Các trung tâm thương mại ở Trung Quốc có những thứ như phim viễn tưởng
Từ xếp hàng, đỗ xe đến trang điểm, người tiêu dùng tại nhiều trung tâm thương mại ở Trung Quốc đều được hỗ trợ bởi robot và các công nghệ tiên tiến.
Các nhà hàng đã sử dụng robot hướng dẫn thực khách xếp hàng và dẫn đường. Tại bãi đỗ xe, ứng dụng mini (dung lượng nhỏ chạy bên trong một ứng dụng khác) của WeChat cung cấp dịch vụ đỗ xe thông minh, giúp giảm tình trạng ùn tắc tại cửa ra vào. Người dùng có thể biết được thời gian miễn phí và trả phí đỗ xe qua ứng dụng này.
Còn tại một cửa hàng làm đẹp trong trung tâm, khách hàng có thể thử đồ trang điểm trước những chiếc gương được hỗ trợ công nghệ thực tế tăng cường, hiển thị hình ảnh trước và sau khi trang điểm để giúp khách hàng dễ lựa chọn sản phẩm hơn.
Những trung tâm như Sanlitun đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của thành các thành phố ở Trung Quốc. Hàng loạt trung tâm thương mại truyền thống tại đất nước tỷ dân đã bắt đầu áp dụng nhiều công nghệ như 5G, IoT (Internet vạn vật), Big data (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo), điện toán đám mây và thực tế ảo để chuyển đổi thành trung tâm mua sắm thông minh, nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng.
Một thống kê cho thấy lưu lượng khách hàng đến những trung tâm như vậy đã tăng đáng kể. Các thiết bị gia dụng xanh và thông minh rất được ưa chuộng. Đặc biệt, doanh số bán robot, máy giặt sấy thông minh đa năng và tủ lạnh tiết kiệm năng lượng tăng lần lượt 165%, 118% và 73% so với cùng kỳ năm ngoái.
Li Li – một người tiêu dùng tại JD Mall (tỉnh Thiểm Tây), cho biết: "Tôi cùng con đến đây để trải nghiệm màn hình 3D bằng mắt thường trong trung tâm thương mại. Cảm giác như chúng tôi đang ở trong thế giới khoa học viễn tưởng. Đây là khu phức hợp do gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc JD.com điều hành, tập trung vào việc cung cấp trải nghiệm mua sắm đa kênh cho khách hàng.
Bức tường bên ngoài của trung tâm mua sắm có màn hình 3D khổng lồ, hiển thị hình ảnh chân thực, sống động. Tại các cửa hàng, máy chiếu ba chiều, thiết bị thực tế ảo, robot thông minh, phòng livestream cũng như các công nghệ cao khác được trang bị đầy đủ để thu hút người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí thông qua chuyển đổi kỹ thuật số cũng là yếu tố quan trọng trong xây dựng trung tâm mua sắm thông minh. Tại Raffles City - trung tâm mua sắm ở thành phố Trùng Khánh, việc triển khai các hệ thống vận hành và bảo trì thông minh như kiểm soát năng lượng thông minh, giám sát môi trường và giám sát quản lý năng lượng đã giúp giảm đáng kể chi phí quản lý đồng thời nâng cao hiệu quả của trung tâm.
Một giám đốc cho biết: “Hệ thống điều hòa không khí và chiếu sáng thông minh giúp chúng tôi tiết kiệm khoảng 30% năng lượng tiêu thụ”. Trung tâm cũng đã xây dựng hệ thống phân tích lưu lượng hành khách và quản lý thành viên. Bằng cách lập hồ sơ và phân loại hành vi của người tiêu dùng, nơi này hiện quản lý hàng trăm nghìn thành viên thông qua số hóa.
Một chuyên gia nhận định rằng bằng cách tập trung vào nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng và cá nhân hóa thông qua công nghệ mới, các trung tâm mua sắm sẽ thành công trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi phí.