Triệu phú tự thân Rainer Zitelmann: "Những tỷ phú luôn có một thái độ hoàn toàn khác khi đối mặt với khủng hoảng"
Ngày 20/9 vừa rồi, triệu phú tự thân người Đức Rainer Zitelmann đã có dịp đến Hà Nội giao lưu và giới thiệu về cuốn sách đầy tâm huyết mang tên “Đọc vị tâm lý hành vi của giới giàu và siêu giàu” mới ra mắt của ông.
Tác giả Rainer Zitelmann là một nhà sử học - xã hội học, đồng thời cũng là một doanh nhân và nhà đầu tư bất động sản thành công. Sau khi bán công ty của mình vào năm 2016, ông đã trở thành một chuyên gia tin tức và là người phụ trách mảng lịch sử đương đại cho tờ nhật báo Die Welt.
Cụ thể hơn, nội dung cuốn sách gồm 2 phần. Trong đó, phần 1 tập trung về các nội dung học thuật như phương pháp luận, câu hỏi nghiên cứu, tổng quan nghiên cứu… Tuy nhiên, chia sẻ tại sự kiện, ông Zitelmann đánh giá phần 1 của cuốn sách khá khô và kén người đọc, vì vậy ông gợi ý nếu ai thiếu kiên nhẫn hoặc không quá quan tâm đến các cuộc tranh luận và phương pháp luận khoa học thì có thể chuyển thẳng đến phần 2 của cuốn sách. Phần 2 là linh hồn của cuốn sách, chứa đựng kết quả phỏng vấn chuyên sâu và một bài kiểm tra tâm lý mà Zitelmann đã thực hiện với 45 cá nhân siêu giàu.
Những phát hiện chính trong nghiên cứu của Rainer Zitelmann chỉ ra rằng tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp là yếu tố cốt lõi giúp một người trở nên giàu có. Ông còn đúc kết thêm một quan điểm khá thú vị và đáng suy ngẫm: "Những người có thành tích tốt nhất ở trường học, trớ trêu thay, lại thường không vươn tới được đỉnh cao tuyệt đối của sự giàu có sau này. Như vậy, có thể nói, trình độ học vấn không đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra của cải".
Theo Zitelmann, tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp có thể bộc lộ từ rất sớm, ví dụ như việc hơn một nửa số người được phỏng vấn đã từng tham gia vào các môn thể thao cạnh tranh khi còn là sinh viên, hoặc không làm những công việc bán thời gian như bạn bè cùng trang lứa, mà khởi nghiệp và tự kinh doanh. Một điểm chung nữa của giới siêu giàu là cách họ đối mặt với những khó khăn, khủng hoảng và đặc biệt là thất bại. Tác giả chia sẻ với các nhà báo về điểm chung ông nhìn thấy ở những người thuộc giới siêu giảu: “Các tỷ phú lại có thái độ hoàn toàn khác, thay vì tìm cách đổ lỗi cho người khác hay cho hoàn cảnh, họ tìm kiếm nguyên nhân của các vấn đề ở chính bản thân họ”.
Khi được hỏi lý do cho niềm tin tuyệt đối đó, tác giả đã đưa ra một khảo sát so sánh trên phạm vi quốc tế để tìm hiểu xem người dân 11 quốc gia (bao gồm châu Âu, châu Mỹ, châu Á, trong đó có Việt Nam) nghĩ gì về sự giàu có. "Theo đó, có đến 76% người Việt Nam tham gia cuộc khảo sát cho rằng việc giàu có hoặc trở nên giàu có "rất quan trọng" hoặc "quan trọng" đối với họ. Tỷ lệ này là rất cao và là cao nhất so với những quốc gia được khảo sát như Nhật, Hàn, Đức hay Thụy Sĩ", ông nói với các phóng viên trong sự kiện.
Khẳng định là một người bạn thân thiết của Việt Nam và sẽ đến thăm thường xuyên trong vài năm tới, TS Rainer Zitelmann cũng hy vọng độc giả Việt Nam sẽ được truyền cảm hứng từ những hiểu biết sâu sắc có trong cuốn sách của ông.