Thế hệ F1 xán lạn của Malaysia: Chị em CEO Lee Joyce nhà MKA Group và hành trình mang thương hiệu Yukazan tiến vào Việt Nam và Đông Nam Á
Thương hiệu về sức khỏe – làm đẹp đến từ Malaysia Yukazan đang có một năm 2024 bận rộn khi cùng lúc mở rộng thị trường sang Việt Nam, Brunei, Singapore và Indonesia. Sau hơn chục năm kế nghiệp, CEO 8x Lee Joyce cùng em trai của mình đã khiến DN của gia đình - MKA Group thăng hoa.
29 năm phát triển thần tốc nhưng bền bỉ của MKA Group
Chúng ta đã nghe nhiều câu chuyện thú vị về quá trình kế thừa doanh nghiệp của các thế hệ F1 tại Việt Nam. Tại Malaysia, thế hệ F1 của đất nước này cũng rất xuất sắc, đơn cử như chị em nhà Lee – cô Lee Joyce và anh Bruce Lee.
Năm 1995, ở thị trấn nhỏ Bukit Mertajam – bang Penang, Racing Boy – thương hiệu chuyên nhập khẩu - phân phối phụ tùng và linh kiện xe máy đã ra đời. Ban đầu, thương hiệu được đăng ký dưới tên công ty Asian Alloy Enterprise, được thành lập bởi ông Lee Meng Tek - một thợ cơ khí lành nghề và rất đam mê xe motor.
Tháng 1/1998, cùng với các anh em của mình, ông Lee Meng Tek đã thành lập công ty TNHH Meng Kah Auto Parts Trading Sdn Bhd (MKA) và đổi tên thương hiệu thành Racing Boy. Tháng 1/2002, ông Jason Yong đã hợp tác với MKA ra mắt thương hiệu UMA Racing. Vào tháng 1/2009, MKA nhảy vào lĩnh vực mỹ phẩm, khi giành quyền phân phối độc quyền cho thương hiệu Shills đến từ Đài Loan ở Malaysia.
Đến cuối năm 2009, các sản phẩm của Racing Boy được phân phối thông qua các đối tác ở các nước như Singapore, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Hy Lạp.
Năm 2010, ông Lee Meng Tek dần giới thiệu con trai lớn nhất của mình - Bruce Lee với nội bộ công ty. Năm 2013, ông Bruce Lee chính thức lên làm CEO của MKA còn ông Lee Meng Tek giữ chức vụ Chủ tịch; Racing Boy được đổi tên thành RCB. Năm 2020, MKA tiến hành tái cấu trúc và đổi tên thành MKA Group.
"Ba của tôi có 4 người con, nhưng không phải tất cả đều gầy dựng một mảng kinh doanh mới cho MKA Group, chỉ có mỗi mình tôi. Tôi đã mở thêm mảng sức khỏe – làm đẹp (MKA Joycare) và tự gầy dựng thương hiệu Yukazan, còn em trai Bruce Lee tiếp quản mảng kinh doanh phụ tùng xe máy – xe ô tô từ ba", cô Lee Joyce – con đầu lòng của ông Lee Meng Tek cho hay.
Theo đó, ông Lee Meng Tek bắt đầu sự nghiệp bằng việc nhập khẩu phụ tùng và linh kiện xe máy để bán khắp Malaysia. Theo dòng phát triển cơ bản trong kinh doanh, ông Lee và các anh em của mình đã đi sâu vào gia công – sản xuất phụ tùng xe máy và ô tô.
Sau khi thế hệ kế thừa chính thức lên nắm quyền, MKA bắt đầu lấn sân sâu vào mảng nông nghiệp khi đầu tư các nông trại - phát triển chuỗi cung ứng bền vững; đây là nền tảng để MKA Group sản xuất các loại đồ ăn và thức uống liên quan đến trà – nông sản Malaysia hay selfcare.
Ở mảng chăm sóc sức khỏe – làm đẹp, MKA Group cũng bắt đầu với phân phối cho các thương hiệu khắp thế giới rồi sau đó mới bắt tay sản xuất và làm thương hiệu riêng.
Trong quá trình kinh doanh, MKA Group có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ thống phân phối – bán lẻ O2O, tận dụng nguồn tài nguyên này, họ đã cho ra mắt thêm mảng giải pháp công nghệ cho ngành phân phối và bán lẻ.
Tựu trung, họ có 3 mảng kinh doanh chính: xe máy – ô tô, nông nghiệp, sức khỏe – làm đẹp. Ở thời ông Lee Meng Tek, DN gia đình họ chủ yếu phát triển trong mảng phụ tùng – linh kiện xe máy và ô tô, nhưng sau khi 2 người con của ông lên nắm quyền, MKA Group không những lấn sân sâu thêm 2 mảng mới là nông nghiệp, sức khỏe – làm đẹp mà công việc kinh doanh của họ còn mở rộng ra khắp châu Á.
Còn trên website, MKA Group cho biết: hiện họ đang quản lý – phân phối 36 thương hiệu trong 6 mảng: phân phối - gia công phụ tùng xe máy – ô tô, sức khỏe – làm đẹp, F&B, sản xuất phụ tùng ô tô – xe máy, nông nghiệp, giải pháp công nghệ.
Thương hiệu Malaysia Yukazan đã làm gì để có thể vươn xa đến Việt Nam và khắp Đông Nam Á?
Trong năm 2024, MKA Joycare quyết định mang thương hiệu Yukazan chinh phục châu Á. Họ đã và đang gia nhập thị trường Indonesia, Brunei, Singapore và Hong Kong. Vào tháng 4/2024, Yukazan chính thức đến Việt Nam và mở cửa hàng online trên Shopee, TikTok và Tiki cùng website tự xây dựng; đồng thời họ cũng vừa có mặt tại hệ thống Guardian.
"Mặc dù mới vào Việt Nam được 5 tháng, song chúng tôi đã có nhiều sản phẩm best seller trên các sàn TMĐT như Shopee và TikTok. Theo đó, trên các kênh online, sự tăng trưởng doanh số của Yukazan luôn 2 chữ số. Việt Nam đang là thị trường trọng điểm phát triển của Yukazan", CEO Lee Joyce cho hay.
Sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị kinh doanh của trường SEGi (Malaysia), cô Lee Joyce đã đứng ra thành lập Shills Beauty vào năm 2009. Năm 2020, doanh nhân sinh năm 1985 này đã sáng tạo ra thương hiệu sức khỏe và làm đẹp cho riêng mình là Yukazan. Năm 2021, Shills Beauty đổi tên thành MKA Joycare.
MKA Joycare đang là nhà phân phối cho 10 thương hiệu như Shills, Amina Mason, &honey, Makarizo, Shills, Against24 (chăm sóc trẻ em), Unlabel…. Có thể thấy, khi hợp tác phân phối, MKA Group sẽ ưu tiên những thương hiệu tầm trung – không quá nổi tiếng nhưng có chất lượng tốt từ các cường quốc trong ngành như Hàn Quốc – Nhật Bản – Mỹ để phù hợp nhất với nhu cầu – sự chi trả của người dùng Malaysia.
"Niềm đam mê và sự quan tâm về mảng health – beauty chính là một trong những động lực để tôi lấy bằng Cử nhân Dược tại Đại học ICSI (Malaysia) nhằm có hiểu biết sâu hơn về thành phần – hiệu quả của các sản phẩm.
Còn thách thức lớn nhất lớn nhất trong giai đoạn đầu tiên khi gầy dựng Yukazan là tìm được nhà sản xuất phù hợp để hợp tác tạo ra các sản phẩm có tác dụng nhanh, chất lượng cao với các thành phần nguyên liệu cao cấp nhưng vẫn phải có mức giá phải chăng, phù hợp cho khả năng chi tiêu của phần lớn người dân Malaysia và Đông Nam Á.
Chúng tôi đã đầu tư lớn vào mảng R&D, rồi sau rất nhiều thử nghiệm – thất bại – thử nghiệm, chúng tôi mới tìm được những bí quyết để có thể đạt được sự cân bằng giữa chất lượng – giá cả sản phẩm Yukazan mà mình mong muốn", doanh nhân sinh năm 1985 tiết lộ.
Hiện các sản phẩm của MKA Joycare và Yukazan được phân phối ở 4.500 hệ thống cửa hàng offline và trên các kênh online phổ biến. Doanh số của Yukazan từ 10 triệu RM (2,3 triệu USD) đã tăng lên 65 triệu RM (14,65 triệu USD) chỉ trong 3 năm.
Yukazan có 3 dòng sản phẩm chính là sức khỏe với miếng dán giảm ho, miếng dán hạ sốt, tinh dầu…cho cả người lớn lẫn trẻ em; chăm sóc cơ thể với dầu gội, sữa tắm, dầu tắm …; làm đẹp và chăm sóc da (Yukazan Derma) với bộ skincare cho da mụn và dưỡng ẩm chuyên sâu, thực phẩm chức năng làm sáng da…
Với tư duy nhanh nhạy, tên tuổi của Yukazan đã trở nên phổ biến khắp Malayisa khi họ là DN đầu tiên sản xuất được khẩu trang y tế KF94 vào năm 2021.
Khẩu trang của Yukazan đã trở thành sản phẩm bán chạy nhất Malaysia và trên sàn Shopee - Lazada với 8 triệu sản phẩm/năm trong suốt giai đoạn cao trào của Covid-19. Họ cũng được Bộ trưởng y tế Malaysia Khairy Jamaluddin khen ngợi khi đã ủng hộ và đóng góp 152.000 khẩu trang y tế cho các cộng đồng người khuyết tật.
Năm 2023, Miếng dán trị ho Hydrogel của Yukazan ra mắt thị trường và bán trên 300.000 sản phẩm chỉ trong 4 tháng. Sản phẩm này sở hữu 1 lúc 2 kỷ lục của Malaysia: là Miếng dán y tế giảm ho Hydrogel đầu tiên trên thị trường và Miếng dán y tế giảm ho Hydrogel bán được nhiều nhất trong 1 tháng.
"Theo quan sát của tôi, thị trường chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng do quá trình đô thị hóa, thu nhập người dân ngày càng cao và ý thức chăm sóc bản thân cũng thế. Theo đó, người tiêu dùng Việt – đặc biệt là giới trẻ có nhu cầu lớn với các sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc da (skincare), thực phẩm bổ sung làm đẹp…
Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng của người dân Việt Nam cũng có nhiều đặc điểm giống Malaysia như luôn tìm kiếm những sản phẩm mới, có tính đổi mới – sáng tạo trong mảng health - beauty. Yukazan đang là một trong những thương hiệu dẫn đầu Malaysia trong lĩnh vực này, nên tôi tin rằng, chúng tôi cũng có thể làm được điều đó ở Việt Nam", cô Lee Joyce chia sẻ thêm.
Cũng theo vị CEO này, thế mạnh của Yukazan khi tham chiến ở thị trường Việt Nam cũng như Đông Nam Á là sản phẩm tốt – giá cả phải chăng, phù hợp với da của người địa phương (chất da của người tiêu dùng - thời tiết của Malaysia khá giống Việt Nam/Indonesia), bám sát xu hướng tiêu dùng thế giới, có sẵn mối quan hệ và hệ thống phân phối của công ty mẹ MKA Group.
Các sản phẩm chăm sóc da – cơ thể của Yukazan có nguồn gốc tự nhiên – thuần chay được chiết xuất từ nông sản chất lượng cao của Malaysia và thế giới, còn các thành phần và công thức đã được cấp bằng sáng chế từ Nhật Bản. Giá nông sản và nhân công Malaysia cũng rẻ hơn các nước tiên tiến khác.
Nhờ thế, giá sản phẩm Yukazan thấp hơn các sản phẩm cùng phân khúc trung cấp đến các thương hiệu Nhật Bản – Hàn Quốc đang 'xưng hùng xưng bá' tại Việt Nam.
Trong 3 năm tới, Yukazan đặt mục tiêu trở thành thương hiệu chăm sóc sức khỏe – làm đẹp hàng đầu thị trường Việt Nam, bằng cách mở rộng sự hiện diện ở cả kênh online lẫn offline (có mặt ở 2.000 cửa hàng), làm thương hiệu và gầy dựng tệp khách hàng trung thành lớn.
Cụ thể: trong năm đầu tiên, Yukazan sẽ tập trung mở rộng kênh phân phối, phát triển thương hiệu và các kênh bán hàng trên các nền tảng TMĐT – đặc biệt là TikTok. Trong năm thứ 2 và 3, họ sẽ xem xét việc nội địa hóa bằng các sản phẩm độc quyền, tăng doanh số bán hàng và mở rộng quan hệ đối tác chiến lược, nhằm đảm bảo sự tăng trưởng bền vững – hướng đến vị thế dẫn đầu thị trường Việt Nam.
"Nếu muốn mang thương hiệu nội địa đi chinh phục Đông Nam Á và thế giới, chúng ta hãy tự tin và tin tưởng vào thương hiệu của mình, nghiên cứu kỹ thị trường để biết được sản phẩm nào của mình phù hợp nhất với người tiêu dùng bản địa, truyền thông sự khác biệt của thương hiệu mình với các đối thủ trên thị trường bằng sản phẩm đạt USP. Có chiến lược kinh doanh và xây dựng được mạng lưới bền vững với các nhà phân phối/bán lẻ địa phương.
Mỗi thị trường mới có những thách thức lớn khác nhau. Khi mở rộng thị trường vào Indonesia, thuận lợi của chúng tôi là 2 nền văn hóa Malaysia và Indonesia có nhiều điểm tương đồng cơ bản, khó khăn lớn nhất là thủ tục hành chính khá phức tạp: mỗi sản phẩm, chúng tôi phải mất từ 6 đến 9 tháng mới hoàn tất việc làm giấy phép.
Còn tại Việt Nam, thủ tục hành chính không phải là vấn đề, khó khăn lớn nhất là khác biệt về văn hóa cũng như kênh phân phối. Ví dụ: chúng tôi có thể sử dụng 1 clip quảng cáo trên TikTok cho cả thị trường Malaysia - Indonesia nhưng nó có thể không phù hợp với Việt Nam. Ở Malaysia, offline vẫn là kênh phân phối chính trong mảng self-care với 70% đến 80%; còn ở Việt Nam, kênh online đang là chủ đạo với tỷ lệ từ 50% đến 60%", cô Joyce Lee kết luận.