Ba Lan kêu gọi EU chịu trách nhiệm lớn hơn về an ninh của khối
Ba Lan cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần chịu trách nhiệm lớn hơn về an ninh của chính mình bằng việc chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng "nhiều hơn và hiệu quả hơn".
Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Andrzej Domański đã tuyên bố như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn được tờ Financial Times đăng tải ngày 20-3. Theo ông Andrzej Domański, tuyên bố nói trên là "rõ như ban ngày". Ba Lan hiện đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU và sẽ chủ trì cuộc gặp không chính thức giữa bộ trưởng tài chính các nước EU tại Warsaw vào tháng 4 năm nay. Ông Andrzej Domański cho biết chi tiêu quốc phòng sẽ là ưu tiên hàng đầu tại cuộc gặp sắp tới.
Theo Financial Times, Bộ trưởng Tài chính Ba Lan bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm cho rằng các nước EU cần ưu tiên mua sắm quốc phòng trong khối thay vì phụ thuộc vào các quốc gia và doanh nghiệp bên ngoài. EU cần sử dụng chi tiêu quốc phòng làm động lực thúc đẩy sản xuất quốc phòng nội địa. "Xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ của châu Âu chính là ưu tiên. Với chúng tôi, tốt nhất vẫn luôn là mua các sản phẩm do Ba Lan sản xuất. Nếu không được, chúng tôi chuyển sang các sản phẩm của châu Âu", ông Andrzej Domański khẳng định.
![]() |
Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Andrzej Domański cho rằng EU cần chịu trách nhiệm lớn hơn về an ninh của khối. Ảnh: Financial Times |
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề chi tiêu quốc phòng của EU được đề cập. Tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ở Paris (Pháp) vào tháng 2 vừa qua, các nhà lãnh đạo EU cũng khẳng định sẵn sàng đầu tư nhiều hơn cho việc bảo đảm an ninh châu lục. Trên thực tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ít lần chỉ ra rằng các nước châu Âu đang chi ít hơn cho quốc phòng và trông chờ vào sự bảo vệ của Mỹ.
Những phát biểu của Bộ trưởng Andrzej Domański được đưa ra trong bối cảnh Ba Lan lâu nay được đánh giá là quốc gia thường lên tiếng mạnh mẽ về các vấn đề quốc phòng, an ninh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU. Năm ngoái, Ba Lan từng đề xuất một hệ thống phòng không chung phải trở thành một dự án của châu Âu; nhấn mạnh đây là một nỗ lực tài chính nhằm xây dựng "một mái vòm bao trùm châu Âu". Thời gian qua, Ba Lan không ít lần thúc giục tăng chi tiêu và chi tiêu một cách phù hợp cho an ninh của châu Âu với lập luận rằng làm như vậy sẽ khiến chiến tranh tránh xa biên giới châu Âu "trong một thời gian dài, có thể là vĩnh viễn".
Bản thân Ba Lan cũng đang không ngừng tăng cường tiềm lực quốc phòng của mình "đủ để răn đe những kẻ thù tiềm tàng" thông qua việc chi mạnh cho quốc phòng. Xét về tỷ lệ phần trăm, Ba Lan hiện là quốc gia chi nhiều nhất cho quốc phòng trong NATO. Reuters cho biết, Ba Lan đã dành 4,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng vào năm ngoái và có kế hoạch tăng con số này lên 4,7% GDP trong năm nay.
Điều đáng chú ý, theo CNN, là hơn 50% chi tiêu quốc phòng thời gian qua của Ba Lan được dành cho nghiên cứu, phát triển cũng như mua sắm các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới. Tiến sĩ Robert Czulda thuộc Quỹ Casimir Pulaski, một viện nghiên cứu độc lập và phi lợi nhuận của Ba Lan nhận định việc đẩy mạnh mua sắm quốc phòng "với quy mô chưa từng có tiền lệ" là cơ hội để Warsaw gia tăng đáng kể sức mạnh quân sự. Trong khi đó, Giáo sư Jamie Shea tại Đại học Exeter (Anh) cho rằng nếu tất cả kế hoạch mua sắm quốc phòng "đi đúng hướng", Ba Lan sẽ trở thành "một siêu cường quân sự châu Âu".
HOÀNG VŨ