cho biết, Trung Quốc và Pháp “ủng hộ mọi nỗ lực khôi phục hòa bình ở Ukraine trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc”.
Hai bên tán thành các nỗ lực của cơ quan hạt nhân Liên Hợp Quốc (IAEA) nhằm thúc đẩy an ninh của “các cơ sở hạt nhân hòa bình”, bao gồm cả nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine, nơi đã nhiều lần bị pháo kích trong cuộc chiến kéo dài hơn một năm qua.
Tuyên bố do chính phủ Pháp đưa ra kêu gọi “tất cả các bên trong cuộc xung đột tuân thủ nghiêm ngặt luật nhân đạo quốc tế” và “cung cấp khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo an toàn, nhanh chóng và không bị cản trở”.
Quan tâm phát triển quan hệ với Pháp
Ông Macron và ông Tập đã đến thăm thành phố Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc hôm 7/4, chuyển sự chú ý sang các mối quan hệ kinh tế của hai nước.
Hai bên đồng ý nối lại các cuộc đàm phán cấp cao về chiến lược, kinh tế và văn hóa trong năm nay, đồng thời tăng cường hợp tác để đối phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có cuộc khủng hoảng Ukraine.
Rất hiếm khi ông Tập gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước ngoài bên ngoài thủ đô Bắc Kinh. Do đó, cuộc hội đàm không chính thức ở Quảng Châu nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm của ông Macron trong bối cảnh quan hệ của Trung Quốc với Mỹ ngày càng xấu đi. Những căng thẳng đó đã gia tăng trong tuần này khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy ở California hôm 5/4.
“Việc ông Tập đến Quảng Châu để gặp ông Macron một lần nữa cho thấy Trung Quốc rất quan tâm đến việc phát triển mối quan hệ hợp tác và ổn định với Pháp”, ông Li Mingjiang, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết.
“Bắc Kinh hy vọng rằng ông Macron cũng có thể đóng một vai trò trong việc ổn định quan hệ EU-Trung Quốc”, ông Li nói thêm. “Đây là một mục tiêu ngoại giao rất quan trọng đối với Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ với Mỹ ngày càng xấu đi và những nỗ lực của Washington trong việc tập hợp các đồng minh và đối tác chống lại Trung Quốc”.
Nhưng cuộc “tấn công quyến rũ” của Trung Quốc chỉ có giới hạn. Trong cuộc hội đàm chính thức hôm 6/4, nhà lãnh đạo Trung Quốc không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy rằng ông sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi của ông Macron nhằm “thức tỉnh Nga và đưa mọi người trở lại bàn đàm phán” về vấn đề Ukraine.
Thay vào đó, ông Tập cho biết ông sẵn sàng đưa ra lời kêu gọi chung với ông Macron về một giải pháp chính trị ở Ukraine đáp ứng “mối quan tâm an ninh hợp pháp của tất cả các bên” – ngôn ngữ lặp lại lập luận của Bắc Kinh và Moscow rằng việc NATO mở rộng vào Đông Âu là nguồn cơn của cuộc xung đột.
Đề phòng kịch bản xấu
Ông Tập cũng cho biết ông sẵn sàng nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi “có điều kiện và thời điểm thích hợp”, theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người đi cùng ông Macron tới Bắc Kinh.
Bà von der Leyen, người đã kết thúc chuyến thăm hôm 6/4, được đón tiếp lạnh lùng hơn ông Macron vì quan điểm “diều hâu” hơn của bà đối với Trung Quốc, được nhấn mạnh trong một bài phát biểu hồi cuối tháng 3, trong đó bà von der Leyen kêu gọi các nước EU “giảm thiểu rủi ro” do phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Trong cuộc hội đàm hôm 6/4, bà von der Leyen nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng mặc dù bà không coi việc tách khỏi Trung Quốc là một chiến lược khả thi hoặc đáng mong đợi đối với EU, nhưng “đồng thời, tôi có thể thấy một số rủi ro mà châu Âu nên giải quyết”.
Trong một lời quở trách rõ ràng, ông Tập nói với bà von der Leyen rằng EU nên “tránh hiểu lầm và đánh giá sai”, theo nội dung cuộc họp của hai nhà lãnh đạo.
Trung Quốc đang hy vọng sẽ tách châu Âu và Mỹ ra bằng cách “quyến rũ” các nhà lãnh đạo châu Âu như ông Macron – những người ủng hộ sự tự chủ cao hơn trong chính sách đối ngoại. Nỗi sợ hãi của Bắc Kinh là châu Âu có thể áp đặt các hạn chế thương mại và đầu tư đối với Trung Quốc giống như những hạn chế do Mỹ áp đặt.
Để ngăn chặn kịch bản đó, Trung Quốc đang tìm cách khai thác sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu về cách đối phó với Bắc Kinh, tập trung sự chú ý vào các quốc gia như Pháp và Đức, những quốc gia có hành lang kinh doanh mạnh mẽ muốn tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc.
Ông Tập, trong một bài phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-Pháp hôm 6/4, đã kêu gọi các công ty Pháp tăng cường sự hiện diện của họ ở đất nước ông và cảnh báo chống lại việc “tách rời”, khi Washington kêu gọi chính sách rút chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro an ninh mà họ cảm nhận thấy.