Chính sách mới đe doạ lợi nhuận của các hãng giao đồ ăn Trung Quốc
Yêu cầu giảm phí dịch vụ đối với nhà hàng nhiều khả năng sẽ đánh mạnh vào mô hình tăng trưởng của các nền tảng giao đồ ăn lớn tại Trung Quốc như Meituan và Ele.me.
Vào ngày 18/2 vừa qua, một nhóm các cơ quan quản lý Trung Quốc do Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) chủ trì đã ra thông báo yêu cầu các nền tảng giao đồ ăn tiếp tục giảm phí dịch vụ đối với nhà hàng nhằm hạ chi phí vận hành cho các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống (F&B). Đề xuất này được đưa ra nhằm “giúp các ngành dịch vụ đang vật lộn có cơ hội hồi phục”.
Tin tức này đã khiến giá cổ phiếu của Meituan giảm hơn 15% và xóa hơn 25 tỷ USD khỏi vốn hóa thị trường của công ty này. Phí dịch vụ từ các nhà hàng chiếm khoảng 60% doanh thu của Meituan trong quý 3/2021. Cổ phiếu của Alibaba - chủ sở hữu nền tảng cạnh tranh với Meituan là Ele.me - cũng giảm khoảng 4%.
Từ năm 2016 đến năm 2020, số người đặt giao đồ ăn online tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi lên mức 400 triệu người. Sự bùng nổ này diễn ra một phần nhờ chính sách hỗ trợ của các doanh nghiệp giao đồ ăn đối với khách hàng và nhà hàng. Tuy nhiên, khi hai công ty Meituan và Ele.me dần giành vị thế thống trị thị trường này, họ bắt đầu tăng phí đánh vào nhà hàng.
Yêu cầu giảm phí dịch vụ đối với nhà hàng từ cơ quan quản lý sẽ nối dài danh sách thách thức đối với lợi nhuận của các công ty giao đồ ăn. Năm 2020, một bài báo đã hé lộ môi trường làm việc đầy căng thẳng và áp lực đến mức gây nguy hiểm cho lái xe giao đồ ăn được lan truyền rộng rãi trên Internet tại Trung Quốc. Cụ thể hơn, thuật toán của các công ty nhắm đến việc tối đa hóa hiệu quả giao hàng, nhưng không tính đến khả năng của con người và tình trạng giao thông; điều này dẫn đến việc nhiều lái xe thường xuyên phải vượt đèn đỏ để hoàn thành định mức công việc.
Kể từ đó, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu các công ty ứng dụng giao đồ ăn cải thiện mức độ an toàn cho lái xe trong khi làm việc. Meituan và Alibaba bắt đầu giao cho lái xe mũ bảo hiểm có chức năng ra lệnh bằng giọng nói để tránh phải nhìn vào điện thoại khi đi trên đường, đồng thời nâng giới hạn thời gian giao hàng. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa là đủ, và việc cân bằng giữa sự an toàn và thoải mái của lái xe với lợi nhuận từ hoạt động giao hàng vẫn là thách thức đối với các nền tảng này.
Để tiếp tục tăng trưởng, Meituan đang hướng tới việc giảm phụ thuộc vào lao động là con người. Giữa năm 2021, công ty này đã cho ra mắt một đội máy bay không người lái (drone) giao đồ ăn và thử nghiệm quy mô nhỏ mô hình này tại một số thành phố. Tuy độ hiệu quả về về kinh tế của việc giao đồ ăn bằng máy bay chưa được chứng minh, việc hướng đến tự động hóa có thể sẽ trở thành một cách để những công ty cung cấp dịch vụ theo yêu cầu như Meituan giảm chi phí và tăng độ an toàn cho con người trong tương lai.
Tùng Phong (Theo TechCrunch)