Phong cách đối lập của Shark Phú và ông Trương Gia Bình: Người "trốn" đi đánh golf, người miệt mài bán hàng, nhưng tại sao cả hai đều thành công?
Shark Phú tự kể rằng ngày nào công việc rảnh một chút ông thường "trốn" đi đánh golf. Trong khi đó, ông Trương Gia Bình thậm chí kêu với nhân viên khi thấy lịch làm việc của mình được giãn ra. Khác biệt là vậy, nhưng thành công của hai vị doanh nhân này đều không thể phủ nhận.
“Cho đến giờ phút này tôi hơi bị “boring” (nhàm chán), tức là trong cuộc đời mình làm quá ít thứ. Buổi sáng dậy đến công ty, ngày nào rảnh trốn được một chút thì đi đánh golf, tối về ăn cơm với vợ. Hiện tại là như thế”, Chủ tịch Sunhouse Nguyễn Xuân Phú – nhà đầu tư quen thuộc trên chương trình Shark Tank Việt Nam – chia sẻ tại Diễn đàn Lãnh đạo Doanh nghiệp trẻ Việt Nam 2023 do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HANOIBA) tổ chức gần đây.
Phong cách của Shark Phú dường như khá đối lập với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình – người nổi tiếng vì sức làm việc bền bỉ và lịch trình dày đặc. Với quan điểm rằng phong cách làm việc của lãnh đạo ảnh hưởng sâu sắc đến đội ngũ nhân viên, ông Hồ Hoàng Hải – Chủ tịch CTCP Phú Thành đã đặt ra câu hỏi về sự khác biệt giữa Chủ tịch Sunhouse và Chủ tịch FPT.
“Anh Phú tự kể về chuyện đi chơi, trong khi thành công của anh ấy không ai phủ nhận được. Em cũng biết nhiều doanh nghiệp lớn lãnh đạo đi chơi càng nhiều thì doanh số càng cao. Ngược lại, anh Bình đến bây giờ vẫn hăng say làm việc, nhưng cả hai anh đều cực kỳ thành công. Mong hai anh lý giải rõ hơn về điều này”, ông Hải đặt câu hỏi tại diễn đàn.
Để giải đáp thắc mắc từ Chủ tịch Phú Thành, Shark Phú lại đặt ra hàng loạt câu hỏi khác.
“Thực ra mọi chuyện từ mình mà ra. Các ông chủ đang làm việc vất vả vì cái gì? Tại sao lại làm việc đêm ngày? Tại sao mình cứ lo lắng mà nhân viên mình không lo? Khác nhau ở đây là gì? Đó là điểm then chốt.
Nếu muốn nhân viên có chung nỗi lo như lãnh đạo, thì cần xem tại sao mình cứ đi lo. Chuyển đúng cái đó sang nhân viên được thì người ta sẽ lo giống mình”, ông chủ Sunhouse nêu quan điểm.
Đáp lại, ông Trương Gia Bình cho biết mỗi người sẽ có câu trả lời riêng của mình, đồng thời chia sẻ rằng công việc nặng nề nhất của ông là đi bán hàng, duy trì đến tận bây giờ.
“Tôi từng bay sang Nhật gặp một công ty 1 tiếng, sau đó lại ra tàu điện để đi gặp một công ty khác. Tôi kêu ca với nhân viên rằng tại sao ngày trước anh có 5 cuộc làm việc một buổi mà giờ còn 3. Họ bảo để giữ sức khỏe cho tôi, nhưng tôi không cần. Tôi muốn tiếp tục làm”, Chủ tịch FPT bày tỏ.
Theo ông, hiện nay rất ít doanh nghiệp lớn đi bán hàng, vì phải “hạ mình chiều khách”. Tuy nhiên, tất cả những tập đoàn nổi tiếng là đối tác của FPT do đích thân Chủ tịch đi chào mời sản phẩm. Với dự án chip hiện nay, ông Trương Gia Bình cho biết có lẽ sẽ phải trực tiếp gặp gỡ tất cả các công ty chip của Mỹ và thuyết phục.
Lãnh đạo FPT còn kể lại câu chuyện bay sang Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần hồi năm 2011, khi mức phóng xạ tăng lên gấp nhiều lần. Bất chấp sự ngăn cản của cả thư ký và gia đình, ông vẫn một mực sang tận nơi để xử lý tình hình. Đối với ông, người đứng đầu một tập đoàn thì “chỗ đầu sóng, ngọn gió mình phải đứng”.
“Làm tướng thì phải thật lòng hy sinh. Khi đó người ta sẽ theo mình”, ông Trương Gia Bình nêu quan điểm.