Hành trình “phong Hậu” nơi đất Mỹ của kỳ thủ Việt Nam
Từ tài năng nhí đến vận động viên trẻ, từ Việt Nam đến nước Mỹ xa xôi, kỳ thủ Nguyễn Thanh Thủy Tiên bước qua hành trình dài để chứng tỏ bản lĩnh qua từng ván cờ.
Thử thách mới, thành công mới
Sau thành tích tại giải Vô địch Cờ vua các nhóm tuổi Đông Nam Á năm 2007 lúc 8 tuổi, Nguyễn Thanh Thủy Tiên đã gắn bó 15 năm với nghiệp kỳ thủ. Nhận được học bổng nhờ vào thành thích cờ vua, nữ vận động việc của đội tuyển Cờ vua Tp.HCM lên đường đi du học tại Mỹ vào cuối năm 2016 khi đang là học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Đến với xứ lạ, cô gái sinh năm 1999 này vừa phải thích nghi với đời sống mới, vừa trau dồi học tập trong khi tìm hướng đi mới cho sự nghiệp cờ vua.
Nhớ lại những ngày tháng bỡ ngỡ đó, Thủy Tiên kể: “Cũng như nhiều bạn khác khi du học, tôi gần như là không thể nghe hiểu, giao tiếp với người địa phương. Rất may rằng trường cấp 3 tại Mỹ nơi tôi theo học là ngôi trường đa văn hóa, học sinh đến từ 20 quốc gia nên sự lúng túng chỉ là khó khăn ban đầu”.
Sau khi vững vàng hơn, Thủy Tiên quyết tâm thể hiện bản thân tại đấu trường cờ vua tại Mỹ. Cờ vua là môn thể thao quốc tế nên hệ số Elo mà cô nàng đạt được từ khi ở Việt Nam vẫn được sử dụng để tham gia các giải đấu nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh hệ số như quốc tế, Liên đoàn Cờ vua Mỹ có thêm hệ số Elo của riêng họ nên Thủy Tiên có cơ hội thi đấu nhiều hơn.
Nhưng điều khiến Thủy Tiên ấn tượng là cách thi đấu cờ vua tại Mỹ có cách chia bảng khác với Việt Nam. Không phân biệt theo giới tính hay độ tuổi, thi đấu theo hệ số Elo ngang bằng nên Thủy Tiên được cọ sát, học hỏi với nhiều đối thủ hơn. Có khi là nam kỳ thủ lớn tuổi người Ấn Độ, cũng có lúc là em gái gốc châu Á.
Thời gian đầu trong 2 năm học cấp 3 tại Mỹ, Thủy Tiên tham dự các giải đấu dành cho học sinh sinh viên và mang về thành tích vô địch bang Virginia đối với giải đấu của học sinh từ lớp 9 – 12 khi đang là học sinh lớp 11. Nhờ đó, nữ kỳ thủ được tài trợ tham dự giải đấu toàn quốc.
Trong hành trình thi đấu cờ vua nơi xứ người, không ít lần Thủy Tiên bồi hồi khi gặp lại đồng đội hay đối thủ cũng đến từ Việt Nam. Tình đồng hương nồng ấm hơn sau những trận so tài quyết liệt.
Nuôi dưỡng sự nghiệp từ những giấc ngủ không tròn
Ở tuổi 18 tốt nghiệp cấp 3 tại Mỹ, Thủy Tiên nộp hồ sơ và được 9 trường đại học cấp học bổng. Với việc xác định sẽ theo đuổi ngành Tâm lý học, cô nàng quyết định theo học Hollins University.
Nói về chuyên ngành này, Thủy Tiên kể: “Từ duyên may gặp lại người bạn cũ và sự giới thiệu của người này, tôi dần dần tìm ra hứng thú khi nghiên cứu sự tương quan giữa cờ vua và sự phát triển của não bộ như cách xử lý thông tin, khả năng ghi nhớ,…”.
Nhưng khác với Việt Nam, học thuật tại Mỹ xem Tâm lý học thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên chứ không phải xã hội nhân văn. Vì thế, cách tư duy nhạy bén của Thủy Tiên giúp việc nghiên cứu về hành vi con người ngày càng phù hợp hơn.
Sau thời cấp 3 được thầy cô hộ tống đi thi đấu, Thủy Tiên phải tự lập hơn khi vào đại học. Những giải thi đấu ở Mỹ được tổ chức vào cuối tuần. Ván đầu tiên vào tối thứ Sáu trong khi thứ Bảy, Chủ nhật sẽ tổ chức mỗi ngày 2 ván đấu. Buổi sáng bắt đầu từ 11h và buổi tối khai cuộc lúc 18h và có khi thi đấu đến nửa đêm.
Lịch trình dồn dập nên vào chiều thứ Sáu, ngay khi vừa tan học, Thủy Tiên lên xe cho kịp thi đấu buổi tối. Và ngày Chủ nhật, sau khi kết thúc ván cờ, cô gái trẻ lại lủi thủi đi chuyến xe đêm để đến lớp học vào sáng thứ Hai.
Ngay cả khi thi đấu tại các tiểu bang khác, Thủy Tiên vẫn đi xe thay vì máy bay để tiết kiệm chi phí. Thủy Tiên chi sẻ: “Tại Mỹ, các giải đấu cờ vua được tổ chức thường xuyên, mỗi tháng 3 – 4 giải nhưng tôi chỉ thi đấu 1 – 2 giải/tháng. Tùy vào điều kiện của bản thân mà tôi phải sắp xếp để có thể thi đấu nhiều hơn. Có khi tiền thưởng không đủ chi trả phí đi lại, khách sạn nhưng thi đấu càng nhiều sẽ giúp mình học hỏi càng nhiều, tích lũy điểm cho hệ số Elo”.
Những ngày tháng vừa học, vừa làm thêm gia sư Toán trong thư viện trường, Thủy Tiên không ngại vất vả bên cạnh sự nỗ lực cho cờ vua. Bởi lẽ, khi đạt được mục tiêu hệ số Elo, Thủy Tiên sẽ bước vào các giải thi đấu mở rộng, đối mặt với đại kiện tướng thế giới để bước tiến sự nghiệp càng thêm rộng mở.
Đi thật xa để trở về
Trong thời gian học tại Mỹ, mỗi năm vào kỳ nghỉ hè, Thủy Tiên về Việt Nam để thi đấu cho đội tuyển Cờ vua Tp.HCM từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 8.
Năm 2021, Thủy Tiên lần đầu mang về Huy chương Vàng đồng đội cho đơn vị. Đồng thời, nữ kỳ thủ này cũng đánh dấu lần đầu tiên đạt thành tích cao là Huy chương Đồng cá nhân giải đấu quốc gia vào tháng 4 với mong muốn khẳng định mình sau nhiều thành tích ở các giải đấu trẻ.
Từ cuối tháng 4/2021, dịch bệnh phức tạp tại Tp.HCM khiến các giải đấu bị hủy bỏ. Trong lúc chấp hành giãn cách, Thủy Tiên rèn luyện chuyên môn, học tập online với thầy ở Việt Nam và nước ngoài.
Để tìm hướng đi mới, Thủy Tiên mở chương trình dạy cờ vua bằng tiếng Anh cho trẻ em. Trước đó, nữ kỳ thủ đã có kinh nghiệm hướng dẫn online cho các vận động viên nhí quốc tế của Australia, Singapore, Nga, Mỹ,…
Thủy Tiên nhìn nhận: “Hướng dẫn các em nhỏ học cờ vua bằng tiếng Anh là cách giúp cả thầy và trò chúng tôi luyện thêm tiếng Anh. Bản thân mình được ôn lại kiến thức cờ vua, ghi nhớ tốt hơn qua cách diễn đạt bằng lời”.
Để thực hiện chương trình tại Việt Nam theo cách bài bản, Thủy Tiên dành thời gian hoàn thiện giáo án, tập dợt các phương pháp giảng dạy,…đã được tìm hiểu tại trường đại học cũng như các buổi hội thảo, nghiên cứu khoa học ở Mỹ.
Bên cạnh niềm vui trong việc giảng dạy, tiếp xúc đa dạng học sinh với các trình độ khác nhau, Thủy Tiên mong muốn hỗ trợ trẻ em Việt Nam được phát triển tư duy, rèn khả năng chơi cờ theo cách quốc tế.
Theo Thủy Tiên, cờ vua đối với trẻ em sẽ giúp tăng khả năng tập trung, rèn luyện trí nhớ và tư duy. Nếu thành thạo tiếng Anh về cờ vua, các học trò của Thủy Tiên có thể tự nghiên cứu, trao dồi kiến thức cờ vua bằng tài liệu ngoại ngữ.
Qua những lớp dạy đầu tiên, Thủy Tiên nhận xét: “Thế hệ bây giờ có điều kiện hơn khi chỉ mới 6, 7 tuổi đã được học cờ chuyên nghiệp. Không giống như quá trình chúng tôi phải tự mày mò giữa thời buổi công nghệ chưa phát triển”.
Cứ thế, nữ kỳ thủ trẻ vẫn miệt mài dạy dỗ tài năng cho thế hệ tiếp theo như cách mà cô đã được ươm mầm. Và chắc chắn, 15 năm tiếp theo của Nguyễn Thanh Thủy Tiên sẽ tiếp bước các đàn anh như Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn,…để đưa bản lĩnh người Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.