Kinh tế khởi sắc song cần siết kỷ luật ngân sách, thúc đẩy đầu tư công
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội chỉ rõ, nền kinh tế đã khởi sắc, song cần siết kỷ luật ngân sách, thúc đầu tư công... để tạo đà bứt phá năm 2025.
Kinh tế phục hồi toàn diện nhưng vẫn còn áp lực tăng trưởng
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đã thay mặt cơ quan thẩm tra báo cáo Quốc hội về việc đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, tình hình triển khai ngân sách năm 2025 và các kiến nghị điều hành ngân sách quan trọng.
![]() |
Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: VPQH |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi, bức tranh kinh tế - xã hội năm 2024 khép lại với gam màu sáng khi Việt Nam hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, phản ánh nỗ lực điều hành linh hoạt, chủ động của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Kinh tế phục hồi toàn diện, niềm tin thị trường dần được củng cố. Bước sang năm 2025, dù kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát kiểm soát tốt, nhiều ngành, nhất là công nghiệp, du lịch, thương mại, tăng trưởng tích cực, song bức tranh kinh tế không hoàn toàn phẳng lặng.
Báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nhận định, tăng trưởng GDP quý I/2025 chưa đạt kịch bản đề ra, tạo áp lực rất lớn cho các quý còn lại nếu muốn cán đích mục tiêu 8% cả năm. Tiêu dùng nội địa vẫn ì ạch, sức cầu còn yếu. Doanh thu bán lẻ nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,6% - thấp so với kỳ vọng. Trong khi đó, gần 26.300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường mỗi tháng, cho thấy sức khỏe của khu vực doanh nghiệp tư nhân đang chịu sức ép nặng nề.
Đầu tư công vẫn chưa được khơi thông đúng mức. Dù có chuyển biến so với trước, nhưng đến hết tháng 3/2025, giải ngân mới đạt 9,53% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2024. Việc giải ngân chậm dẫn tới nhiều dự án bị chậm tiến độ, kéo giảm hiệu quả lan tỏa của đầu tư phát triển. Nguy cơ dồn áp lực giải ngân vào cuối năm vẫn còn rất rõ ràng.
Thị trường tài chính, ngân hàng, theo Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cần được theo dõi sát sao. Nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn rủi ro cần được rà soát để có bức tranh trung thực, toàn diện. Giá vàng trong nước tăng cao, biến động khó lường, cho thấy công tác quản lý thị trường vàng còn lỏng lẻo. Trong khi đó, áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản trong năm 2025 chiếm tới 64% tổng giá trị đáo hạn, một con số gây nhiều lo ngại.
Chủ nhiệm Phan Văn Mãi cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề xã hội cần quan tâm như tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó đáng lo ngại là các vụ việc liên quan đến thuốc giả, sữa giả, rau củ nhiễm hóa chất gây bức xúc dư luận. Công tác xây dựng pháp luật còn chưa đồng bộ, nhiều quy định vẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Ngân sách 2024 thu vượt nhưng chi chậm
Một điểm sáng được ghi nhận là thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 vượt dự toán, phản ánh hiệu quả trong điều hành tài chính. Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, công tác dự báo thu ngân sách vẫn chưa sát thực tiễn, việc hoàn thuế GTGT còn chậm, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước vẫn ì ạch.
Chi ngân sách năm 2024 cũng bộc lộ nhiều vấn đề. Việc giải ngân vốn ngoài nước chậm, yêu cầu cắt giảm chi chưa cần thiết không được thực hiện nghiêm túc. Thậm chí có khoản chi không được chuyển nguồn sang năm sau, dẫn đến bội chi NSNN tuy giảm nhưng không mang ý nghĩa hiệu quả, bởi phần lớn là do “hủy” dự toán hoặc không giải ngân được, chứ không phải vì chi tiêu hiệu quả hơn.
Đối với năm 2025, báo cáo cho thấy việc phân bổ và giao dự toán ngân sách cơ bản đúng hạn, nhưng còn nhiều khoản chi chưa được phân bổ chi tiết, đặc biệt là ở các bộ, cơ quan trung ương. Số kinh phí chưa phân bổ chiếm tới 77,4% tổng số chưa phân bổ, tạo rủi ro dồn áp lực vào cuối năm. Về thu ngân sách, các khoản thu nội địa đạt khá, nhưng nợ thuế nội địa vẫn ở mức cao: 222.700 tỷ đồng (tính đến 30/4/2025), tăng 12,3% so với cuối năm 2024.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ cần khẩn trương xử lý các nhiệm vụ chi phát sinh, đặc biệt là: Bố trí 44.000 tỷ đồng để chi trả chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp bộ máy; cho phép chuyển nguồn dự toán chi thường xuyên năm 2024 chưa sử dụng sang năm 2025 để chi cho chính sách miễn học phí và tổ chức bộ máy; bố trí đủ 3% tổng chi NSNN năm 2025 cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, kèm theo yêu cầu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn khoa học công nghệ, vốn đang rất chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Những giải pháp quyết liệt để bứt phá
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, Ủy ban Kinh tế và Tài chính kiến nghị 10 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, đáng chú ý: Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, xử lý dứt điểm tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tài khóa, giảm chi phí vốn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và sản xuất; cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ, tháo gỡ rào cản về pháp lý và thủ tục hành chính; thúc đẩy khoa học, công nghệ, hoàn thiện pháp luật về kinh tế số, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo coi đây là động lực tăng trưởng mới; tăng cường kỷ luật tài chính, giữ vững an toàn nợ công, không ban hành chính sách gây tăng chi NSNN nếu không có nguồn đảm bảo; bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động bị ảnh hưởng bởi tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.
Đặc biệt, cần tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong kỷ nguyên mới, coi đây là bước đột phá về thể chế cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Về việc bổ sung dự toán ngân sách Trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy: Đa số ý kiến nhất trí việc trình Quốc hội xem xét, quyết định bố trí 44 nghìn tỷ đồng như phương án Chính phủ trình và giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể theo đúng quy định của Luật NSNN. |