Quản lý thị trường Thanh Hóa tổng tiến công hàng lậu, hàng giả: Không có vùng cấm, không ngoại lệ
Trong đợt cao điểm tổng tiến công hàng lậu, hàng giả, lực lượng QLTT Thanh Hóa đã kiểm tra 115 vụ; phát hiện, xử lý 84 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm 1,01 tỷ đồng.
Tập trung vào các địa bàn trọng điểm
Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Sở Công Thương Thanh Hoá, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Thanh Hóa đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, phân bón, vật tư nông nghiệp, xăng dầu, rượu bia….
Ngày 27/05/2025, Đội QLTT số 9 phối hợp với Phòng PC03, Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra đột xuất cửa hàng Tùng Moscow. Ảnh: Quản lý thị trường Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, lực lượng QLTT Thanh Hóa đã kiểm tra hoạt động kinh doanh trên môi trường online như sàn thương mại điện tử, website, các mạng xã hội như Facebook, TikTok… có dấu hiệu lợi dụng để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tập trung vào các địa bàn trọng điểm như: thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn, huyện Thọ Xuân... các kho hàng, điểm tập kết hàng hoá, các tuyến quốc lộ, cảng biển. Qua công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, tìm ra nguyên nhân vi phạm, hạn chế, bất cập trong quy định mà các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật để kiến nghị các giải pháp khắc phục với cơ quan có thẩm quyền.
Xử lý 84 vụ vi phạm, xử phạt hơn 1 tỷ đồng
Với tinh thần “Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, trong đợt cao điểm tổng tiến công hàng lậu, hàng giả, lực lượng QLTT nói chung và Chi cục QLTT Thanh Hoá nói riêng tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cụ thể, trong đợt cao điểm vừa qua, riêng cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường (15/5/2025 - 15/6/2025), lực lượng QLTT Thanh Hóa đã kiểm tra 115 vụ (giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái), phát hiện, xử lý 84 vụ vi phạm (giảm 21%); tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính 1,01 tỷ đồng (tăng 6%). Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 1,01 tỷ đồng (tăng 6%); trị giá hàng hóa vi phạm 0,65 tỷ đồng (tiêu hủy, buộc tiêu hủy 0,66 tỷ đồng; trị giá hàng hóa chờ xử lý 0,01 tỷ đồng (tăng 4%); thu nộp ngân sách 1,01 tỷ đồng (tăng 6%); chuyển cơ quan điều tra 09 vụ có dấu hiệu hình sự.
Một số vụ việc điển hình như: Ngày 27/5/2025, Đội Quản lý thị trường số 9 phối hợp cùng Đội 3, Phòng PC03 Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra và khám kho đối với Hộ kinh doanh Tùng Moscow; địa chỉ: 224 Lê Hoàn, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Quá trình kiểm tra, Đội đã phát hiện và tạm giữ 26 mặt hàng là giầy, dép, túi, ví, thắt lưng các loại ( 492 đơn vị sản phẩm) có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng (10 nhãn hàng) như: Adidas, Nike, Hermes, Gucci, Louis Vuitton; Crocs, Lacoste..... Ước tính trị giá hàng hóa vi phạm hơn 325 triệu đồng (tính theo giá niêm yết). Xét thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, ngày 28/5/2025, Đội QLTT số 9 đã chuyển giao hồ sơ vụ việc đến Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục điều tra. Mở rộng vụ án, Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố bị can và tạm giam đối với ông Nguyễn Khánh Tùng có liên quan về tội “buôn lậu”.
Ngày 28/5/2025, Đội QLTT số 9 đã chuyển giao hồ sơ vụ việc đến Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục điều tra. Ảnh: Quản lý thị trường Thanh Hóa.
Tiếp đó, ngày 31/5/2025, Đội QLTT số 9 phối hợp cùng Phòng PC 03 - Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh Hồ Thị Tuyết, địa chỉ: Thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Tại Hộ kinh doanh Hồ Thị Tuyết, đoàn kiểm tra phát hiện 7,5 kg bao bì nhãn Everon, 23 cái vỏ đệm Everon; 0,3 kg phiếu bảo hành đệm Everon; 22 túi ni lông bọc đệm có dấu hiệu gia công, sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa và 01 cái đệm Everon có dấu hiệu giả nhãn hàng hóa. Làm việc với chủ hộ kinh doanh khai nhận đã bán cho 6 hộ kinh doanh khác, Mở rộng kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 9 ban hành quyết định kiểm tra 6 cơ sở có liên quan, phát hiện29 cái đệm Everon có dấu hiệu giả nhãn hàng hóa với tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết trên sản phẩm 40.500.000 đồng. Đội Quản lý thị trường số 9 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên. Xét thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, ngày 02/6/2025, Đội Quản lý thị trường số 9 đã chuyển giao hồ sơ vụ việc của Hộ kinh doanh Hồ Thị Tuyết cùng các hồ sơ có liên quan đến Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục điều tra….
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Với mục tiêu đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác QLTT, chủ động, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, trọng tâm là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, phân bón, vật tư nông nghiệp, xăng dầu, rượu bia… Chi cục QLTT Thanh Hóa đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan; các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; thực hiện ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng; kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Kết quả đã tổ chức ký cam kết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh được 893 bản cam kết trong đượt cao điểm.Thực hiện tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các xã, thị trấn trên địa bàn với thời lượng từ 30 - 60 phút trong ngày vào 2 buổi sáng, chiều. Tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô có băng rôn, khẩu hiệu phát các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung tuyên truyền tại các trung tâm huyện, xã, thị trấn và các chợ,...
Phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người tiêu dùng không tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đưa tin về diễn biến tình hình thị trường, cung cầu giá cả hàng hóa, hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, một số vụ điển hình về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong đợt cao điểm.
Khuyến cáo người tiêu dùng
Để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng "không còn đất sống", Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa khuyến cáo người tiêu dùng khi mua hàng có nguồn gốc rõ ràng: Ưu tiên chọn mua hàng tại các cơ sở uy tín, có đăng ký kinh doanh, hóa đơn, chứng từ, nhãn hàng hoá đầy đủ. Tránh mua hàng trôi nổi, giá rẻ bất thường, không tem nhãn, không ghi thành phần hoặc ngày sản xuất.
Đội QLTT số 12 thuộc Chi cục QLTT Thanh Hóa tăng cường kiểm tra, giám sát các loại hàng hóa trên thị trường. Ảnh: Quản lý thị trường Thanh Hóa.
Kiểm tra kỹ bao bì, nhãn hàng hoá, hạn sử dụng (nếu có): Quan sát các dấu hiệu: sai chính tả, mờ nhòe, logo không đồng nhất, mã vạch không tra được. Đối với mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng – cần kiểm tra mã đăng ký, số công bố.
Cảnh giác với hàng bán qua mạng xã hội, livestream giá rẻ: Không nên mua các sản phẩm thương hiệu nổi tiếng nhưng giá quá thấp qua Facebook, TikTok, Zalo… Khi nghi ngờ sản phẩm giả mạo, hãy báo cho cơ quan chức năng hoặc gọi đường dây nóng.
Tố giác hành vi vi phạm: Khi phát hiện hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, người dân có thể gọi đến Chi cục QLTT Thanh Hóa qua số hotline 02373.727.021 hoặc phản ánh tại chính quyền địa phương, khuyến khích hỗ trợ bằng hình ảnh, địa chỉ cụ thể. Danh tính người tố giác được bảo mật.
Đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh: Tuyệt đối không buôn bán, tiếp tay cho hàng hóa vi phạm: Không sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm nhãn hiệu. Tránh tiếp nhận hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, kể cả từ các đầu mối quen biết.
Chấp hành nghiêm quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh. Lưu trữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ của hàng hóa. Tuân thủ về tem nhãn, ghi nhãn phụ (với hàng nhập khẩu), hạn sử dụng, kiểm định chất lượng.
Tham gia ký cam kết với cơ quan quản lý thị trường: Chủ động phối hợp ký cam kết: “Nói không với hàng giả – hàng nhập lậu – hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ”. Treo bản cam kết tại nơi kinh doanh, thể hiện uy tín và cam kết đạo đức với khách hàng.
Hợp tác với lực lượng chức năng: Khi có kiểm tra, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần hợp tác minh bạch, trung thực, cung cấp hồ sơ đầy đủ. Nếu phát hiện nguồn hàng có dấu hiệu vi phạm, cần thông tin kịp thời để cùng ngăn chặn.
Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đề nghị: Người tiêu dùng thông thái - hãy lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn hàng hoá, cảnh giác với giá rẻ bất thường. Doanh nghiệp chân chính hãy nói không với hàng giả, hàng lậu. Tất cả chung tay vì một thị trường minh bạch, lành mạnh và phát triển bền vững.