Tổng Giám đốc HDCapital: Có mối tương quan chặt chẽ giữa chất lượng IR và khả năng huy động vốn
Trong môi trường đầu tư đầy biến động, việc xây dựng và duy trì mối quan hệ chất lượng với nhà đầu tư không còn là một lợi thế phụ trợ mà đã trở thành yếu tố cực kỳ quan trọng đóng góp vào sự thành công của doanh nghiệp niêm yết.
Tổng Giám đốc HDCapital - ông Nguyễn Thành Long |
Nâng cao chất lượng hoạt động quan hệ nhà đầu tư (Investor Relations - IR) là một trách nhiệm đầy thách thức, nhưng đồng thời cũng tạo nên cơ hội giữa bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam không ngừng phát triển.
“Có một mối tương quan chặt chẽ giữa chất lượng hoạt động IR và hiệu quả huy động vốn của doanh nghiệp” - Tổng Giám đốc HDCapital - ông Nguyễn Thành Long - cho biết trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi về chủ đề thực trạng IR của doanh nghiệp niêm yết Việt Nam. Với kinh nghiệm dày dạn và góc nhìn sâu sắc, ông Long mô tả về cả điểm mạnh đáng khen ngợi cho đến các vấn đề cần khắc phục của những hoạt động IR đang diễn ra trên thị trường.
Theo Tổng giám đốc HDCapital, xu hướng tích cực là doanh nghiệp đang nỗ lực nâng cao chất lượng giao tiếp và tương tác với nhà đầu tư nhiều hơn. Một số doanh nghiệp lớn tuân thủ chặt chẽ quy định về công bố thông tin và phản hồi nhanh chóng yêu cầu của nhà đầu tư tổ chức.
Nhưng ngược lại, nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa thực sự chú trọng đến IR, dẫn đến việc cung cấp thông tin chưa đầy đủ và chưa truyền tải hiệu quả đến công chúng. Những mặt hạn chế của công tác IR, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo nên thách thức đáng kể cho các quỹ đầu tư trong việc đánh giá rủi ro và tiềm năng của doanh nghiệp.
Trong những tình huống khủng hoảng, cách mà bộ phận IR ứng xử là yếu tố then chốt quyết định lòng tin của giới đầu tư liệu có được duy trì. Những bộ phận IR hiệu quả sẽ nhanh chóng cung cấp thông tin rõ ràng về sự cố, đề xuất biện pháp khắc phục và giữ liên lạc thường xuyên với nhà đầu tư để giảm thiểu sự hoang mang.
“Nếu IR hoạt động tốt trong khủng hoảng, quỹ của chúng tôi thường duy trì niềm tin và có thể tiếp tục đầu tư hoặc ít nhất là không rút vốn ngay lập tức” - ông Long cho biết - “Ngược lại, phản ứng chậm trễ hoặc thiếu minh bạch từ IR có thể dẫn đến quyết định rút lui, do mất niềm tin vào khả năng quản lý khủng hoảng của công ty”.
Một điểm thú vị theo chia sẻ của vị Tổng Giám đốc HDCapital là tồn tại khác biệt rõ rệt trong cách thức thực hiện IR giữa các ngành khác nhau tại thị trường Việt Nam. Sự khác biệt phần lớn do đặc thù ngành và mức độ nhận thức về tầm quan trọng của IR.
Ngành tài chính và bất động sản được nhìn nhận là có hoạt động IR mạnh mẽ và hiệu quả, xuất phát từ nhu cầu cao của nhà đầu tư. Các ngân hàng lớn thường xuyên tổ chức họp nhà đầu tư hàng quý và cung cấp báo cáo tài chính chi tiết ngay sau khi công bố kết quả kinh doanh. Trong khi đó, các công ty bất động sản hàng đầu cũng nổi bật trong việc minh bạch hóa thông tin về dự án, kế hoạch mở rộng và chiến lược dài hạn.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ngành sản xuất và dịch vụ tại Việt Nam thường chưa đầu tư đủ cho hoạt động IR. Doanh nghiệp trong những ngành này đôi khi chậm trễ cập nhật thông tin hoặc không cung cấp đủ chi tiết về chiến lược kinh doanh. Nhiều công ty trong ngành sản xuất thường chỉ công bố báo cáo tài chính cơ bản và không cung cấp thêm thông tin về kế hoạch chiến lược hay dự án cụ thể, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc đánh giá triển vọng dài hạn.
Trong khi đó, ngành công nghệ đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam và bắt đầu nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của IR. Tuy nhiên, ông Long đánh giá vẫn còn có sự chênh lệch trong mức độ thực thi IR giữa các công ty lớn và các công ty khởi nghiệp nhỏ (start-up). Nhiều start-up vẫn còn đang học cách làm IR và thường gặp khó khăn trong việc duy trì thông tin cập nhật cũng như thiếu các buổi gặp gỡ chính thức với nhà đầu tư.
Một chiến lược IR hiệu quả
Hoạt động IR minh bạch và chuyên nghiệp sẽ xây dựng lòng tin và uy tín đối với giới đầu tư, từ đó dễ dàng thu hút sự quan tâm của các tổ chức không chỉ trong nước mà từ cả quốc tế, nhờ đó doanh nghiệp có khả năng huy động vốn thành công cao hơn.
Tổng Giám đốc HDCapital cũng đưa ra lời khuyên dành cho các doanh nghiệp niêm yết về cách xây dựng một chiến lược IR tổng thể. Các đầu mục chính mà bộ phận IR cần tập trung, bao gồm:
- Minh bạch hóa thông tin: Đảm bảo rằng mọi thông tin quan trọng liên quan đến tài chính, chiến lược và hoạt động của doanh nghiệp đều được công bố một cách minh bạch và kịp thời.
- Tăng cường giao tiếp hai chiều: Xây dựng các kênh giao tiếp mở để nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận và đặt câu hỏi. Đồng thời, IR cần phản hồi nhanh chóng và chính xác các yêu cầu của nhà đầu tư.
- Ứng dụng công nghệ: Sử dụng các công cụ kỹ thuật số để tổ chức các buổi gặp gỡ nhà đầu tư trực tuyến, cập nhật thông tin qua website và các nền tảng khác.
- Đào tạo nhân sự IR: Đảm bảo rằng đội ngũ IR có kiến thức sâu về doanh nghiệp và thị trường, cũng như kỹ năng giao tiếp tốt để đại diện cho công ty một cách chuyên nghiệp. Chiến lược dài hạn: Xây dựng một kế hoạch IR dài hạn, tập trung vào việc xây dựng và duy trì lòng tin của nhà đầu tư qua thời gian.