Những chức vụ nào của hạ sĩ quan, binh sĩ tương đương với chức vụ Tiểu đội trưởng?
* Hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, những chức vụ nào của hạ sĩ quan, binh sĩ tương đương với chức vụ Tiểu đội trưởng?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại khoản 2, Điều 11 Thông tư số 07/2016/TT-BQP ngày 26-1-2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cụ thể như sau:
Chức vụ tương đương với Tiểu đội trưởng:
a) Khẩu đội trưởng;
b) Trưởng xe (tăng, thiết giáp; pháo tự hành; hóa học);
c) Đài trưởng (đài 15W; xe thông tin; thông tin; quan sát phòng không);
d) Trạm trưởng, ca trưởng thông tin quân bưu;
đ) Tổ trưởng (đặc công; trinh sát luồn sâu pháo binh; kỹ thuật giải mã và ảnh; nghiệm triều; chế biến thực phẩm); các tổ trực thuộc các đơn vị cấp trung đội và tương đương trung đội trở lên;
e) Trắc thủ (điều khiển tên lửa (kíp 1); kíp tên lửa (kíp 1); ra-đa (kíp 1); tác chiến điện tử);
g) Hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ có trình độ sơ cấp được sắp xếp đúng biên chế.
* Hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết thêm về một số quy định có liên quan đến xử lý kỷ luật ngoài các hành vi vi phạm kỷ luật đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 143/2023/TT-BQP?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 57 Thông tư số 143/2023/TT-BQP ngày 27-12-2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Cụ thể như sau:
1. Trường hợp người vi phạm thuộc quyền có hành vi công khai chống mệnh lệnh hoặc có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên phải kịp thời dùng mọi biện pháp kiên quyết ngăn chặn; báo cáo ngay lên cấp trên có thẩm quyền cùng biên bản và bằng chứng để xử lý.
2. Trường hợp người làm việc trong tổ chức cơ yếu đã thôi phục vụ mới phát hiện hành vi vi phạm trong thời gian công tác đến mức phải xử lý kỷ luật thì áp dụng trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật như quy định tại Điều 56 Thông tư này; trường hợp vi phạm kỷ luật đến mức giáng chức, cách chức hoặc bị tòa án tuyên án phạt tù có thời hạn và phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ hoặc tù chung thân thì xử lý kỷ luật xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.
3. Đối với các hành vi vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và áp dụng hình phạt:
a) Khi bản án, quyết định của tòa án tăng hoặc giảm hình phạt; thay đổi loại hình phạt; thay đổi biện pháp chấp hành hình phạt thì hình thức kỷ luật đã áp dụng cũng được cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý thay đổi hình thức tương ứng, kể từ ngày bản án mới hoặc quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật;
b) Quyết định xử lý kỷ luật đối với người vi phạm đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc tòa án kết luận là bị oan, sai thì chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản kết luận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền hoặc từ ngày quyết định của tòa án có hiệu lực, người chỉ huy có trách nhiệm công bố công khai tại đơn vị nơi người vi phạm đang công tác.
4. Trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo kết luận việc xử lý kỷ luật tiến hành không đúng quy định về áp dụng hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý thì cấp có thẩm quyền đã ký quyết định kỷ luật phải ra quyết định hủy bỏ quyết định đã ban hành; đồng thời tiến hành xem xét xử lý kỷ luật đối với người vi phạm theo đúng quy định tại Thông tư này.
QĐND