Sếp Dragon Capital kể về “3 thập kỷ 3 lần chìm nổi” bên bờ phá sản… rồi trở thành quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam quản lý 6 tỷ USD
“Càng ngày càng cô đơn, càng ngày càng khó khăn, nhưng khi đó động lực mà chúng ta vượt lên càng lớn hơn”, ông Tân chia sẻ.
Là diễn giả chính tại sự kiện, ông Trần Thanh Tân - nhà đồng sáng lập Dragon Capital (một trong những quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam) - theo đó có chia sẻ đồng cảm với những gian nan mà Lộc Trời và cá nhân ông Thòn đang phải đối mặt.
Ông Tân cho rằng, chính những khó khăn, thử thách đã tôi luyện nên bản lĩnh và sức mạnh cho doanh nghiệp. Khi gặp rủi ro, khủng hoảng, hãy bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, xác định tình huống xấu nhất có thể xảy ra và đặt câu hỏi liệu bản thân có thể chấp nhận nó.
"Nếu câu trả lời là có thì tất cả những điều còn lại sẽ rất nhẹ nhàng", ông Tân nói. Vị này đồng thời cũng chia sẻ về hành trình của Dragon Capital trong 3 thập kỷ với 3 lần “chìm nổi”.
3 lần “chìm nổi” của Dragon Capital
Khởi đầu từ năm 1994 với số vốn 16 triệu USD, Dragon Capital đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007.
Qua những lần đối mặt với khủng hoảng, ông hiểu rõ áp lực của người dẫn đầu. “Càng ngày càng cô đơn, càng ngày càng khó khăn, nhưng khi đó động lực mà chúng ta vượt lên càng lớn hơn”, ông Tân chia sẻ.
Với ông Tân, 30 năm hoạt động của Dragon Capital như “3 lần 10 năm đầy chìm nổi”. Ông Tân nhớ lại thời điểm khó khăn đó: "Chúng tôi gần như phá sản trong giai đoạn khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, khi đó tại Việt Nam có khoảng 10 quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động thì đến 9 quỹ đã rút về nước. Riêng Dragon Capital, với sứ mệnh được thành lập để huy động vốn từ thị trường quốc tại để đầu tư tại Việt Nam, nếu chúng tôi rút lui thì đồng nghĩa đóng cửa Công ty.
Thách thức này đặt ra một quyết định hết sức khó khăn. Câu hỏi “tiếp tục hay dừng lại” đôi khi không dễ có câu trả lời, nhất là đối với lãnh đạo của một công ty còn non trẻ như Dragon Capital thời ấy.
Cuối cùng, câu trả lời là tiếp tục ở lại, tiếp tục chiến đấu, tiếp tục con đường mình đã chọn và sẽ quyết tâm thành bại cùng nền kinh tế non trẻ vừa mới mở cửa Việt Nam vào những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX".
Sau khi thị trường chứng khoán ra đời, Dragon Capital bùng nổ cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam, tổng tài sản quản lý lúc bấy giờ lên nhiều tỷ USD. Tuy nhiên, khủng hoảng 2007-2008 lại đẩy công ty đến thách thức nghiệt ngã, khi chỉ số VN-Index ở ngưỡng gần 1.200 điểm trước đà rơi tự do một thời gian ngắn sau đó. Dragon Capital một lần nữa phải vượt qua sóng gió.
Đến nay, Dragon Capital đang quản lý khoảng 6 tỷ USD, trở thành công ty quản lý vốn lớn nhất Việt Nam.
Dragon Capital khẳng định quỹ đầu tư vào DN chỉ hỗ trợ vốn, không có ý định thay thế “bộ sậu” hay chiếm lĩnh DN
Trong những thời điểm khó khăn, Dragon Capital cũng đặc biệt nhấn mạnh doanh nghiệp càng cần phải quan tâm, chia sẻ và đồng hành cùng người lao động. Bởi nếu chỉ vì khó khăn mà doanh nghiệp sa thải người, đến khi qua khủng hoảng, doanh nghiệp sẽ lấy nguồn lực nào để bứt phá? Chính vì vậy, “giữ mình, giữ người” trong giai đoạn khó khăn là chìa khoá để doanh nghiệp vượt qua thách thức sinh tồn.
Và Dragon Capital khi đầu tư vào các doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với việc đầu tư vào yếu tố con người. Dragon Capital muốn dùng vốn để cùng doanh nghiệp phát triển, cùng chia sẻ thành quả đạt đuợc và gánh chịu những rủi ro ngoài ý muốn; chứ không phải xâm nhập và chiếm lĩnh doanh nghiệp, thay đổi ban quản trị. Bởi vì quỹ đầu tư chỉ là nhà đầu tư tài chính, không có nghề, không có kinh nghiệm hay thị trường như lãnh đạo doanh nghiệp - những nhà sản xuất trực tiếp tạo nên của cải vật chất cho nền kinh tế Việt Nam.
Ông cũng lưu ý đến kế hoạch đầu tư cho thế hệ tương lai. "Đ ời sống con người là hữu hạn, chúng ta có thể sống được 80-100 tuổi nhưng đời công ty phải là vô hạn. Doanh nghiệp sống lâu, sức mạnh của doanh nghiệp đó trên thương trường càng mạnh mẽ.
Do vậy, người doanh nhân không chỉ lo cho sự tồn vong, phát triển của công ty trong giai ngắn, trung và dài hạn mà còn nghĩ đến thế hệ kế thừa, để để tiếp tục đưa con tàu doanh nghiệp tiến lên trong thời gian dài và rất dài. Vì thế, vậy việc quy hoạch đội ngũ kế thừa là hết sức quan trọng…”, ông nói.
Dưới vai trò bên tổ chức, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL – chia sẻ: “Thương trường khắc nghiệt, doanh nhân phải đánh đổi để có được thành công. Nhiều người phải cầm cố tài sản để cứu lấy doanh nghiệp, nhiều người phải “hơn một lần làm doanh nhân”, bắt đầu lại từ nơi thất bại”.
Đại diện VCCI cũng nhấn mạnh, để doanh nhân và doanh nghiệp lớn mạnh, các tỉnh, thành phố cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi.