Việc xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước được quy định như thế nào?
* Bạn đọc Lê Văn Hoan ở xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước được quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 233 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:
Khi vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự nhiên vào ruộng, ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao, hồ đó. Trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi không thuộc sở hữu của mình thì người có ruộng, ao, hồ đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 1 tháng kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu vật nuôi dưới nước đó thuộc về người có ruộng, ao, hồ.
* Bạn đọc Nguyễn Văn Ngoan ở xã Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, hỏi: Mức xử phạt hành chính đối với cá nhân có hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá được quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 33 Nghị định số 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không mang giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá khi hoạt động theo quy định.
2. Phạt tiền đối với hành vi không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ trang thiết bị an toàn tàu cá theo các mức phạt sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm trên tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12m;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m;
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hoặc giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đã hết hạn khi hoạt động đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hoặc giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đã hết hạn khi hoạt động đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hoặc giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đã hết hạn khi hoạt động đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên.
QĐND